Pages

Thứ Tư, 6 tháng 4, 2011

Dân tộc nhăn nhó!

Trong bóng cô đơn của phạm nhân chế độ, trên những gương mặt căng thẳng của các luật sư, khuôn mặt thản nhiên của viên thẩm phán, sự bất lực từ đám đông dân chúng tương phản với không khí làm việc nhiệt tình của cảnh sát, ta thấy một dáng hình: dân tộc đang nhăn nhó.
Nếu có người đặt nghi vấn, tôi đang nói ngoa, nói điêu thì tôi cũng xin chấp nhận. Không ngoa sao được khi chúng ta là nền kinh tế phát triển trên 6% kể từ ngày Đổi Mới, không điêu sao được khi dân chúng Việt nam lạc quan và hạnh phúc hàng đầu thế giới,… Song trong sâu thẳm vùng bất động lương tri tôi tin chắc rằng chúng ta đau khổ. Thử khơi một vài điểm bất động đó lên ta sẽ tủi lòng cho chính mình: xã hội bị vấy bẩn bởi nạn tham nhũng cửa quyền lan khắp các nẻo đường đất nước, sự dối trá và làm giàu bất chính được tôn vinh lên hàng tài giỏi, giáo dục đang đày đọa tất cả con em chúng ta,… Vậy chúng ta có cần khuấy động nó lên không? Hay chúng ta đem theo nó xuống mồ và trút lên phần con cháu!

Tuyệt nhiên chúng ta không muốn điều thứ hai, vậy chúng ta phải làm gì hay chúng ta bất lực?!

Trong bóng cô đơn!

Đấu tranh để sinh tồn và phát triển là quy luật không một ai phủ nhận. Nhưng ngày hôm qua (4/4/2011) có lẽ là sự cáo chung cho một đất nước không chấp nhận đấu tranh chính trị. Hình bóng cô đơn của Hà Vũ làm sao che nổi một sự thật bẽ bàng: chúng ta đang sống trong chế độ độc tài toàn trị.

Dân tộc chủ nghĩa vốn là vũ khí tuyệt hảo của Đảng, nhưng Hà Vũ đã xé nát nó ra vì họ Cù không có sự câu kết với các thế lực ngoại quốc.

Phản động vốn là lưỡi gươm công lý của lịch sử vô hình dung bị đứt mũi vì Vũ không có liên hệ với bất cứ nhóm tổ chức nào.

Khủng bố vốn là trào lưu thời đại nhưng Cù không dùng súng đạn, hắn chỉ dùng luật pháp của chế độ để đòi chế độ giải quyết các vốn nghi của hắn.

Tôn giáo vốn là thứ vũ khí dị nghị nhưng Tiến sỹ vô thần.

Tên khùng, thằng điên cũng có thể vì Cù Huy Hà Vũ là con của khai quốc công thần, được hưởng trọn nền giáo dục và tinh thần cách mạng của Đảng.

Tóm lại, dù bất cứ lý do gì Đảng ‘ta’ nhất quyết không cho đấu tranh, không cho mở tiếng chỉ trích, đảng chỉ cho chửi thầm. Và tôi chửi thầm.

Lãnh đạo, anh ở đâu?

Lãnh đạo, cánh chim đầu đàn, giới tinh anh, bộ mặt của đất nước và nhân vật lịch sử gần như mất hút tại Việt nam. Tôi vẫn thường tự hỏi, ai là lãnh đạo cao nhất trong hệ thống công quyền, cái đó không phải vì tôi vô cảm với chuyện thời sự mà bởi vì đất nước này đã chuyển sang một thời kỳ mới. Thời kỳ mà các nhóm lợi ích đan xen nhau, thao túng nhau, cấu xé nhau… nhưng lại đặc biệt thống nhất với nhau để mặc cả từng chiếc ghế. Chính vì không có dân chủ, không có minh bạch mà lãnh đạo trong mắt dân chúng bị khinh nhờn, mất đi cái uy vốn có của truyền thống Á Đông. Khi vỗ tay phải nhờ đến Radio thì có lẽ lãnh đạo chỉ nên ngẩng mặt trước chiếc gương trong nhà tắm.

Lịch sử không thể bị nắn cong, lịch sử sẽ đánh giá lãnh đạo một cách công bằng nhất. Nếu lãnh dạo bằng bạo lực thì tất yếu hậu quả nhận được cũng bằng bạo lực, nếu lãnh đạo bằng chế độ độc tài ngu dốt thì dân chúng lật đổ bằng những biện pháo man rợ. Dù lãnh đạo có cố gắng không để lại dấu ấn thì lịch sử vẫn ghi tên anh, gán trách nhiệm cho anh, vinh quang hay nhục nhã sẽ được trả lại nguyên hoàn.

Nhân tài lảng tránh

Thật đau đớn thay cho đất nước chúng ta, khi người thầy mẫu mực Chu Văn An đã để lại một hành động cương trực nhưng ảnh hưởng rất lớn đến hậu nhân: quy về ở ẩn khi xã hội nhiễu nhương. Hình ảnh đậm chất nho giáo của Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Khuyến,… đã vô hình dung đánh mất cái chí khí đối đầu với bất công bằng phản kháng hành động. Truyền thống Khổng Giáo này đã từng đánh mất hai biến chuyển quan trọng của lịch sử để đất nước lao vào thế lầm than: thứ nhất là việc Hồ Quý Ly lật đổ thời kỳ Trần mạt, tăng cường nhiều biệt pháp cải cách kinh tế chính trị táo bạo nhưng nhân sỹ không giúp sức làm cho đất nước nhanh chóng trải qua 20 năm nô lệ; thứ hai là sau thống nhất 1975 khi kinh tế trăm bề nguy khốn, chủ nghĩa cộng sản bước vào thời kỳ sụp đổ mang tính hệ thống nhưng các người tài lần lượt rủ áo ra đi bằng mọi cách, họ không ở lại thúc đẩy hệ thống bước sang ngã rẽ khác mà tránh đương đầu với cái xấu. Tiền lệ này khiến cho nhiều kẻ tài không chịu về nước, rũ bỏ dân tộc trong sự bất công, nghèo hèn và mạt vận.

Chả lẽ, chỉ khi có biến chúng ta mới hành động quẫn giúp đồng bào, khi cơ sự chính quyền chuyển tốt sanh xấu thì bỏ mặc hay sao. Liệu các nhân sỹ trí thức có hổ thẹn với dòng máu Lạc Hồng không?

Quả bóng nằm trong tay người dân mà chủ yếu là công nông nghèo khó, nhưng đường bóng thì đang ở trong đầu những trí khôn và qua hành động.

Ngã rẽ nào cho đối lập?

Đối lập Việt Nam chắc chắn đã nhìn ra được sự thật qua vụ án Cù Huy Hà Vũ: bế tắc trầm trọng. Giá trị tiến bộ, quốc tế ủng hộ, dân trí phổ cập, kinh tế thị trường, giao thoa văn hóa, chế độ mất niềm tin… tất cả đều bùng nổ nhưng dân chúng không đấu tranh cùng mình để cải biến xã hội. Cớ là vì sao?

“Quốc dân không có chí khí độc lập, không có tinh thần tự do….thì mọi chuyển dịch xã hội cũng trở nên vô nghĩa“. Xin phép Fukuzawa cho trò này được đặt thẳng vấn đề với những người yêu dân chủ, muốn thay đổi chế độ độc tài, cầu sự tiến bộ cho quốc dân.

Một đất nước các giá trị đạo đức nhanh chóng bị phai tàn và thui chột trong môi trường giáo dục xuống cấp và nạn ăn cướp bon chen khắp xã hội thì không gì có thể biện minh được. Sự sụp đổ của cơ chế độc tài là tất yếu, nhưng để đất nước không lâm vào cảnh Libya; đối lập Việt Nam phải chung tay với trí thức tìm lại niềm cảm hứng cho con người Việt nam. Lãnh thổ có thể bị cướp, tổ quốc có thể bị vấy bẩn nhưng chí khí sống, phương cách sống nếu mất đi thì vĩnh viễn không bao lấy lại được những cái đã mất, hơn thế nó còn èo uột trong giấc mộng viển vông.

Mọi hô hào, khích động dân chủ đã không mang lại nhiều tác dụng.
Hãy bắt đầu bằng viên gạch cũ đã bị lãng quên:

Canh tân nước Việt bằng mọi cách có thể để lấy lại chí khí làm người. Hãy tập trung vào cái gốc vốn bị bào mòn qua nhiều năm tháng cai trị tệ hại.

Cha ơi! Con muốn làm người tử tế

Trong trái tim mỗi chúng ta, có một phần rung động không bao giờ rứt. Đó là con cháu chúng ta, thế hệ mai sau của mỗi chúng ta. Nếu để cho phần bất động trong ta nằm yên mãi mãi thì thật chẳng may nó sẽ bổ vây lấy con em chúng ta. Tiền chúng ta có thể chất đầy nhà cửa, ngọc chúng ta có thể xây tường rào, sách chúng ta có thể chất thành hàng đống… nhưng kẻ cướp con cháu ta không thể diệt hết, bạn bè hư con cháu ta không thể tránh hết, đường sá con cháu ta không thể đi bằng xe tăng, thầy giáo hư con cháu ta không thể không học, tham nhũng con cháu ta không thể mãi lọt qua được…. thì thử hỏi thế hệ mai sau chúng ta có làm người tử tế được không.

Mỗi chúng ta, đã đến lúc cắt phần u nhọt, hãy để lương tri cùng trái tim rung động.

Trách nhiệm.

Một ngày mai!

Hy Văn

Không có nhận xét nào: