Pages

Thứ Bảy, 26 tháng 7, 2014

Huỳnh Bá Hải - Chính quyền điện tử trên nền tảng công an trị

Ngày 22/7/2014 tại thành phố Đà Nẵng tổ chức lễ khánh thành hệ thống thông tin chính quyền điện tử. Báo chí lề đảng tung hô sự kiện này như một thành công về công nghệ thông tin lần đầu tiên tại Việt Nam. Sáu mươi ba (63) tỉnh thành tại Việt Nam đều có trang web của tỉnh mình nhưng tại sao chỉ duy nhất thành phố Đà Nẵng tiên phong trong vấn đề áp dụng mô hình chính quyền điện tử? Lẽ nào Đà Nẵng hay hơn tài giỏi hơn cả Sài Gòn và Hà Nội?

internet02

Chúng tôi liên lạc về Đà Nẵng hỏi thăm sự kiện này thì nguồn tin ngay trong UBND Thành Phố cho hay là đây là dự án của Hàn Quốc tài trợ đã trên 3 năm nay rồi chứ không phải là mới đây. Phía Hàn Quốc cần kết thúc dự án và báo cáo tài chính cho nước của họ nên thúc ép dữ dội lắm, phía chủ nhà là Thành phố Đà Nẵng mới chịu làm miễn cưỡng cho xong để được giải ngân phần tiền còn lại sau khi dự án đi vào hoạt động.

Một nhà báo chuyên về mảng nội chính cho một tờ báo lớn trong nước đang làm việc cho văn phòng đại diện tại Miền Trung cho hay là mô hình chính quyền điện tử không xa lạ gì các nước Phương Tay nhưng ở Việt Nam để thực sự có chính quyền điện tử thì ít nhất cũng 10 năm nữa. Vấn đề không phải là công nghệ mà là đầu óc của lãnh đạo. Trong một thể chế chính trị có 2 nhà nước song hành cùng tồn tại thì nhât định không có chuyện minh bạch thông tin. Nhất là thông tin từ các cơ quan công quyền hiện nay cũng chỉ mang tính chất đối phó với dư luận và cấp trên lãnh đạo, cấp dưới tuân thủ chứ sự thật thì không tròn trịa như các con số, chỉ tiêu được đưa ra báo cáo.

Một thành viên hội Văn học Nghệ Thuật thành phố bật cười khi chúng tôi hỏi về hiệu quả của chính quyền điện tử tại Đà Nẵng. Vị này mỉa mai: " Chắc cũng làm kiểng như UBND huyện Hoàng Sa và công dân danh dự của huyện đảo này ". Vì có UNBD huyện mà đảo thì trong tay Trung Quốc, chẳng có dân có cơ quan hành chính nào ngoài đó cả. Văn phòng của UBND huyện Hoàng Sa nằm tại thành phố Đà Nẵng thì chắc chính quyền điện tử cũng theo mô hình này.

Một nhà đấu tranh cho dân chủ thì quả quyết chừng nào có dân chủ thì may ra dân còn tin chính quyền điện tử. Bây giờ cái gì cũng công an theo dõi dòm ngó thì cần gì điện tử. Người này đưa ra trường hợp vợ chồng kỹ sư Nguyễn Văn Thạnh đi thuê nhà ở đâu là công an biết liền. Vừa dọn nhà đến ở là công an đến làm khó dễ chủ nhà để đuổi vợ chồng anh Thạnh đi chỗ khác

Một sinh viên đang theo học tại Đại học Kinh tế Đà Nẵng thì cười nhạo: " Chính quyền điện tử à ? Cô chủ nhà tụi em đang thuê trọ là Phó chủ tịch Phường còn không biết email, internet là gì thì làm sao mà nói cho dân nghe chuyện chính quyền số hóa gì đây?".

Một nhà giáo về hưu nói với chúng tôi là mong muốn cho thành phố ngày càng văn minh tiến bộ chứ tối ngày đi làm mấy việc cỏn con không ra làm sao. Chính quyền gì mà tối ngày cứ đi rình giáo viên có dạy thêm dạy kèm không để bắt phạt thì minh bạch chỗ nào? Thành phố Đà Nẵng tuyên bố áp dụng nhiều mô hình quản lý đi trước cả nước nhưng đã lộ ra nhiều bất cập và bị hớ thành ra gánh nặng cho người dân thành phố càng ngày càng nhiều. Việc học thêm là nhu cầu chính đáng thì dạy thêm cũng là việc làm chính đáng đôi khi còn giải quyết kinh tế cho giáo viên mà đi bắt bớ giáo viên dạy thêm tại nhà là việc làm không hợp lòng dân.

Một thợ chụp hình đang hành nghề tại thành phố Đà Nẵng thì lạc quan hơn: "Cũng như tụi tôi luôn tìm những góc nhìn đẹp để bấm máy cho khuôn hình của mình hoàn hảo hơn thì mấy ông lãnh đạo thành phố sẽ cố gắng phô diễn nhưng thành quả do các ổng làm ra. Ông này làm chưa xong ông kia lên phá ra làm lại cái khác. Nên người dân cứ nghe chuyện đổi mới, cải cách dài dài".

Không biết là khi chính quyền thành phố Đà Nẵng công bố vận hành chính quyền điện tử đầu tiên trong cả nước thì ai sẽ là người có lợi: Dân hay các quan chức ? Bởi người dân hiện nay đã quá quen thuộc cách nói "của dân, vì dân, do dân " rồi. Câu cửa miệng hiện nay ai cũng biết kể cả cán bộ: " Nói vậy mà không phải vậy ".

Huỳnh Bá Hải

(Thông luận)

Không có nhận xét nào: