Pages

Chủ Nhật, 19 tháng 4, 2015

30/4 Quê hương xa mờ dần

Một góc Bến Bạch Đằng ở Sài Gòn trong những ngày cuối tháng 4/1975.
Với kinh nghiệm cuả ba tôi, một nhà cách mạng quá cố, đã từng chống Pháp và Việt Minh, vào những ngày đầu tháng Tư năm 1975, anh cả tôi đã nói với tất cả các anh em đều là quân nhân quân đội Cộng Hoà, ai có tàu bè, có máy bay cứ tư do quyết định đi đâu thì đi.
Thế nhưng với tinh thần quốc gia khí phách, đã từng đi Mỹ và hoạt động chung với người Mỹ, anh tôi vẫn tỏ ra không thân thiện với họ.

Những ngày cuối cuả tháng tư năm 1975. Mọi việc thay đổi hẳn, thái độ hận người Mỹ đã bỏ rơi miền Nam, thêm vào đó bà cụ thân sinh chúng tôi không muốn đi Mỹ; và anh tôi cũng e ngại sang xứ sở xa lạ làm gì để sống; và anh tôi quan niệm rằng người Việt cộng sản đối xử với người Nam Việt sau chiến tranh cũng không đến nỗi nào, sướng cùng sướng, khổ cùng khổ.
Hình ảnh những người di tản bị người Mỹ đấm đạp không cho lên máy bay trực thăng, qua Guam bị xịt thuốc sát trùng DDT, đã khiến ông trở nên quyết liệt, không muốn ra đi kéo theo một loạt 5 anh em cùng ở lại.
Các Hạm Trưởng đàn em của ông đem xuồng đến tận nhà đón cả gia đình, ông đều từ chối.
Anh kế cuả tôi, một thiếu tá không quân đã mang vợ con vào phi trường Tân Sơn Nhất để chờ máy bay di tản, nhưng phi trường bị pháo kích dữ dội và bị một cú hải pháo công kích cuả ông anh ruột:
"Mày tính đưa vợ con mày sang Mỹ để làm đĩ hả?"
Ông anh kế của tôi rất bực bội, đành cuốn khăn gói đem vợ và 4 đứa con còn nhỏ dại trở về nhà.
Em kế tôi mới vừa mới tốt nghiệp dược khoa, thừa sống, thiếu chết trở về Sài Gòn từ Đà Nẵng giữa cảnh hãm hiếp, cướp bóc trên các con phà lênh đênh trên biển đã khiến những bức tranh vẽ về các vụ di tản trở nên thật tồi tệ.

Ở lại và đi tù

Nhiều người dân chạy nạn tại khu vực Xuân Lộc, cửa ngõ Sài Gòn, những ngày giữa tháng 4/1975.
Không có một quân đội nào trên thế giới can đảm và có kỷ luật như binh lính miền Nam khi các máy bay chở những người chỉ huy cuả họ chạy sang đảo Guam, các hàng không mẫu hạm Mỹ cuả Đệ Thất Hạm Đội chờ sẵn ngoài khơi để đón các đoàn người di tản; trong khi viện trợ quân sự và nhất là viện trợ kinh tế bị Quốc Hội Hoa Kỳ cắt tàn nhẫn.
Những người lính chiến biết chắc họ sẽ không được lãnh lương, vợ con sẽ nheo nhóc vừa phần thiếu thốn vũ khí đạn dược, nhưng họ vẫn ghì tay súng tại mặt trận Xuân Lộc cho đến khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng.
Sau 30/4 1975. Cả năm anh em đều lần lượt, người mang theo 10 ngày ăn, người 15 ngày rủ nhau tình nguyện đi trình diện học tập cải tạo để sớm về "lao động" kiếm tiền nuôi mẹ, nuôi vợ, nuôi con.
Khi chúng tôi làm bản tự khai sơ yếu lý lịch, thì chúng tôi phải điền và mục ngày bị bắt là ngày đi trình diện học tập cải tạo.
Mẹ chúng tôi trở nên hao mòn, người choắt lại như đưá trẻ khi vào thăm nuôi tôi lần đầu tiên tại trại cải tạo Hóc Môn.
Trông thấy tôi, bà cụ oà khóc, viên quản giáo to tiếng:
"Bà không động viên con bà mà còn khóc lóc cái gì?"
Mẹ tôi trả lời: "Tôi thương con tôi, tôi khóc, anh cấm cả khóc à?"
Năm anh em đều đi tù cải tạo, người ra Bắc, kẻ trong Nam. Người 3 năm, người 6 năm, người 12 năm. Các bà chị ruột , chị dâu đầu tắt, mặt tối buôn thúng bán mẹ, chạy chợ trời lam lũ để nuôi con, nuôi chồng.
Sau hơn 6 năm tù tội, có lúc tuyệt vọng muốn kết liễu đời mình trong lúc bệnh hoạn thập tử nhất sinh khi nghe tiếng trống báo thức giuã núi rừng Kà Tum âm u, chướng khí. Khi tôi được nghe lệnh thả, bèn ba chân, bốn cẳng đi vội càng xa cánh cửa nhà tù càng tốt bấy nhiêu.

Lần lượt vượt biên

Bà cụ tôi mặt mũi xanh xao vừa mở cửa nhà đón tôi vào nhà đã ôm tôi khóc và báo cho tôi biết là anh cả và em út đã bị bắt trên đường vượt biên, mặt đất dưới chân tôi dường như bị sụp đổ.
Làn sóng tị nạn Việt Nam đã bùng nổ mạnh mẽ từ 4/1975 và phát triển thành cao trào thuyền nhân trong các năm thập niên 1970, 1980.
Trong thời gian bị quản chế tôi phải trình diện công an khu vực và họp tổ dân phố mỗi tuần, ban ngày ngược xuôi đạp xe bán mối thượng vàng, hạ cám kiếm tiền nuôi thân.
Bà cụ tôi vẫn muối dưa cà gánh gồng đưa ra chợ bán.
Sau nhiều lần vượt biên thất bại, một lần bị bắt, tôi đã bứt dây trói trốn thoát, chạy trối chết dưới hàng loạt đạn AK 47 nã đuổi theo sau lưng.
Theo dõi sinh hoạt hơi thất thường cuả tôi, công an khu vực gọi tôi lên chỉ vào mặt:
"Anh coi chừng!"
Ngay ngày hôm sau, đúng ngày Quốc Khánh Mỹ 4/7/1984, tôi đi vượt biên lại thất bại phải trở về vì không tìm được chiếc ghe lớn.
Sau đó 4 ngày, gặp đúng chuyến, tôi đã lái ghe chở 67 người vượt thoát đến dàn khoan Udang Natuna ngoài khơi Nam Dương (Indonesia) an toàn.
Sang Mỹ, tôi đổi nghề lái tàu, sang nghề đóng máy bay cho Boeing, Airbus, tháng 6 năm nay sẽ lãnh tiền Social Security (chế độ hưu bổng) vừa tròn đúng 70 tuổi.

Mong mỏi tương lai

Nhìn lại dấu mốc 40 năm, tôi tiếc thương cho ngưới anh cả giỏi giang, khí khái đã mất tích trên biển trên đường vượt biên năm 1987.
Đó là một người anh đã hy sinh, tận tụy cho gia đình, yêu thương văn hoá, yêu nước và dân tộc Việt Nam, một người có học từng tốt nghiệp trường Albert Sarraut tại Hà Nội.
Tôi rất thương tiếc những thanh niên tuấn tú cả hai miền đã bỏ mình trên chiến trường vì chủ nghĩa, ý thức hệ ngoại lai, vì những dối trá, lường gạt cuả một nhóm lãnh tụ hoạt đầu đầy tham vọng.
Tác giả mong sớm có một đất nước Việt Nam dân chủ, tự do, thịnh vượng sau 40 năm cuộc chiến Việt Nam khép lại.
Binh sĩ hai miền đã dùng võ khí cuả ngoại bang chém giết lẫn nhau gây hận thù chia rẽ dân tộc không biết bao giờ mới chấm dứt.
Nếu không có cuộc chiến tranh phi lý Quốc, Cộng, đất nước được thống nhất trong hoà bình, với tinh thần đoàn kết cả hai miền, dân Việt sẽ dư sức dốc tâm kiến tạo một nước Việt Nam cường thịnh không khó khăn gì.
Thiển nghĩ, với những người lính đã cầm súng chiến đấu ở hai bên chiến tuyến và đồng bào trong và ngoài nước việc cảm thông, nối vòng tay Việt không là một trở ngại lớn.
Nhưng việc hoà hợp, hoà giải giữa đồng bào Hải Ngoại, những người bất đồng chính kiến trong nước với nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội hiện tại mới chính là vấn đề thực nan giải.
Từ quê hương thứ hai, qua Thái Bình Dương bao la, xanh ngát, nhìn về cố quốc, mong sớm có một đất nước Việt Nam dân chủ, tự do, thịnh vượng.
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả đang sống ở San Diego, California, Hoa Kỳ. Bài được gửi tới BBC sau khi BBC mời độc giả tham gia viết bài vở, đóng góp tư liệu, chia sẻ thông tin, cảm nghĩ về sự kiện 30/04/1975.

Không có nhận xét nào: