Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng rời Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam chiều 10/4, kết thúc chuyến thăm bốn ngày ở Trung Quốc.
Trung Quốc đã đón tiếp long trọng phái đoàn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đánh dấu chuyển biến sau thời gian căng thẳng năm 2014.
Truyền thông Việt Nam nói Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì lễ đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng theo nghi thức cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia.
Cuộc hội đàm ở Bắc Kinh hôm 7/4 chứng kiến việc ký một loạt thỏa thuận mà hai bên hứa hẹn sẽ “góp phần củng cố, tăng cường tin cậy chính trị, hữu nghị giữa hai nước”.
Trả lời BBC, các học giả Trung Quốc bày tỏ hy vọng quan hệ sẽ phát triển ổn định, nhưng cũng có người nói thẳng Việt Nam không nên “lợi dụng các đại cường”.
Shen Dingli, Giáo sư Viện Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Phục Đán, Thượng Hải
Mỗi nước – Trung Quốc, Việt Nam, Hoa Kỳ - đều có lợi ích riêng của mình. Mặc dù có một số lợi ích khác nhau, phần nhiều là giống nhau như sự ổn định và phát triển. Quan trọng là làm thế nào thu hẹp khác biệt và mở rộng điểm chung.
Trung Quốc và Việt Nam sẽ có thể tiếp tục truyền thống đối tác tốt và kiềm chế khác biệt. Chuyến thăm của ông Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc là một nỗ lực theo hướng này, và Trung Quốc rất trân trọng.
Tôi hy vọng hai bên sẽ có thành tựu mới mẻ, tích cực, có lợi cho cả hai. Thông qua sáng kiến hợp tác đa phương “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc, hy vọng là hai nước sẽ xác định được những dự án phù hợp để hợp tác theo hướng song phương hoặc đa phương.
Li Qingsi, Giáo sư, Phó Giám đốc Trung tâm Hoa Kỳ học, Đại học Nhân dân Trung Quốc, Bắc Kinh
Về tranh chấp ở Nam Hải, cần chỉ ra rằng Việt Nam nên cân bằng giữa lịch sử và hiện tại. Sự can dự của bên thứ ba trong quan hệ song phương chỉ gây bất lợi. Miễn là Việt Nam sẵn sàng thương lượng với Trung Quốc về vùng biển tranh chấp, rồi rốt cuộc sẽ có thêm tiến bộ.
Về quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, xin trích lời một người nói về Mexico, rằng nước này quá xa Thượng đế nhưng quá gần Hoa Kỳ. Theo tôi, chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chứng minh quan hệ gần gũi hơn giữa Việt Nam và Hoa Kỳ không thể là giải pháp cho các vấn đề của Việt Nam. Cứ xem lịch sử giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, cũng như chính sách của Hoa Kỳ ở những nơi khác từ Trung Á đến Trung Đông sau Chiến tranh Lạnh. Nếu Việt Nam vẫn mơ Hoa Kỳ đóng góp cho hòa bình và ổn định khu vực, họ sẽ hối tiếc về hậu quả. Ngoài ra, nếu một nước yếu hơn tìm cách lợi dụng các đại cường, liệu có giống như chơi với lửa? Mỗi khi các nước lớn nhượng bộ nhau, chỉ có nước nhỏ thua thiệt.
Tóm lại, quan hệ gần gũi hơn giữa Việt Nam và Mỹ sẽ có hại ở Nam Hải. Nhưng quan hệ gần gũi hơn giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ đem lại lợi ích, hai bên cùng thắng. Tôi tin giới lãnh đạo Việt Nam sẽ có quyết định đúng đắn.
Shi Yinhong, Giáo sư về Quan hệ Quốc tế và Nghiên cứu Chiến lược, Đại học Nhân dân Trung Quốc, Bắc Kinh
Rất tốt khi Trung Quốc và Việt Nam, qua kênh Đảng cấp cao nhất, cố gắng giảm cạnh tranh và căng thẳng, quan tâm hơn đến trao đổi kinh tế và các hình thức hợp tác khác. Điều này có thể quan trọng cho Hà Nội về kinh tế và cho Bắc Kinh về ngoại giao.
Tuy vậy, tranh chấp ở các đảo nhỏ và vùng nước xung quanh, cũng như vùng đặc quyền kinh tế vẫn còn đó. Không bên nào chấp nhận nhượng bộ lớn. Chính sách ngoại giao của Việt Nam vẫn sẽ nhằm từ từ xây dựng đối tác chiến lược, hay một điều gì gần như thế, với Washington. Chính sách của Trung Quốc thì vẫn sẽ định hình bởi sự cạnh tranh chiến lược với Mỹ tại tây Thái Bình Dương và Đông Nam Á.
Thật mừng khi chứng kiến quan hệ nồng ấm hơn, và chúng ta cũng đừng ngạc nhiên nếu nhỡ xảy ra chuyển biến lạnh lẽo hơn trong tương lai. Thăng trầm, thịnh suy là lẽ thường tình.
1 nhận xét:
NHÀ MÀY CỬA TRƯỚC ,SAU ,HÔNG TAO ĐẾN CHIẾM Ở ĐƯỢC KHÔNG ? VỚI LÝ DO ĐẤT MÁ TAO ĐỂ LẠI ? SAO MANG TIẾNG GIÁO SƯ MÀNGU HƠN CON BÒ VẬY MÀY .
Đăng nhận xét