Pages

Thứ Năm, 2 tháng 4, 2015

Đình công ở Tp HCM: chính quyền 'xoa dịu'?


Cuộc đình công kéo dài liên tục từ ngày 26/3

Đại diện của chính quyền hứa sẽ xem xét nguyện vọng của công nhân sau một đợt đình công lớn tại công ty Pou Yuen Việt Nam phản đối một điều luật mới của Luật Bảo hiểm Xã hội, truyền thông trong nước đưa tin.
Trước đó, hàng ngàn công nhân của Pou Yuen, một công ty thuộc sở hữu hoàn toàn của Đài Loan chuyên sản xuất giày thể thao và may mặc xuất khẩu, đã đình công liên tục từ ngày 26/3 để phản đối Luật Bảo hiểm xã hội sắp có hiệu lực vốn không cho phép người lao động lãnh tiền bảo hiểm xã hội sau khi nghỉ việc mà phải đến sau khi nghỉ hưu mới được lãnh.

Trước tình hình đó, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội đã có buổi đối thoại trực tiếp với công nhân vào trưa thứ Ba ngày 31/3, báo chí trong nước đưa tin.
Ông Diệp được tờ Lao Động dẫn lời nói với các công nhân rằng Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội sẽ trình chính phủ phương án cho phép công nhân lựa chọn cách làm nào phù hợp cho họ: hoặc là thanh toán một lần sau khi công nhân nghỉ việc rồi chốt sổ hoặc là bảo lưu sổ bảo hiểm xã hội để công nhân có thể tiếp tục tích lũy cho đủ điều kiện đến khi về hưu được nhận lương hưu.
Các công nhân có mặt tại buổi đối thoại được cho là đã ‘vỗ tay đồng tình’ với đề xuất của ông Diệp, báo mạng VnExpress cho biết.
'Hồi chuông cảnh tỉnh'


Trong một diễn biến khác, ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đã ra lời kêu gọi các công nhân Pou Yuen quay trở lại làm việc và ‘không để cho kẻ xấu lợi dụng, kích động, xúi giục’.
BBC Việt ngữ đã liên lạc các vị có chức trách ở Quận Bình Tân cũng như phường Tân Tạo A để hỏi thêm về vụ việc nhưng tất cả đều từ chối trả lời.
Hiện tại chưa rõ các công nhân đình công đã tở lại làm việc hay chưa nhưng trang mạng của tờ Pháp Luật dẫn lời ông Củ Phát Nghiệp, chủ tịch Công đoàn Pou Yuen, cho biết ‘tình hình đã ổn định’ và ‘một bộ phận công nhân đã trở lại làm việc’.
BBC không có mặt tại chỗ nên không có điều kiện kiểm chứng thông tin này.
Trả lời BBC ngày 31/3, Luật sư Hoàng Văn Hướng, trưởng văn phòng luật sư Hoàng Hưng, cho rằng cuộc đình công là "hồi chuông cảnh tỉnh", nhắc nhở các nhà làm luật cần đạt được "sự đồng thuận, sâu sắc, thấu đáo" khi điều chỉnh luật.
"Trước đây thì họ thanh toán luôn, ngay sau khi chấm dứt hợp đồng, nhưng giờ sửa lại là phải đợi sau một thời gian nữa. Mục đích nhà làm luật là muốn cộng dồn lại thời gian đóng bảo hiểm để mục đích cuối cùng là đảm bảo an sinh xã hội, tức là vấn đề hưu trí."
"Họ cho rằng nếu như đã thanh toán một lần ở doanh nghiệp này, thì sau này đến tuổi nghỉ hưu lại không có lương hưu thì đó là thiệt hại cho người lao động. Tôi nghĩ rằng nên chăng giữa các nhà quản lý về lao động, kể cả Liên đoàn Lao động ở TP.HCM cầncó đối thoại để giải thích cặn kẽ".
"Nếu đối thoại tận cùng vấn đề mà thấy cần sửa luật thì cũng nên chỉnh sửa luật chứ cũng không cần phải cứng nhắc. Các cuộc đình công làm gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho những người làm luật là khi ban hành chính sách thì phải đảm bảo tính đồng thuận, sâu sắc, thấu đáo".
Trong khi đó Luật sư Hà Huy Sơn thì cho rằng cuộc đình công là một "biểu hiện tốt".
"Người lao động đã có ý thức về quyền lợi của mình nên chuyện đình công đó rất tốt cho xã hội. Phía nhà nước cần thay đổi tư duy, nhất là đối với luật bảo hiểm xã hội để người ta có quyền lựa chọn chứ không thể áp đặt như vậy.

Không có nhận xét nào: