Pages

Chủ Nhật, 10 tháng 4, 2011

Dáng vóc hùng dũng của con ngựa ô bất kham giữa đàn cừu ngoan ngoãn!


Lê Diễn Đức – Chỉ những người sống trong văn hoá nô lệ và sợ hãi trước cường quyền, không ý thức được quyền công dân cơ bản của mình bị cướp đoạt, mới cho rằng những việc làm của Cù Huy Hà Vũ như kiện thủ tướng, ứng cử vào bộ máy nhà nước, là “ngông”, “hâm”, để rồi thay vì ủng hộ, hay chí ít không thích ủng hộ, thì nên im lặng, lại đi có thái độ dè bỉu, thậm chí xúc xiểm vô lối…
*

Phiên toà sơ thẩm xử Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ đến hôm nay đã được mấy ngày. Dư luận vẫn sôi động. Báo chí trong nước viết về phiên toà và kết quả xử án với nội dung được sản xuất từ cùng một lò tư tưởng, cho nên tôi chỉ cần lướt qua một tờ là đủ để biết hết tiếng nói của những con vẹt khác.

Tôi không có quan hệ trực tiếp và gần gũi Cù Huy Hà Vũ, nên không có đủ lý do để ngưỡng mộ anh đặc biệt. Để thần tượng ai đó, tôi cần có thêm nhiều yếu tố khác, đặc biệt là cách đối nhân xử thế trong xã hội, tình thầy, nghĩa bạn, đạo đức và nhãn quan đối với giá trị gia đình, v.v… Nhưng tôi cảm phục Cù Huy Hà Vũ, dành cho anh một sự trân trọng lớn về nhân cách và lòng can đảm. Cù Huy Hà Vũ đã giúp tôi củng cố hy vọng và niềm tin rằng, thời nào cũng có anh hùng.

Ngay lúc này, một số người phong tặng cho Cù Huy Hà Vũ danh hiệu “anh hùng dân tộc”, theo tôi, là quá vội vã, thái quá, nghe rất chướng. Nhưng vóc dáng hiên ngang, tự tin, không hề biết sợ của anh “giữa hai tên lính ngục” và trước toà trong ngày 4 tháng 4 năm 2011, là khí phách của một người hùng.

Xoá bỏ chế độ cộng sản, một trong vài nước xây dựng và hoàn thiện chế độ dân chủ có thể nói vững chắc nhất trong các nước nước cựu cộng sản châu Âu, sau hơn hai thập niên Ba Lan cũng chỉ mới nằm ở hạng 48 (năm 2010) thuộc nhóm các nước có nền dân chủ chưa hoàn thiện, trong số 167 nước được “The Economist” đưa ra. Vậy mà hiện tượng công dân Ba Lan thưa kiện, không những các nhà lãnh đạo, mà còn kiện cả nhà nước, ra Toà án Nhân quyền Âu Châu có trụ sở tại Strasburg (Pháp) trở nên phổ biến. Trong đa số các vụ tranh chấp, nhiều nhất liên quan đến ngành tư pháp, nghịch lý thay, phần thua và phải bồi thường thiệt hại nằm ở phía nhà nước Ba Lan.

Trong một phản hồi dưới bài “Chính trị, Tôn giáo và Cù Huy Hà Vũ” trên trang Facebook của Huy Đức [1], tôi có viết rằng, chỉ những người sống trong văn hoá nô lệ và sợ hãi trước cường quyền, không ý thức được quyền công dân cơ bản của mình bị cướp đoạt, mới cho rằng những việc làm của Cù Huy Hà Vũ như kiện thủ tướng, ứng cử vào bộ máy nhà nước, là “ngông”, “hâm”, để rồi thay vì ủng hộ, hay chí ít không thích ủng hộ, thì nên im lặng, lại đi có thái độ dè bỉu, thậm chí xúc xiểm vô lối.

Đây là căn bệnh khó chữa của một số người khoác áo trí thức, cấp tiến nửa vời hay giả vờ cấp tiến, bụng dạ tiểu nhân, hay ganh ghét, đố kỵ. Họ dùng võ bẩn, giương cao đánh khẽ vào cái sai của nhà cầm quyền, rồi lấy cớ đấm đá, hạ nhục đối tượng, hoặc ít nhất cũng nắm chân đối tượng kéo xuống không cho ngóc lên cao hơn mình!

Nhưng, bất chấp những lời thị phi và cơn hả hê của những con ác thú quyền lực, chúng ta có thể hình dung hình ảnh của Cù Huy Hà Vũ tựa như dáng vóc của con ngựa ô bất kham hùng dũng, oai phong giữa một bầy cừu ngoan ngoãn bám chặt lề phải theo lệnh của chủ chăn!

Phiên toà sơ thẩm xử Cù Huy Hà Vũ đã được phân tích kỹ từ góc nhìn pháp lý bởi dư luận trong và ngoài nước, cũng như qua phản đối của Liên minh Châu Âu và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Tôi phân tích thêm sẽ trở nên thừa.

Chuẩn, ngắn gọn, lột truồng ngành tư pháp CHXHCN Việt Nam”, là câu nói của nhà giáo Phạm Toàn: “Phiên toà ô nhục và lưu manh”! [2]

Những vị quan toà và cả bộ máy chuyên chính khổng lồ đã run sợ trước sự thật và công lý. Như dán, chuột sợ ánh sáng! Sợ đến mức đã tuyên bố xử công khai, sau khi hoãn lại tráo trở, công bố mập mờ nhằm lừa gạt công chúng. Đến khi bị luật sư Trần Đình Triển căn vặn thì chủ tọa phiên tòa mới xin lỗi vì sơ suất do… khâu đánh máy! [3]

Để minh chứng, tôi đưa thêm vài nhận định khác, và để khách quan, tôi chỉ lấy tiếng nói của những nhân chứng đang sống trong lòng chế độ.

Nhà báo Hoàng Hưng, sống tại Sài Gòn:

“Vụ án này đã được thực thi một cách khinh suất, bừa bãi, bất chấp thủ tục tố tụng từ đầu đến cuối, khiến tất cả những ai có lương tri đều phẫn nộ, biến việc bảo vệ pháp luật thành trò hề trong tay một nhóm người có quyền lực:

- Đã dàn dựng việc bắt giữ trái pháp luật, với tang chứng nhơ nhuốc sẽ đi vào lịch sử tư pháp Việt Nam là “hai bao cao su đã qua sử dụng”.

- Đã công bố tội trạng một cách võ đoán trước khi có sự kết luận của tòa án.

Đặc biệt nghiêm trọng là trong phiên tòa:

- Đã công nhiên thô bạo ngăn cấm người dân tham dự hoặc theo dõi phiên tòa trước cổng tòa án.

- Đã không chịu đáp ứng đòi hỏi hợp pháp của các Luật sư bào chữa là công bố những bằng chứng buộc tội thân chủ của họ, rồi vì chuyện đó mà đuổi 1 luật sư ra khỏi tòa, và dẫn đến việc 4 luật sư còn lại từ chối tham dự, kết quả là phiên tòa chính trị chưa từng có trên thế giới không có luật sư bào chữa”. [4]

Luật sư Dương Hà, vợ của Cù Huy Hà Vũ:

“Em thấy thương anh Vũ chồng em quá. Những người ngồi ghế chủ tọa thật thảm hại. Họ tìm cách bắt nạt và hạ nhục chồng em. Nước không có mà uống. Chồng em đề nghị cho uống nước, họ nói rõ to “Bị cáo đề nghị chính đáng, cho phép bị cáo uống nước”. Nói to như thế quả là tiểu nhân!”. [5]

Vòng trong là vậy, còn vòng ngoài?

Luật sư Dương Hà nhận xét chính xác: “Vòng ngoài như vậy là để bảo vệ cái ngớ ngẩn, dối trá, ở bên trong”.

Nhà báo Đoan Trang, sống ở Hà Nội:

“Sự thiếu văn hóa của lực lượng sai nha đã đến mức báo động: giẫm chân lên cỏ, vung vẩy dùi cui, xô đẩy người qua đường bất kể người già, phụ nữ, người ngoại quốc. “Yêu cầu giải tán. Ai không đi bắt hết lên xe ô-tô. Đã giải thích rồi”. Sai nha được lệnh cấp trên, bảo uýnh ai là uýnh. Ấy thế mà, mình cam đoan là nếu chẳng may bị thua dân, bị dân tóm, sai nha sẽ lạy sống lạy chết. Văn hóa thấp nó thế!” [6]

Thu Hà, vợ của Phạm Hồng Sơn, sống ở Hà Nội:

“Chồng tôi đã bị đánh, bị công an dùng dùi cui đánh vào người vì đã cùng đứng với nhiều người trong khu vực đó. Tôi thấy như thế rất vô lý, vô lối. Sau khi bị đánh như thế thì (chồng tôi) lại còn bị bắt giam. Tôi thấy chỉ có cái việc đứng rất ôn hòa như vậy mà cũng không được phép thì tôi thấy có một không hai ở trên thế giới này”. [7]

Thế nhưng mức độ lưu manh và ô nhục của phiên toà còn được nhân lên rất nhiều bằng một hệ số có tên “bỉ ổi-trơ tráo” – “bài ca không bao giờ quên” của bà Nguyễn Phương Nga, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao CHXHCN Việt Nam, trước phản ứng của cộng đồng quốc tế:

“Việt Nam là một Nhà nước pháp quyền. Việt Nam xử lý các hành vi vi phạm pháp luật theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam và hoàn toàn phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Quốc tế về các quyền dân sự, chính trị“.

Trước phiên toà xử Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, trong hai bài của mình “Viết cho anh Cù Huy Hà Vũ trước ngày ra toà” (18/03/2011) và “Những người buộc tội Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ hãy nghĩ kỹ trước khi quá muộn!” (01/04/2011), tôi đã nhận định:

- “Anh Cù Huy Hà Vũ có thể bị xử thậm chí rất nặng, 10-12 năm tù, nếu lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam muốn, bởi vì Đảng muốn dằn mặt những người còn lại, buộc họ phải cúi đầu, rụt cổ nghĩ rằng, Cù Huy Hà Vũ còn bị đối xử như thế, huống là thường dân thấp cổ, bé miệng”.

- “Dù sao, từ kinh nghiệm sống trong các chế độ cộng sản, tôi vẫn khó tin vào bất kỳ thiện chí nào của Hà Nội và linh cảm rằng Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ khó thoát khỏi trừng phạt”.

- “Đơn giản là, chà đạp lên công lý, đạo lý, lương tri và bất chấp dư luận, đã nằm sâu trong bản chất của các chế độ cộng sản mà tôi là nhân chứng”. [8]

Tôi đã mặc nhiên nghĩ rằng phiên toà xử Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ sẽ có kết thúc giống như trước đây đối với Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân và nhiều nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền Việt Nam khác.

Nhưng tôi đã không tưởng tượng đến một kết cục tệ hại khủng khiếp đã xảy ra vào ngày 4 tháng 4 năm 2011 của ngành tư pháp CHXCN Việt Nam trong một vụ án chính trị được dư luận rộng lớn trong và ngoài nước quan tâm theo dõi.

Vào năm 1933, toà án Lepzig của nước Đức phát xít đã xét xử nhà cách mạng cộng sản Bulgaria Georgi Dimitrov. Tại pháp đình nghiêm trang đến ớn lạnh này Georgi Dimitrov đã giõng dạc biện hộ cho mình và cuối cùng toà đã phải xử ông trắng án vì không đủ căn cứ kết tội.

Ông trùm phát xít Hitler, đại diện cho nhà nước Đức Quốc xã III đã bị nhân loại và lịch sử xem như một con quái vật.

Vậy chúng ta gọi sao đây với những ông trùm trong Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, đại diện cho một nhà nước luôn rao giảng về một “xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”, nhưng đã đẻ ra phiên toà xử Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, mà dưới mọi góc độ đều nhẫn tâm và bất công hơn cả phát xít Hitler?

Câu trả lời thuộc về mỗi người!■

© Lê Diễn Đức – RFA Blog

http://www.rfavietnam.com/node/521

Không có nhận xét nào: