Pages

Thứ Ba, 19 tháng 4, 2011

Chúa tể hay chúa Chổm

Cách mạng dân chủ Trung Đông và Bắc Phi thế mạnh như chẻ tre. Sau Tunisie, Ai Cập sụp đổ một cách dễ dàng. Cách mạng lan sang Libya, Bahrain, v.v… Người ta tưởng các chế độ độc tài sẽ thay nhau rơi rụng như lá vàng cuối thu thì bỗng dưng ở Libya, cách mạng bị khựng lai.
Cái dòng nước chảy cuồn cuộn đang dâng lên thì nay “thoái trào”. Thủ đô Tripoli tưởng sẽ xong, Gadhafi cuốn gói như lời yêu cầu của tổng thống Mỹ Obama thì nay thế lực của y vững vàng hơn. Nhiều thành phố chiến lược, kỹ nghệ dầu lửa đã bị lực lượng cách mạng chiếm đóng thì nay quân đội trung thành với Gadhafi chiếm lại được. Thành phố Ajdabiya, thành lũy cuối cùng để phòng thủ thủ đô cách mạng Benghazi 160 kilômét, đang bị uy hiếp mạnh.

Cứ với cái đà nầy, quân đội cách mạng ô hợp sẽ bị đánh bật ra khỏi Benghazi, cuộc cách mạng coi như thất bại. Tàn quân cách mạng sẽ quay lại đánh du kích, chiến tranh sẽ kéo dài… bất tận.

“Jalal al-Gallal trong Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia, cho hay nếu cộng đồng quốc tế không can thiệp, khả năng xảy ra “thảm sát” là rất cao.

“Ông ta, (Gaddafi) sẽ giết thường dân, giết chết mọi giấc mơ, sẽ hủy diệt chúng tôi.”

Ông al-Gallal còn tuyên bố: “Đây chính là lúc thử thách lương tâm của quốc tế.”

Ông Ibrahim Dabbashi, cựu đại sứ của Libya tại LHQ, người ly khai chế độ Gaddafi, cảnh báo tình hình có thể leo thang một cách nhanh chóng: “Trong giờ phút tới đây, chúng ta sẽ chứng kiến một cuộc diệt chủng thật sự, nếu cộng đồng quốc tế không ra tay hành động.”

Tuy vậy, cặp giò Hội Đồng Bảo An của bà già Liên Hợp Quốc còn dính đất sét rất nặng, nhúc nhích chậm chạp.

Tổng thống Pháp Sarkozi từng nói trước kia rằng không ai muốn can thiệp quân sự, mặc dù ông nói thêm câu thòng “Điều này chỉ xảy ra với sự hậu thuẫn Hội đồng Bảo An, Liên đoàn Ả Rập và Chính quyền cách mạng Libya.”

Bà Merkel thủ tướng Đức tuyên bố bà “nghi ngờ” về một khả năng can thiệp quân sự tại Libya và cả việc thiết lập vùng cấm bay.

Tuy nhiên, ngược với hai lời tuyên bố trên thì nhà lãnh đạo Cộng Đồng Châu Âu lại cho rằng EU không loại bỏ giải pháp quân sự.

Chỉ có Mỹ là quyết liệt. Tổng thống Obama tuyên bố thế giới phải hành động để ngăn chận bất cứ cuộc thảm sát nào xảy ra tại Libya, giống như những cuộc tàn sát đã xảy ra tại Rwanda, Bosnia hồi thập niên 1990.

Nếu Liên Hợp Quốc thiết lập vùng cấm bay, khả năng không quân của phe Gadhafi bị hạn chế tối đa. Lợi thế quân sự của phe nầy mất đi, thì quân Cách Mạng có khả năng ngăn chận cuộc tấn công quân đội Gadhafi và phản công. Phong trào cách mạng lại lên, đẩy Gadhafi vào nguy cơ sụp đổ.

Ghadafi tuyên bố quân đội của y sẽ không khoan hồng, và sẽ lục soát tất cả mọi nhà để bắt những người mà y gọi là những kẻ phản bội.

Cuối cùng, trước tình hình nguy cấp của phe cách mạng, bà già Liên Hợp Quốc cũng thông qua quyết định thiết lập “vùng cấm bay”, lại còn cho phép xử dụng tất cả các “biện pháp cần thiết”, kể cả quân sự để bảo vệ thường dân và phe nổi dậy.

Phó đại diện của Libya tại Liên hiệp quốc, Ibrahim Dabbashi, là một trong những nhà ngoại giao của Libya từ nhiệm sớm nhất để phản đối chế độ Kadhafi, tuyên bố “biện pháp này sẽ thay đổi tương quan lực lượng tại Libya, có lợi cho quân nổi dậy.” Ông Dabbashi còn khẳng định, mục tiêu chính của nghị quyết Liên Hiệp Quốc là ngăn chặn việc tàn sát thường dân, nhưng với tư cách là người Libya, ông cho biết mục tiêu của nhân dân Libya là lật đổ Kadhafi.

Quân Pháp, Anh và Mỹ sẽ tham gia. Ả Rập, Qatar và các tiểu vương quốc Ả Rập, sẽ hưởng ứng các hoạt động này. Thủ Tướng Pháp, ông Fracois Fillon, nói rằng chính phủ ông ủng hộ hành động quân sự chống lại Libya càng nhanh càng tốt. Pháp, Anh, và Lebanon là ba nước bảo trợ cho nghị quyết hôm Thứ Năm.

Quyết nghị được 10 nước trong Hội đồng Bảo An thông qua. Không có phiếu chống. Hai nước không bỏ phiếu là Nga và Trung Cộng. Ba nước “vắng mặt” là Đức, Ba-Tây và Ấn Độ.

Nhìn lại vấn đề, người ta thấy nhiều dấu hỏi được đặt ra:

A)- Nếu Gadhafi thắng, việc gì sẽ xảy ra: Nhiều người cho rằng việc Gadhafi tiếp tục cầm quyền là “điều rủi ro đáng kể” cho vùng Trung Đông, sẽ làm cho vùng nầy thêm nhiều xáo trộn. Gadhafi không phải là ngưòi cao thượng, và vì là một nhà độc tài điên khùng, ysẽ trả thù dân chúng của y, sẽ có nhiều vụ tàn sát, khủng bố.

Dĩ nhiên, trước việc y tiếp tục cầm quyền, với một dĩ vãng là tay khủng bố có hạng, nhất là vụ cho nổ chiếc máy bay của Pan Am trên vùng trời Tô Cách Lan, thế giới sẽ không để cho y được yên. Nhiều biện pháp chế tài được đưa ra, cấm vận sẽ được thực hiện, đẩy Gadhafi vào sự cô lập. Mâu thuẫn giữa Gadhafi và Âu Mỹ vốn có sẵn, nay lại gia tăng nhiều hơn.

Gadhafi sẽ phản ứng mạnh mẽ. Y sẽ quan hệ mật thiết hơn với Hugo Chávez, tên chống Mỹ số 1 của Vénézuela và Nam Mỹ, sẽ bắt tay với Ahmadinejad. Trong viễn tượng đó, không chỉ Trung Đông mà cả thế giới nhiều xáo trộn hơn.

Đó là chưa kể những nước tiêu lòn với Gadhafi để hưởng lợi dầu hỏa. Đó là những nước đang “khát dầu” mà hàng đầu là các chú Ba ở Trung Nam Hải. Kỹ nghệ Trung Cộng hoạt động đều là nhờ 50% dầu lửa nhập cảng.

B)- Nói như thế, rõ ràng, thế giới cần loại trừ tên sẽ gây xáo trộn về sau. Việc cần nhất là lập vùng cấm bay để hạn chế khả năng quân sự của Gadhafi. Nếu việc thiết lập cấm bay thành công, tình hình quân sự sẽ khác. Quân đội trung thành với Gadhafi thiếu không yễm, sẽ yếu đi.

Hai việc đang xảy ra: Quân đội Gadhafi hối hả tấn công, chiếm thêm được bao nhiêu hay chừng đó, trước khi nghị quyết của Liên Hợp Quốc thành hiên thực. Đồng thời bộ trưởng ngoại giao của Gadhafi đề nghị ngưng bắn. Đề nghị ngưng bắn, không có nghĩa là chỉ ngưng bắn với quân nổi dậy mà ngưng bắn với phe các nước được Liên Hợp Quốc cho phép xử dụng “biện pháp cần thiết”, đặc biệt là Anh – Pháp – Mỹ. Khi các nước nầy xử dụng võ lực với quân đội Gadhafi thì Gadhafi thua là chắc.

C)- Người ta muốn kéo dài, chưa muốn cho cách mạng Libya thắng lợi sớm. Vì sao?

Sau thắng lợi của Công Đoàn Đoàn Kết, Cộng Sản Ba Lan sụp đổ. Sau đó là một loạt các chế độ Cộng Sản Ba Lan sụp đổ theo, từ Liên Xô cho đến các nước Đông Âu. Sự sụp đổ mau lẹ nầy khiến các nước Tây Âu và Mỹ không phản ứng kịp khiến nhiều quốc gia gặp phải khó khăn sau khi giành được dân chủ. Đông Đức là gánh nặng cho Tây Đức và nước Nam Tư cũ trở nên hổn loạn, nội chiến, nhiều phe phái xâu xé, giết chóc lẫn nhau.

Có phải Mỹ và Cộng Đồng Châu Âu lo ngại tình hình tương tự như thế sẽ xảy ra ở Trung Đông và Bắc Phi nếu cách mang hoa Lài tiến nhanh, tạo nên những sự sụp đổ hàng loạt. Trung Đông sẽ rối loạn vì lực lượng cách mạng ở các nước đó, cũng như Mỹ và Cộng Đồng Châu Âu không phản ứng kịp, có thể tạo cơ hội cho bọn Hồi giáo Cực đoan tranh đoạt chính quyền, thành lập các quốc gia thần quyền Hồi giáo như Iran. Dĩ nhiên, người ta cũng không loại bỏ việc Iran sẽ lợi dụng tình hình xáo trộn nầy.

Như vậy thì cuộc cách mạng dân chủ Trung Đông và Bắc Phi sẽ bị ngăn chận lại chăng?

Người ta không nghĩ như vậy. Khuynh hướng dân chủ là con đường tiến hiện nay của nhân loại. Không ai có thể ngăn chận được nó. Các nước tự do dân chủ Âu – Mỹ sẽ không ngăn chận nó. Người ta muốn cao trào ấy chậm lại một chút. Ít ra, khi phong trào đấu tranh thắng lợi ở đâu thì ở đó kịp có một chính phủ lâm thời có khả năng ổn định tình hình ở đó, tiếp tục thực hiện con đường đi tới tự do dân chủ. Viễn tượng đó đã tượng hình ở Tunisia, ở Ai-cập và nó sẽ lần lượt tiếp nối, – lần lượt tiếp nối, chứ không phải ồ ạt, để có thể tạo ra hổn loạn, như các nhà chiến lược Âu Mỹ tiên liệu.

Nói như thế, có nghĩa rằng Gadhafi sẽ ra đi, nhưng chậm hơn. Và lần lượt đến số phận các quốc gia độc tài chuyên chế khác.

Sự chậm trễ đó cũng có lợi cho một số quốc gia chuyên chế khác. Các lãnh tụ tại những quốc gia còn “vua trị vì” như Jordan, Ả Rập Seoud, Bahrain, v.v… thấy trước tương lai của họ. Nguời ta hy vọng họ sẽ không ngoan cố và lì lợm như Gadhafi, sẽ khôn ngoan hơn, tinh tế và nhạy bén hơn, thấy rõ con đường nhân dân họ đang tiến tới hơn, mà thực hiện những thay đổi, cải cách, thậm chí cách mạng kịp thời hơn, để đất nước họ trở thành một nước dân chủ dưới thể chế còn vua như Anh, đại nghị như Pháp, tổng thống chế như Mỹ, tránh cho dân tộc họ các cuộc đổ máu vô ích.

Ngay trước khi Thế giới Chiến tranh Thứ hai chấm dứt, một nhân viên ngoại giao cao cấp của Mỹ bí mật đến Ryadh, thủ đô Ả Rập Seoud (Saudi Arabia), chuẩn bị một hiệp ước khai thác dầu lửa giữa các công ty dầu lửa của Mỹ và Ibn Saud, quốc vương nước nầy. Thỏa ước nầy sau đó được ký kết. có hiệu lực từ đó đến nay. Sự ổn định của vương quốc nầy là cần thiết cho nước Mỹ, cũng như Bahrain là nơi đặt Bộ Tư lệnh Hạm đội 5 của Hoa Kỳ. Liệu sự xáo trộn hay thay đổi chế độ ở đây có lợi hại gì cho thế lực Mỹ ở vùng vịnh và Ấn Độ Dương.

D)- Ai sẽ có lợi?

Khi các chế độ tự do dân chủ được thiết lập ở Trung Đông, Bắc Phi ai sẽ có lợi?

Dĩ nhiên là nhân dân nước họ. Nhìn chung, một chế độ dân chủ tự do thật sự – thật sự, xin nhắc lại – thì chế độ đó sẽ phục vụ cho dân tộc họ. Hạnh phúc của người dân, mức sống cao thấp, điều đó tùy thuộc vào những người điều hành đất nước, với tài nguyên, kinh tế, v.v… Những nước như Libya, nhiều dầu lửa, kinh tế và lợi tức dân chúng sẽ phục hồi nhanh. Tài sản đó là của dân tôc, toàn thể mọi người, không ai nắm giữ độc quyền để có dinh thự, tiền của tính hàng chục tỷ bạc như cha con nhà Gadhafi.

Các nước “ân nhân”, những quốc gia giúp đỡ, hỗ trợ cho các cuộc cách mạng, hay nói rộng ra, những quốc gia tự do, có thể hợp tác khai thác tài nguyên, hoặc buôn bán tại những quốc gia dân chủ mới hình thành nầy.

Theo quan điểm chung, tình hình thế giới bây giờ là vận hội chung, vận hội kinh tế thế giới mới. Hầu hết các nước trên thế giới, tùy thuộc vào từng khu vực hoặc toàn bộ thế giới để hợp tác, phát triển với nhau. Tính cục bộ sẽ yếu dần đi.

Mỹ chẳng hạn. Các nuớc Châu Mỹ La-tinh không còn là “sân sau” của Mỹ nữa. Ngay chính nước Mỹ cũng hợp tác phát triển với toàn bộ thế giới, không cần sân sau. Vậy thì những quốc gia đang tìm kiếm một “liên minh” cho chính họ, như Liên Xô này trước, cũng là đi ngược chiều.

Nước Tầu bây giờ đang theo con đường đó. Tầu cần có những nước độc tài làm liên minh, làm vệ tinh hơn la cần những quốc gia dân chủ tự do. Vì vậy, con đường đi đến tự do dân chủ của nhân dân Bắc Triều Tiên, Việt Nam, Miến Điện gặp rất nhiều khó khăn. Với những nước độc tài, Tầu dễ tiêu lòn làm ăn hơn với những nước tự do dân chủ. Chiều hướng quan hệ của Tầu là với các nước độc tài hay có khuynh hướng độc tài như Vénézuela, với các nước độc tài ở châu Phi đen là nằm trong ý nghĩa đó.

Với một nước Libya do Gadhafi cai trị, Tầu dễ buôn bán dầu lửa hơn với một Libya tự do dân chủ. Việc cạnh tranh khai thác dầu lửa với các đại công ty tư bản “phố Uôn” làm cho Tầu gặp rất nhiều khó khăn.

Trái lại, trong tình hình hiện nay ở Libya, khi tình hình cách mạng đang gặp hồi sinh tử, nguy vong, thì Âu -Mỹ mới nhảy vào.

Từ những định kiến nặng nề với các thực dân đế quốc Anh Mỹ sẵn có từ những thế kỷ trước, ngày nay dân chúng Libya lại thấy Anh Mỹ là ân nhân, giúp họ lât đổ chế độ độc tài Gadhafi, thành lập một quốc gia tự do dân chủ.

Rõ ràng là Anh Pháp Mỹ có lợi trong quá trình nầy.

Khi tổng thống Bush đem quân đánh Iraq, thủ tướng Anh Tony Blair hưởng ứng tích cực đến nổi bây giờ ông Blair đang bị điều tra về tội vu cáo cho Saddam Hussein không có vũ khí giết người hàng loạt mà nói rằng có. Tuy nhiên, hiện nay, nước Anh có quyền lợi gì ở Iraq hay không mà tổng thống Pháp, vội vàng, tích cực trong việc can thiệp vào Libya hiện tại, khác với ngày trước, nước Anh của Tony Blair thì tích cực mà Pháp thì hững hờ.

Dù ngày trước có Anh ủng hộ, dù ngày nay có cả Anh và Pháp ủng hộ, nước Mỹ vẫn là con bài chủ để giải quyết tình hình ở Libya.

Điều nầy thấy rõ lắm! Nghị quyết Liên Hợp Quốc cho phép xử dụng “biện pháp cần thiết” (kể cả biện pháp quân sự) nhưng quân Anh Pháp ở đâu chưa thấy mà người ta đã thấy 5 chiến hạm thuộc hạm đội 6 của Mỹ xuất hiện ngoài khơi bờ biển Libya rồi.

Xử dụng chiến tranh du kích có thể gây khó khăn cho Mỹ, nhưng mở ra chiến tranh qui ước thì đừng nước nào dại mà khiêu khích quân đội Hoa Kỳ. Chỉ ba ngày thôi, quân đội Hoa Kỳ sẽ vào ngay thủ đô Tripoli của Libya để tìm Gadhafi. Tới lúc đó thì Gadhafi chỉ còn một con đường: Thi hành lời nói của tổng thống Obama: “must leave now”.

Quân đội của Gadhafi không thể biến thành quân du kích địa phương. Quân du kích phải là quân đội của nhân dân tại đó. Quân của Gadhafi là lính đánh thuê, gốc ở châu Phi đen, ẩn trốn núp lén ở đâu được, khi dân chúng Libya không ủng hộ họ.

Nhìn chung, nước Mỹ là có lợi nhứt, dĩ nhiên là lợi nhứt trong việc khai thác dầu lửa, khối lượng lớn (chiếm 6% thế giới) ở Libya.

Với nguồn lợi dầu lửa, thì việc đem quân đội vào Iraq dưới thời tổng thống Bush, hay Mỹ can thiệp quân sự vào Libya thời tổng thống Obama cũng giống nhau. Sự ngoan cố, lì lợm của Gadhafi càng kéo dài, càng tốt hơn cho Mỹ, về quyền lợi dầu lửa hay về chính nghĩa dân chủ – tự do.

Cuối cùng thì Mỹ vẫn là nước đứng đầu thế giới về sức mạnh và tài chính. Về quân sự, Mỹ là Chúa tể. Về tài chánh, Mỹ là Chúa Chổm.

hoànglonghải

Không có nhận xét nào: