Pages

Thứ Sáu, 25 tháng 7, 2014

Cảng Đại Liên, biểu tượng cho tham vọng của Hải quân Trung Quốc

Hàng không mẫu hạm Trung Quốc Liêu Ninh. Ảnh chụp ngày 01/01/2014.
Reuters
Thanh Phương
Không chỉ có một vị trí chiến lược trên Hoàng Hải, Đại Liên còn là nơi đặt các xưởng đóng tàu của Quân đội Nhân dân Giải phóng Trung Quốc để đóng các chiến hạm lớn nhất cho nước này, theo như tường thuật của hãng tin AFP ngày 25/07/2014.
Mục tiêu của Bắc Kinh rất đơn giản: qua mặt Hải quân Nhật và đến một lúc nào đó có thể đọ sức với Hải quân Hoa Kỳ, hiện đang là bá chủ vùng Thái Bình Dương.

Để đạt được mục tiêu đó, Trung Quốc sẽ phải xây dựng các đội hàng không mẫu hạm, hoạt động chung quanh các hàng không mẫu hạm, một chương trình tốn kém hàng trăm tỷ đô la, mà theo các chuyên gia, đã bắt đầu được thực hiện.
Tại cảng Đại Liên, chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc, mang tên Liêu Ninh, hiện đang được bảo trì. Có chiều dài 300 mét, hàng không mẫu hạm Liêu Ninh đã được xây tại cảng Đại Liên từ chiếc hàng không mẫu hạm đóng cho Hải quân Liên Xô. Dự án này đã bị đình chỉ sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991. Chiếc Liêu Ninh đã xuất xưởng và ra biển lần đầu tiên vào tháng 8 /2011, trước khi được đưa vào hoạt động kể từ tháng 9/2012.
Nay Bắc Kinh có tham vọng đóng một chiếc hàng không mẫu hạm 100% nội địa. Theo thông báo của bí thư tỉnh ủy Liêu Ninh vào tháng Giêng vừa qua, công trình này đã bắt đầu được thực hiện ở cảng Đại Liên. Nhưng thông báo của viên bí thư tỉnh này này sau đó đã bị xóa khỏi các trang mạng, vì đây là thông tin mật.
Cho tới nay, quân Trung Quốc vẫn giữ bí mật hoàn toàn về các chương trình vũ khí và tình trạng này có thể sẽ còn kéo dài nhiều năm nữa. Theo chuyên gia Rick Fisher, thuộc International Assessment and Stragegy Center, rất có thể là quân đội Trung Quốc đang xây các bộ phận khác nhau của hàng không mẫu hạm trong các nhà kho, để không bị vệ tinh phát hiện.
Hai chuyên gia của tạp chí Jane’s Defence Weekly, James Herdy và Lee Willett cũng xác nhận rằng trong vài năm tới, chiếc hàng không mẫu hạm thứ hai của Trung Quốc sẽ xuất xưởng từ cảng Đại Liên.
Hai chuyên gia này cho rằng chính sách trung hạn và dài hạn của Trung Quốc là mở rộng sự hiện diện trên đại dương toàn cầu để bảo vệ các lợi ích của họ về mặt tiếp cận các nguồn tài nguyên, về các đường giao thương hàng hải và về các thị trường cho hàng hóa Trung Quốc.
Bản thân chủ tịch Tập Cận Bình đã từng kêu gọi huy động toàn lực để Trung Quốc trở thành cường quốc hải dương lớn. Trong cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh hải với các nước láng giềng, Bắc Kinh nay không ngần ngại phá vỡ nguyên trạng của các vùng biển bao quanh Trung Quốc.
Cho tới gần đây, khi trang bị hàng không mẫu hạm, Trung Quốc vẫn sợ mất đi hình ảnh một quốc gia phát triển vũ khí chỉ để tự vệ. Nhưng bây giờ, Bắc Kinh không ngại chứng tỏ họ có thể tung lực lượng xa lãnh thổ Trung Quốc.
Các chuyên gia quân sự cho rằng Trung Quốc hiện đã có đủ khả năng tấn công, với các tên lửa đạn đạo, tên lửa tầm xa, máy bay tiêm kích, oanh tạc cơ, xe thiết giáp hạng nặng, tàu đổ bộ, khu trục hạm, chứ không chỉ còn là một lực lượng mang tính phòng thủ.
Vấn đề đặt ra bay giờ là Trung Quốc dự tính sẽ xây đến bao nhiêu hàng không mẫu hạm. Hiện giờ, Hoa Kỳ đang có 10 hàng không mẫu hạm, cộng thêm chiếc USS Geral Ford, sắp tới đây sẽ đi vào hoạt động, là 11.
Chuyên gia Rick Fisher cho biết, theo đa số các thẩm định, Trung Quốc sẽ xây thêm 1 hoặc 2 hàng không mẫu hạm chạy bằng năng lượng thường, trước khi chuyển sang đóng các hàng không mẫu hạm chạy bằng năng lượng hạt nhân, có tầm hoạt động xa gần như vô giới hạn, có thể là khoảng từ đầu đến giữa thập niên 2020. Ông dự báo từ đây đến năm 2030 Trung Quốc sẽ có từ 4 đến 5 hàng không mẫu hạm và từ 6 đến 10 chiếc trong thập niên kế tiếp.

Không có nhận xét nào: