Pages

Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2015

Tham nhũng ODA: Đã đến lúc VN kiểm soát lại hệ thống

"Thật đáng xấu hổ" - các chuyên gia chia sẻ với VietNamNet trước thông tin nghi vấn tham nhũng ODA tuần qua. Hầu hết đều cho rằng biện pháp phòng chống tham nhũng hiện chưa đi vào thực chất.


Hình ảnh không mấy hay ho

“Tôi thấy rất đáng xấu hổ khi JICA nói nếu có lần thứ ba thì họ không cấp ODA cho Việt Nam nữa. Mỗi lần có một vụ nghi vấn hối lộ ODA, thế giới họ sẽ biết thêm về Việt Nam với hình ảnh không mấy hay ho. Chúng ta cần nghiêm túc kiểm soát lại hệ thống của mình”, TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.

TS Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm CECODES cũng cho rằng những vụ việc này khiến cho người dân ở chính ngay những nước cung cấp ODA cho Việt Nam phản đối vì tiền của họ đóng thuế mang cho người khác vay mà lại bị một số người tư túi thì họ không thể nào chấp nhận.

tham  nhũng, ODA, Nhật Bản, kiểm soát
Ông Đặng Ngọc Dinh: Khi tham nhũng vặt đã trở thành chuyện thường ngày thì ắt có tham nhũng lớn.Ảnh: Lê Nhung

  “Như vậy là mang tiếng xấu cho Việt Nam, làm cho tính minh bạch, tính liêm khiết của Việt Nam tệ hơn. Việc này cũng ảnh hưởng đến phát triển của Việt Nam vì chúng ta sẽ khó đi vay ODA hơn. Đồng thời, những việc như thế này khiến cho người dân trong nước bực bội và mất niềm tin”, ông Dinh bình luận.

Tham nhũng vì "nhập gia tùy tục"

Theo phân tích của ông Đặng Ngọc Dinh, những sự việc này một lần nữa phản ảnh tình trạng tham nhũng, hối lộ đáng lo ngại. Từ chuyện phong bì để đi học, khám chữa bệnh đến xin việc thì việc hối lộ, “lót tay” trong những hợp đồng, đấu thầu các dự án ODA không lấy gì làm lạ. Bởi theo ông, “một khi tham nhũng vặt đã trở thành chuyện thường ngày thì ắt có tham nhũng lớn”. Có điều ở các dự án lớn người ta chưa nêu ra, chưa phát hiện ra còn những việc nhỏ thì lại hiển hiện hàng ngày.

Theo ông Dinh, ODA là do chính phủ các nước cho Chính phủ Việt Nam vay lãi suất thấp và có ân hạn, nhưng khi đi vào thực hiện từng dự án cụ thể thì là do hai công ty của hai bên thực hiện, trong đó đa số công ty của Việt Nam là của nhà nước, còn bên kia thường là tư nhân.

“Các công ty tư nhân của Nhật, Hàn, Mỹ không dám hối lộ tại nước của họ nhưng khi sang Việt Nam họ phải “nhập gia tùy tục”. Cũng giống như họ đi xe ở nước họ không dám vượt đèn đỏ, nhưng sang Việt Nam họ lại vượt. Trong một đất nước phong bì tràn lan thế này mà các dự án lớn không có gì mới là lạ”, ông Dinh nói.

Kiểm soát chặt ODA

Điều các chuyên gia lưu ý là tất cả những nghi án tham nhũng ODA tại Việt Nam lâu nay đều do nước ngoài phát hiện. Theo ông Lê Đăng Doanh, sơ hở lớn nhất trong các dự án ODA chính là ở khâu đấu thầu, giám sát, kí kết hợp đồng. Như vụ đại lộ Đông Tây ở TP.HCM trước đây cho thấy lỗ hổng rất lớn trong việc đấu thầu, chọn nhà thầu, giám định kết quả công trình xây dựng.

“Vì vậy chúng ta phải nghiêm túc xem lại quá trình đấu thầu có những sơ hở gì, việc giám sát như thế nào. Rõ ràng hệ thống kiểm soát có lỗ hổng rất lớn, việc công khai minh bạch, giám sát nội bộ chưa đầy đủ và việc chi tiêu sử dụng tiền mặt không quản lí được thu nhập thực của các quan chức”, TS Doanh phân tích.

Theo ông Doanh, quan chức các nước muốn mua nhà, ô tô đều phải chứng minh nguồn gốc số tiền họ có. Trong khi quan chức Việt Nam hết dinh thự này, đến nhà nọ nhưng chẳng phải chứng minh gì. “Những vụ việc này cũng cho thấy biện pháp phòng chống tham nhũng của chúng ta chưa đi vào thực chất, chưa phát hiện được vấn đề và đã đến lúc phải nghiêm khắc nhìn vào thực chất tại sao nước phát hiện được còn ta thì không, tại sao họ phát hiện ra rồi nhưng ta vẫn phản ứng rất chậm”, TS. Doanh nhấn mạnh.

Bà Lê Thị Nga, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp QH cũng cho rằng việc nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ODA là hết sức cấp bách, nhất là trong tình hình nợ công và tham nhũng hiện nay. Theo bà, hành lang pháp lý về ODA chỉ dừng lại ở mức nghị định nên hiệu lực pháp lý thấp.

tham  nhũng, ODA, Nhật Bản, kiểm soát
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị QH ban hành luật Quản lý, sử dụng ODA.Ảnh: Minh Thăng

Vì vậy bà Nga đề nghị QH ban hành luật Quản lý, sử dụng ODA và tiến hành giám sát tối cao về ODA để kiểm soát chặt chẽ hiệu quả sử dụng, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong ODA. Đồng thời sử dụng ODA có chọn lọc, hạn chế và có lộ trình chấm dứt ODA trong tương lai gần.

- Liên quan đến nghi án tập đoàn Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) hối lộ quan chức ngành đường sắt Việt Nam tại dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội, ông Yamamoto Kenichi, Phó trưởng đại diện JICA cảnh báo: “Nếu xảy ra lần thứ ba, người dân Nhật Bản chắc chắn sẽ lên tiếng và yêu cầu Nhật Bản dừng cấp ODA cho Việt Nam”. Đây là lần thứ hai kể từ năm 2008, Nhật đã phát hiện hối lộ tại các dự án ở Việt Nam. Trước đó là vụ Huỳnh Ngọc Sỹ với dự án đại lộ Đông Tây và Môi trường nước TP.HCM.

- Hàn Quốc đang điều tra tập đoàn thép POSCO với nghi án lập quỹ đen trái phép tại dự án cao tốc Việt Nam giai đoạn 2009-2012 với số tiền quỹ đen và “lại quả” khoảng 200 tỉ đồng.

- Ngân hàng Thế giới (WB) đã ban hành lệnh cấm hoạt động một năm đối với tập đoàn LBG của Mỹ vì dính líu hành vi hối lộ trong 2 dự án do WB tài trợ tại Việt Nam có tổng vốn gần 500 triệu USD. Đó là dự án phát triển hạ tầng nông thôn cho 33 tỉnh, thành phố và dự án nâng cao cơ sở hạ tầng giao thông Đà Nẵng. Ngoài ra, công ty mẹ của LBG là tập đoàn Berger Group Holdings cũng bị hạn chế đấu thầu các dự án của WB.

Thu Hằng

(VNN)

Không có nhận xét nào: