(Bình an là khi những gì chúng ta nghĩ, chúng ta nói và chúng ta làm đều hòa hợp nhất quán – Peace is when what you think, what you say and what you do are in complete harmony – Mahatma Gandhi)
Tôi còn nhớ khoảng vài tháng sau khi bức tường Berlin sụp đổ, tôi ngồi ăn tối với một đại gia Mỹ (gốc Đức) và một chính trị gia khá cao cấp dưới quyền của TT Helmut Kohl/Tây Đức (lúc ấy vẫn là 2 quốc gia Tây và Đông Đức). Ngài đại gia Mỹ có một công ty lớn ở Tây Đức và đang liên doanh với một công ty nhỏ của tôi ở Trung Quốc. Ông cần một phân tích pháp lý và thị trường kỹ càng về chiến lược và hệ quả của thế trận mới khi nước Đức thống nhất. Nhà máy này của ông tại Trung Quốc hợp tác với một doanh nghiệp nhà nước của Đông Đức và đang cho họ giữ độc quyền phân phối sản phẩm tại khắp châu Âu. Tôi phải lò mò bay qua Munchen để bàn việc với ngài.
Mệt với chuyến bay và múi giờ, tôi lười biếng chỉ muốn bữa ăn qua nhanh để về khách sạn ngủ. Tuy nhiên, một phần câu chuyện của 2 ông làm tôi chú ý. Trước hết, vị chính khách than phiền là khá bận rộn với những sửa soạn cho sự hòa nhập chính thức của 2 quốc gia dự định hoàn tất trước cuối 1990. Vì theo hiệp định giữa 2 bên, nước Đức thống nhất sẽ là một successor (hậu thân) của Tây Đức, nên phía chính quyền Kohl gần như phải lo mọi vấn đề phát sinh; từ pháp lý, chính trị, kinh tế đến xã hội, dân sinh. Mệt nhất là một ngân sách rất tốn kém để trang trải tất cả chi phí cho việc nâng cao mức thu nhập của dân Đông Đức lên được khoảng 70% của dân Tây Đức trong thời hạn 10 năm sắp đến.
Với đầu óc còn ngây thơ, tôi nghĩ thống nhất là điều mọi người Đức đều ao ước, kể cả đại gia gốc Đức, vì ngài luôn luôn khoe về một quá khứ huy hoàng của Đế Chế Đức và hãnh diện với bất cứ điều gì, vật gì…liên quan đến Đức. Nhưng ngài lại phê phán một câu rất…ngược,” Chính quyền của anh (Tây Đức) đã làm một điều ngu xuẩn nhất. Đi nuôi từ thiện một thằng nghèo đói, bệnh hoạn…Trong vài chục năm tới, các anh sẽ phải mang cục nợ nặng nề này trên vai, và mọi ngươi dân Tây Đức sẽ nguyền rủa các anh vì họ phải đóng bao nhiêu thuế thêm để nuôi những thằng lười biếng, lợi dụng ; mặc cho nền kinh tế bị lụn bại, không thể cạnh tranh hữu hiệu. Ngoài ra, với dân số nghèo, tăng trưởng nhanh, di dân thông thoáng, Đông Đức sẽ lần lần nắm cán cân quyền lực chính trị…cũng như kinh tế. …Cũng may là Tây Đức còn đủ cash để vất tiền qua cửa sổ.”
Dĩ nhiên, ngài đại gia chỉ là thiểu số và nước Đức đã vượt qua nhiều thử thách để hòa nhập gần như toàn diện sau 25 năm. Thu nhập của dân Đông Đức đã đạt mức 78% thu nhập của dân Tây Đức. Tuy nhiên, ngài đại gia đã khá chính xác về dự đoán của mình. Theo thống kê từ The Telegraph, vào cuối 2014, Tây Đức đã tiêu xài gần 2 ngàn tỷ euros, khoảng 100 tỷ euros mỗi năm cho Đông Đức. Một quốc gia nghèo hơn Tây Đức chắc đã phá sản.
Lịch sử khó khăn trong việc thống nhất nước Đức là một đề tài tranh luận sôi nổi gần đây tại Hàn Quốc, nhất là khi tin đồn về sự sụp đổ của chính quyền Bắc Triều Tiên lan tràn trên mạng truyền thông quốc tế. Yêu nước, yêu đồng bào…là một chuyện, nhưng đa số người Hàn không muốn “phá sản” chỉ vì những anh em bà con chỉ lăm le “chôn sống” mình để cướp của. Một giáo sư Hàn Quốc tâm tư, “ Thống nhất đất nước là một lý tưởng overrated (đánh giá quá cao) và over its time (không hợp thời). Cứ giữ nguyên trạng như thế này thì tốt cho cả hai bên. Dân Bắc Triều Tiên chắc cũng quen và thích lối sống nô lệ rồi.”
Đây là chuyện của những quốc gia dân chủ pháp quyền, tôn trọng đa nguyên, dân trí tương đối cao và đủ giàu mạnh để trả tiền “mua thuốc Hòa Giải Hòa Hợp (HGHH)”. Ngay cả những lãnh tụ lớn với mục tiêu “quốc gia dân tộc trên hết”như Lincoln, Mandela, Truman…cũng rất vất vả để thực thi chính sách HGHH mà không gây nhiều thiệt hại đến người thua hay kẻ thắng…..
&&&&&&
Tháng tư lại về. Quận Cam của Nam Cali và có lẽ tại khắp các cộng đồng Việt ở hải ngoại, lại tràn ngập cờ vàng và những buổi lễ tưởng niệm ngày gẫy súng, ngày quốc hận, ngày thua cuộc. Bên kia bờ Thái Bình, chính quyền cờ đỏ đang chuẩn bị một lễ hội tưng bừng với pháo hoa, diễu binh và văn nghệ hoành tráng mừng ngày đại thắng. Hai thái cực, hai tác động, hai niềm tin, hai ký ức, hai thế giới…có thể nói là đối nghịch nhau như nước với lửa. Tuy nhiên, không ít người từ mỗi bên kêu gào …hòa giải hòa hợp (HGHH) để cùng nhau bắt tay xây dựng một Việt Nam hùng cường, giàu mạnh.
Mặc cho nghi ngờ từ nhiều phía, lời kêu gọi được giới trẻ và dân trí thức yêu thích vì đích đến của HGHH quá lý tưởng và đúng với tinh thần yêu nước yêu dân của lứa tuổi “yes, we can”. Tuy nhiên, lý tưởng là một chuyện nhưng thực tế còn rất xa vời với những rào cản chính:
1. Mọi xã hội hay cộng đồng ngày nay đã đa dạng hóa:
Từ quốc gia dân chủ đa nguyên đến xã hội độc tài chuyên chế, thành phần dân chúng gồm rất nhiều phân khúc: khác biệt về trí tuệ, khoảng cách giàu nghèo, thế hệ trẻ già, quan điểm chính trị, môi trường sinh hoạt, văn hóa truyền thống, nhu cầu dân sinh…Tại Mỹ, không ai có thể đem một anh chị “WASP” (da trắng, gốc Anglo-Saxon, đạo Tin Lành) hay tín đồ của KKK…đi HGHH với một người Mỹ gốc Phi, sống trong ổ chuột Harlem, theo đạo welfare…Còn Việt Nam, mỗi một đề tài tranh cãi dù rất nhẹ nhàng như chuyện “tự hào dân tộc” là đủ ma xát để gây ẩu đã bạo lực.
Nói chi đến những sự kiện lịch sử đã thay đổi như biển dâu định mệnh của cả chục triệu người?
2. Bất cứ việc HGHH nào cũng phải dựa trên tự do ngôn luận
Quyền tranh cãi, thảo luận, đề nghị… trong một khung cảnh hoàn toàn vắng mặt sự hù dọa hay cưỡng chế là điều kiện tất yếu của HGHH. Không ai dám mở miệng thành thực nói lên những suy nghĩ, những phán xét, những bức xúc của mình (vì sợ) thì HGHH cái gì? Ai có quyền làm trọng tài độc lập để định đoạt chuyện gì là nhậy cảm hay phạm luật? Ai đặt ra luật?
Khi phe đối diện không được tôn trọng và bị chửi rủa liên tục dưới nhiều hình thái thì ai muốn dây vào HGHH? Ích lợi gì?
3. HGHH phải dựa trên một nguyên lý căn bản (như quy luật ”đa số” quyết định)
Như đã trình bày, có quá nhiều phân khúc dân số mà dù có trăm ngàn lý lẽ khoa học hay logic cũng không thể thuyết phục người bất đồng quan điểm, chưa kể đến sự kiên định vì lơi ích riêng. Do đó, ở những xã hội dân chủ thực sự, mọi người phải tuân theo quyết định của đa số. Trong kỳ bầu cử năm 2008 , ông Obama thắng với số phiếu lịch sử là 52.7%. Tuy vậy, có nghĩa là gần 47% cử tri Mỹ đã không ủng hộ ngôi vị Tổng Thống của ông này.
Sự đồng thuận về quy luật căn bản để thực thi HGHH là điều gần như bất khả. HGHH không thể là một ban phát như xin-cho hay bổng lộc.
4. HGHH phải có niềm tin vào sự thành thực của phe đối diện
Chưa bao giờ “Nói Và Làm” quan trong như trong tiến trình này. Bởi vì chúng ta không phải nói về một đề tài khoa học, mà là một sự kiện chứa nhiều cảm xúc. Cả hai bên đều có những mất mát quá lớn lao đến độ chữ “nợ máu” được sử dụng thường xuyên. HGHH không thể xẩy ra khi chúng ta chưa hóa giải được nghi ngờ này. Câu nói “Đừng tin những gì CS nói mà nhìn những gì CS làm” đã quá phổ biến trong đầu óc và miệng lưỡi của mọi người ở hai bên. Chỉ có những việc làm đích thực đến từ những lời hứa nghiêm túc mới có thể bắt đầu quy trình HGHH.
&&&&&&&&
Từ những suy ngẫm trên, tôi tin sự HGHH giữa hai bên thù địch sau 40 năm hòa bình là điều không tưởng cho Việt Nam trong tương lai gần. Nhiều người còn nêu lý do sâu xa hơn về thái độ bảo thủ kiên định của các quyền lực bên phe XHCN, hay nói về những hận thù của các thuyền nhân bị mất người thân, tài sản… Họ đều đúng vì người có tài sản thâu tóm được sau 1975 sẽ không bao giờ “hy sinh” lợi ích riêng cho cái viển vông của lý tưởng HGHH. Người bị cướp của trắng trợn cũng khó thể nào mở lòng và ngồi HGHH thoải mái với người gây đau khổ cho mình?
Tệ hại hơn nữa, nhiều chính trị gia từ 2 bên, dùng mồi HGHH để câu khách thêm cho phe mình, được sắp xếp như một chương trình PR qua nhiều “bánh vẽ” với nhiều mưu tính ở sân sau.
Theo suy nghĩ cá nhân của tác giả, những gì chưa thể làm được thì nên im lặng đợi lúc “thiên thời”. Hãy để một hay vài thế hệ mới, với một dân trí và tư duy của thế kỷ mới, bắc cầu tiếp nối. Với HGHH, chắc chắn Việt Nam sẽ tạo thêm được một lực đẩy mới, giúp nhiều cho sự phát triển kinh tế và dân sinh như mong ước. Nhưng chém gió mãi về một giải pháp chưa thể khả thi chỉ làm chúng ta sao lãng những việc phải làm trước mặt và gây nên những thất vọng mới cho lớp trẻ.
HGHH phải xếp hàng đợi vậy…
Alan Phan
(Blog Alan Phan)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét