Bản thông báo của Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC gửi các cấp dưới vào ngày 30 tháng 3, trong đó có nội dung số 11 ‘Sắp tới sẽ xét xử vụ Cù Huy Hà Vũ, đề nghị khi nhắc về con người này thì không đưa danh vị tiến sĩ và chức danh luật sư’
Trong một số bài đăng trên blog này, tôi có phân tích bộ máy kiểm duyệt sách, báo và kịch nghệ ở Việt Nam, chủ yếu trước năm 1990, năm tôi viết xong cuốn Văn học Việt Nam dưới chế độ Cộng Sản 1945-1990 và được nhà Văn Nghệ xuất bản tại California vào năm sau đó. Tôi không có thì giờ để viết thêm về tình hình kiểm duyệt từ năm 1990 về sau, vì vậy, không ít người, nhất là những người muốn bênh vực cho chính quyền Việt Nam, nêu lên vấn đề: những chuyện kiểm duyệt như thế cũ rồi. Đã qua rồi. Bây giờ thì khác.
“Bây giờ thì khác”. Thật không? May quá, tôi tìm được một bằng chứng thật tuyệt vời: Bản thông báo của Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC gửi các cấp dưới vào ngày 30 tháng 3 vừa qua. Bản thông báo ghi rõ là họ chỉ truyền đạt lại chỉ thị của Bộ Thông tin và Truyền thông và của Ban Tuyên giáo Trung ương về những gì mà các cơ quan truyền thông phải tuân thủ trong tuần lễ từ ngày 29 tháng 3 đến ngày 5 tháng 4 năm 2011. Bản thông báo này đã được một số blogger thuộc “lề trái” đưa lên mạng. Tôi xin chép lại để cung cấp cho quý bạn đọc một thông tin rất nên và cần được biết.
TỔNG CÔNG TY
TRUYỀN THÔNG ĐA PHƯƠNG TIỆN VTC
ĐÀI TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ VTC
Số: /TB-THKTS
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 30 tháng 03 năm 2011
THÔNG BÁO
Những nội dung tuyên truyền cần lưu ý tại cuộc họp Giao ban Báo chí của Bộ Thông tin và Truyền thông và Ban Tuyên giáo Trung ương tuần từ 29/03/2011 đến 05/4/2011
———————
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông tại cuộc họp Giao ban Báo chí do Bộ Thông tin và Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức ngày 29/03/2011, Lãnh đạo Đài thông báo một số nội dung tuyên truyền cần lưu ý trong tuần từ 29/03/2011 đến 05/4/2011 như sau:
- Trước hết, tại cuộc họp, Lãnh đạo Bộ biểu dương các đơn vị báo chí, trong đó có VTC đã tuyên truyền và có những hành động nhân đạo ủng hộ nhân dân Nhật Bản sau vụ động đất và sóng thần ngày 11/03 vừa qua. Tuy nhiên, tại cuộc họp lãnh đạo Bộ nêu xử phạt một số cá nhân và đơn vị mắc sai phạm như VTV3 bị xử phạt 18 triệu đồng về vụ “Lượm”, 2 phóng viên Báo Lao động điện tử và Giám đốc kênh VTC8 bị ngừng cấp thẻ Nhà báo nhiệm kỳ tới vì thông tin không chính xác liên quan đến Thác Bản Giốc.
- Để tuyên truyền tốt trong tuần tới, các đơn vị lưu ý một số nội dung sau:
1. Tuyên truyền các nội dung của kỳ họp Quốc hội khoá 12 phải khách quan, toàn diện. Lưu ý khi bầu ĐBQH và HĐND các cấp, phóng viên không quay, chụp hình các lá phiếu gạch tên người ứng cử trong danh sách bầu, gây phản cảm.
2. Tuyên truyền Nghị quyết 11 của Chính phủ phải trích dẫn nguồn thông tin chính thống, phản ánh sự đồng thuận cao trong xã hội về Nghị quyết này.
3. Chú ý những chương trình chính luận người dẫn chương trình phải nghiêm túc và nắm chắc vấn đề, không nói lan man..
4. Không đưa các thông tin nhạy cảm liên quan đến Libi.
5. Không đưa tin về mây phóng xạ ảnh hưởng tới Việt Nam mà không có sở cứ khoa học, gây tâm lý hoang mang trong dư luận.
6. Bộ Y tế khuyến cáo các đơn vị truyền thông không đánh đồng thực phẩm chức năng với thuốc chữa bệnh. Tuyên truyền trung thực tác dụng của thực phẩm chức năng, không gây hiểu nhầm thực phẩm chức năng là thuốc chữa bệnh.
7. Không đưa tin về việc Diễn viên Hồng Ánh tham gia ứng cử Đại biểu Quốc hội.
8. Liên quan đến vấn đề động đất, sóng thần tại Nhật Bản:
- Khi đề cao tinh thần vượt khó của nhân dân Nhật Bản không nên cường điệu, vô hình chung hạ thấp tinh thần của người Việt Nam.
- Tuyên truyền các hoạt động quyên góp ủng hộ nhân dân Nhật Bản đúng mực (ví dụ cảnh xếp hàng rồng rắn ủng hộ là không cần thiết).
9. Vụ Ông Đặng Hùng Võ- Nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường cưới vợ lần 3, đề nghị báo chí không đưa tin.
10. Vụ Nhà Báo Hoàng Hùng bị đốt, đề nghị báo chí không tiếp tục đưa tin.
11. Sắp tới sẽ xét xử vụ Cù Huy Hà Vũ, đề nghị khi nhắc về con người này thì không đưa danh vị tiến sĩ và chức danh luật sư.
12. Vụ việc Taminflu, cơ quan chức năng không phát hiện ra sai phạm, do đó đề nghị báo chí cân nhắc khi đưa tin.
13. Về việc đoàn công tác của Liên hợp quốc sang thăm nước ta làm việc về vấn đề người nước ngoài ở Việt Nam, các phóng viên có thể ghi lại tư liệu nhưng chưa được đưa tin.
14. Không nhắc đến vụ chìm tàu tại Hạ Long để tránh ảnh hưởng đến du lịch của đất nước.
15. Không đưa tin các vấn đề liên quan đến Nhà máy điện nguyên tử của Việt Nam.
Nhận được thông báo đề nghị Lãnh đạo các Kênh, Ban nghiêm túc thực hiện.
Nơi nhận:
- Giám đốc (để b/c);
- Các PGĐ phụ trách nội dung (để chỉ đạo t/h);
- Ban Thời sự, Các kênh VTC1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 14, 16, HD1, HD2, HD3, HDVip. – Lưu VP. KT.GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC
(đã ký)
Vũ Quang Huy
Đọc bản thông báo trên chúng ta thấy gì?
Thấy, ít nhất mấy điểm chính sau đây:
Thứ nhất, việc chỉ đạo và kiểm soát các cơ quan truyền thông ở Việt Nam thật chặt chẽ và kỹ lưỡng, đến từng chi tiết nhỏ, từ những vấn đề cấm kỵ đến những hình ảnh không được quay hay chụp, thậm chí cả cách hô gọi một cá nhân nào đó.
Thứ hai, thông báo đòi hỏi phóng viên phải loan tin “khách quan” và “toàn diện”, nhưng ngay sau đó, lại chỉ dạy cách thức để trở thành “khách quan” và “toàn diện”, đó là: “phải trích dẫn nguồn thông tin chính thống, phản ánh sự đồng thuận cao trong xã hội”, nghĩa là, nói cách khác, phải nói leo theo nhà nước! Điều đó cũng có nghĩa là: “khách quan” và ‘toàn diện” là độc quyền của nhà nước.
Thứ ba, chữ có tần số xuất hiện cao nhất trong bản thông báo trên chắc chắn là chữ “Không”: không quay phim, không chụp hình và không đưa tin. Tôi tự hỏi: làm sao các phóng viên ở Việt Nam có thể tác nghiệp được đường hoàng trong một không khí đầy những chữ “không” ghê rợn như vậy? Để gia tăng sức uy hiếp của những chữ “không” ấy, bản thông báo đã nêu lên hàng đầu những sự trừng phạt đối với một số người sai phạm, đặc biệt việc ngừng cấp thẻ Nhà báo cho hai phóng viên báo Lao Động khi họ loan tin về thác Bản Giốc (một địa điểm được nhượng cho Trung Quốc trong thỏa thuận về biên giới vào năm 1999).
Thứ tư, có những lệnh cấm rất phi lý; trong đó, phi lý nhất là cấm gọi Cù Huy Hà Vũ là tiến sĩ hay luật sư. Không gọi ông là luật sư? Ừ, thì cũng được. Lý do là ông chưa từng đăng ký hành nghề ở Việt Nam. Nhưng còn danh vị tiến sĩ? Tại sao lại cấm khi ông thực sự có bằng tiến sĩ luật ở Pháp, khi danh hiệu tiến sĩ, khác với các chức danh khác, là điều không thể bị tước bỏ nếu người ta không bị phát hiện là gian lận trong thi cử, và khi ông Cù Huy Hà Vũ mới đang bị xét xử chứ chưa có lời kết tội nào cả? Cấm gọi ông là tiến sĩ phải chăng là một thủ đoạn để hạ thấp uy tín của ông trước quần chúng? Nhưng huy động cả một bộ máy thông tin và tuyên truyền để hạ thấp uy tín một người trong thời gian xử án như vậy có phải là một việc làm công bình và chính đáng?
Thứ năm, trong số những vấn đề bị nghiêm cấm, có những vấn đề rõ ràng là quan trọng và cần thiết, ví dụ, vụ chìm tàu du lịch tại vịnh Hạ Long; cách hành xử của người Nhật khi đối diện với thiên tai, chuyến công tác về người nước ngoài tại Việt Nam của phái đoàn Liên Hiệp Quốc; các biến động chính trị và quân sự ở Libya; nguy cơ bị mây phóng xạ tại Việt Nam, và các dự án xây dựng các nhà máy điện nguyên tử ở Ninh Thuận. Đặc biệt, hai vấn đề sau cùng, liên quan đến sự an toàn của điện hạt nhân, là những vấn đề đang thu hút sự chú ý của cả thế giới. Tại sao người Việt Nam lại không được quyền biết đến vấn đề có ảnh hưởng đến sức khỏe và cả sinh mệnh của chính mình?
Thứ sáu, lý do của tất cả các vụ cấm đoán trên là gì? Chắc chắn không phải vì chúng không được quần chúng quan tâm. Cũng không phải vì sai sự thật. Càng không phải vì không cần thiết (trừ chuyện ông Đặng Hùng Võ lấy vợ lần thứ ba). Lý do chính là vì nhà cầm quyền sợ. Sợ những tấm gương tốt của Nhật Bản trước thảm họa sẽ tạo nên sự đối chiếu với người Việt, đặc biệt, giới lãnh đạo Việt Nam. Sợ phái đoàn Liên Hiệp Quốc tố cáo các vụ vi phạm nhân quyền ở Việt Nam. Sợ cuộc nổi dậy ở Libya sẽ châm ngòi cho các cuộc nổi dậy ở Việt Nam. Sợ dư luận lo ngại về các nhà máy điện nguyên tử mà Việt Nam đang tiến hành. Sợ ảnh hưởng của Cù Huy Hà Vũ, kẻ đang bị chính quyền bắt và mang ra xử án. Sợ. Lý do chính chỉ là vì sợ.
Tất cả sáu điểm trên, thật ra, chỉ nói lên một điều thật đơn giản: Việt Nam không có tự do ngôn luận.
Ở đây, có hai điều xin quý bạn đọc lưu ý:
Một, bản thông báo trên chỉ thuộc khâu “chỉ đạo”, tức thuộc giai đoạn tiền-tác-nghiệp, trước khi các phóng viên bắt tay viết bài, chụp hình hay quay phim. Họ sẽ chịu sự kiểm soát ngặt nghèo hơn nữa ở hai khâu kế tiếp: kiểm duyệt, khi họ tiến hành việc thực hiện và hoàn tất sản phẩm của mình; và hậu kiểm duyệt, sau khi các sản phẩm ấy đã được công bố.
Hai, trong tất cả các bản nghị quyết hay tuyên ngôn về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc từ năm 1946 đến nay, người ta đều nhấn mạnh đến một quyền tự do căn bản: tự do ngôn luận với ba quyền chính liên quan đến thông tin và ý tưởng: một, quyền tìm kiếm; hai, quyền tiếp nhận; và ba, quyền truyền đạt. Người ta xem quyền tự do ngôn luận như một thứ hòn đá thử vàng của mọi quyền tự do khác. Nó không những là biển hiện của quyền tự do cá nhân mà mỗi người, với tư cách công dân hoàn toàn bình đẳng trước pháp luật, phải được bảo đảm. Nó còn là điều kiện thiết yếu để các lý tưởng dân chủ trở thành hiện thực và cơ chế dân chủ trở thành hoàn hảo. Không có tự do ngôn luận, người ta không thể tham gia vào các quyết định quan trọng của chính phủ, kể cả việc quyết định đơn giản và cần thiết nhất là bầu những người đại diện cho mình, và cũng không thể theo dõi và kiểm tra các hoạt động của những người đại diện ấy để bảo đảm cho tính khả kiểm (accountability) vốn là một trong những điều kiện đầu tiên cho mọi nền dân chủ.
Nói cách khác, không có quyền tự do ngôn luận thì không thể nào có dân chủ.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét