Pages

Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2015

Ủy viên BCT VN nghiên cứu cải cách ở Harvard

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân từng là Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội (ảnh năm 2006)
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn phái đoàn đến Đại học Harvard tìm hiểu cải cách thể chế.
Bà Kim Ngân dẫn đầu đoàn gồm 15 lãnh đạo cấp trung ương và địa phương, trải qua năm ngày ở Chương trình Lãnh đạo Quản lý cao cấp của Việt Nam (VELP) tại Đại học Harvard.

Chuyến thăm Mỹ của bà kéo dài từ 11 đến 21/4, ngay sau khi bà vừa tháp tùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc.
Chương trình VELP được Bộ Ngoại giao Việt Nam, Chương trình Việt Nam ở Trường Harvard Kennedy và cơ quan Liên Hiệp Quốc UNDP đồng tổ chức.
Đây là diễn đàn để các lãnh đạo Việt Nam trao đổi với các học giả, doanh nhân quốc tế.
Đề cương chương trình năm nay của VELP nói trong lúc Việt Nam sắp tiến hành Đại hội Đảng, nước này đối diện nhiều thách thức gần và dài hạn.
“Các nhà hoạch định chính sách chịu sức ép thúc đẩy tăng trưởng và duy trì bình đẳng,” đề cương nói.
“Trong kinh tế, chính phủ xác định nhu cầu tăng tính cạnh tranh cho khu vực tư nhân và tái khẳng định sự cấp thiết cải cách doanh nghiệp nhà nước.”
“Cũng có nhận thức về tầm quan trọng của cải cách tư pháp đối với sự phát triển của Việt Nam.”
“Về chính trị, cả Đảng và Chính phủ đã khẳng định cơ quan lập pháp ở mọi cấp cần tăng cường tính đại diện. Ngoài ra, kinh nghiệm các nước cho thấy quốc hội đóng vai trò quan trọng để phân bổ nguồn lực hiệu quả.”
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân từng là Bí thư tỉnh Hải Dương, Thứ trưởng Bộ Thương mại, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội.
Theo tiểu sử chính thức, bà có bằng Thạc sĩ Kinh tế và Cử nhân Chính trị.
Tại khóa học năm ngày, bà cùng phái đoàn sẽ nghiên cứu các câu hỏi như làm thế nào có hệ thống quản trị hiện đại, làm sao chuyển đổi mà vẫn duy trì ổn định chính trị và xã hội.
Bộ Ngoại giao Việt Nam nói chuyến thăm Mỹ của phó chủ tịch Quốc hội nhằm thúc đẩy mối quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ trong bối cảnh hai nước đang kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1995-2015).

Không có nhận xét nào: