Pages

Chủ Nhật, 12 tháng 4, 2015

Trung Quốc xây hệ thống dẫn nước khổng lồ cho Bắc Kinh

mediaDân làng xung quanh khu vực hồ trữ nước Đan Giang Khẩu đang di dời đi nơi khác.Reuters/Stringer
« Trung Quốc xây hệ thống dẫn nước khổng lồ cho Bắc Kinh », với mục đích cung cấp hàng năm cho thủ đô khoảng 9,5 tỉ mét khối nước. Dự án đầy tham vọng được triển khai từ năm 2002 với tổng chiều dài là 1400 km, có số vốn đầu tư lên tới 33 tỉ đô la. Giai đoạn đầu vừa kết thúc với khả năng cung cấp hàng năm cho Bắc Kinh khoảng 1 tỉ mét khối. Thế nhưng, tại rất nhiều địa phương nơi có dự án đi qua, đất đai của người dân chìm theo dòng nước. Phóng viên của báo Le Figaro phản ánh những khó khăn của người dân tại Nam Dương, tỉnh Hà Nam trong bài : « Đắng cay của những người mất đất ».






Dự án kênh dẫn nước phản ánh tham vọng lớn của Trung Quốc, đồng thời chứng tỏ những thách thức mà Bắc Kinh phải đối mặt trong quá trình phát triển. Nước sẽ ngược dòng 1400 km, từ miền trung trước khi tới Bắc Kinh và điều tiết cho nền công và nông nghiệp ở miền Bắc ngày càng khô hạn. Thế nhưng, cái giá phải trả là sự hy sinh của con người và môi trường.
Ngư dân và nông dân tại Nam Dương là những nạn nhân trực tiếp của « Dự án chuyển hướng dòng nước từ miền nam lên miền bắc ». Việc xây dựng đoạn kênh chính đã khiến nhiều ngôi làng và người dân phải di chuyển. Theo con số chính thức của chính quyền, có 345 000 người, trong đó, riêng tỉnh Hà Nam đã có 160 000 người và 176 ngôi làng chìm sâu dưới nước. Một phần lớn dân di dời vẫn còn ở trong hoàn cảnh bấp bênh, không việc làm, sống trong những căn nhà tạm bợ và không nhận được tiền bồi thường như chính quyền đã hứa.
Ngôi làng Lưu Lộ (Liulu) với hơn 3000 nhân khẩu từ năm 2014 đã chìm dưới lòng hồ trữ nước Đan Giang Khẩu (Danjiangkou). Làng chài Tùng Dương (Songyang) giờ như một ngôi làng ma. Trước đây, cả làng có 40 hộ dân chài, giờ chỉ còn khoảng 10 hộ ở lại. Một người dân trong làng cho biết thanh niên trong làng đi nơi khác tìm việc. Chỉ còn người già, không biết làm gì khác nên ở lại.
Trước khi nâng cao các đập nước trong vùng để tăng trữ lượng nước, hàng ngày gia đình bà có thể đánh bắt được 50 kg cá, giờ còn chưa được 5 kg. Với người dân trong làng, đánh bắt cá giúp họ cải thiện đường đời sống của nông dân chỉ trông mong vào nguồn thu nhập từ việc bán nông phẩm. Khoản trợ cấp ít ỏi của chính phủ không giúp họ đảm bảo cuộc sống. Hơn nữa, để đảm bảo chất lượng nước, chính phủ cấm nuôi cá, vì lo ngại người dân sẽ cho cá ăn bột tăng trọng.
Dự án khổng lồ trên kế thừa ý tưởng của Mao Trạch Đông. Vị cựu lãnh đạo Trung Quốc từng tuyên bố : « Miền Nam thừa nước, miền Bắc thì thiếu. Nếu có thể được, miền Nam chia cho miền Bắc một chút, mọi việc đều tốt đẹp ». Người dân tại đây mong những hy sinh của mình không rơi vào những thảm họa mà cố Chủ tịch Mao đã gây ra, như nạn đói hay Cách mạng Văn hóa…
Trong vài thập kỷ gần đây, hàng triệu người Trung Quốc đã buộc phải di dời để phục vụ cho những dự án đầu tư hạ tầng, mà hầu hết không tham khảo ý kiến dân. Hơn một triệu người phải nhường lại đất đai nhà cửa để xây đập Tam Hiệp, đi vào hoạt động cách đây 10 năm. Năm 2012, chính phủ phải công nhận điều kiện sống của người dân ở đây là một vấn đề cấp bách.
Ủy ban thành phố Nam Dương cam đoan mỗi công dân nằm trong chính sách giải tỏa sẽ được đền bù ít nhất 700m2 đất canh tác và hàng năm nhận được 600 tệ (78 euro) tiền trợ cấp trong vòng 20 năm. Thế nhưng, dân làng Lưu Lộ cay đắng trước chính sách đền bù. Ngoài diện tích căn hộ bị thu hẹp hơn so với trên giấy tờ đền bù, diện tích đất canh tác mà họ nhận được cũng ít hơn và không màu mỡ so với đất đai họ có trước đây. Một người dân mỉa mai : « Nếu phải hy sinh để các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh có thể uống nước sạch và để giữ được những ý tưởng sáng suốt, thì đây là vinh hạnh của chúng tôi ».

Không có nhận xét nào: