Pages

Thứ Ba, 5 tháng 4, 2011

Không có gì quý hơn tự do

Chưa đầy một ngày sau khi thành phố Benghazi rơi vào tay lực lượng nổi dậy ở Libya, một toán nhà báo truyền thanh và kỹ sư âm thanh túm tụm trong một phòng nhỏ, được biến thành một cái studio tạm, để chào đón một biến cố lịch sử.

Sau 42 năm bị im tiếng, với toàn thể truyền thông kiểm soát chặt chẽ, những thính giả của họ lần đầu tiên sẽ được nghe một chương trình phát thanh không kiểm duyệt trên làn sóng điện ở Libya. “Ðây là tiếng nói của Libya Tự do, phát thanh từ Benghazi,” xướng ngôn viên hoan hỉ loan báo, “Băng tần 98.9 và 88.8FM, mới gần đây còn bị một đài phát thanh của nhà nước chiếm giữ, nay không còn trong tay của chế độ nữa.”

Ðối với bà Waheeba Elhasi, người đã từng trải qua hơn 20 năm làm chủ bút cho đài phát thanh cũ của nhà nước, nhưng đã thù ghét sự thiên lệch của những gì bà phải phát thanh, thì đây là buổi phát thanh khó quên nhất. “Thật vô cùng xúc động,” bà nói với tờ Financial Times (FT), “Trước cuộc cách mạng, mọi sự trên radio là để ca tụng Gadhafi. Nay chúng tôi có thể nói lên cảm xúc thực sự của mình lần đầu tiên từ 42 năm nay.”

Libya al-Hurra, đài phát thanh Libya Tự do, nay phát thanh mỗi ngày từ 10 giờ sáng đến nửa đêm, chỉ là một trong bầu không khí trăm hoa đua nở của truyền thông ở Benghazi, thành phố lớn thứ nhì và là thủ đô của Libya tự do.

Cùng với Radio Libya al-Hurra còn có Libya al-Hurra TV, một đài truyền hình online, đứa con tinh thần của một thanh niên 28 tuổi, dân Benghazi, tên là Mohammed Nabbous. Anh ta bắt đầu đài truyền hình dã chiến này ngay từ khi phong trào đòi dân chủ khởi sự rồi lan ra khắp Libya trong vài tuần lễ sau đó. Lúc đầu, đài truyền hình phát từ đường phố của Benghazi mới được giải phóng nay đã được những đồng nghiệp Tây phương như Andy Carvin của hệ thống truyền thanh quốc gia Hoa Kỳ NPR gọi là đài truyền hình độc lập đầu tiên của Libya.

Vào đêm thứ bảy sau khi Hội Ðồng Bảo An thông qua nghị quyết 1973, hơn 2,000 người mở ra xem đài phát thanh của Nabbous, trong đó có một phóng viên từ trường truyền thông và báo chí của viện đại học Southern California. Lúc đó đã khá khuya, 3 giờ sáng ở California, nhưng Nabbous hứa sẽ cung cấp thêm tài liệu từ Benghazi để chứng minh là chế độ Gadhafi đã không tuân thủ chính lệnh ngưng bắn họ đơn phương hứa hẹn. Vội vàng, Nabbous bảo với độc giả là “Ông ta đang bỏ bom Benghazi, không có gì nghi ngờ nữa.” Nhưng chỉ vài giờ sau, anh đã chết.

Mặc dầu đa số những “khán giả” của Nabbous không biết anh, hầu hết chỉ thấy anh qua màn hình computer, nhưng họ đã coi anh như một người bạn thân suốt đời. Trong giai đoạn đầu, khi chưa có báo chí ngoại quốc nào có mặt ở Libya, Nabbous là người duy nhất tường thuật tại chỗ. Ðêm hôm đó, thước phim của Nabbous đặc biệt khốc liệt. Quay ở một khu vực ở Tây Nam thành phố Benghazi, nơi hỏa tiễn của lực lượng Gadhafi đã rơi xuống một căn nhà dân, trúng vào phòng của một em bé trai 9 tuổi và một em bé gái 11 tuổi, cả hai đều bị thương vì miểng đạn. Nabbous đã quay cảnh giường của các em, cái gối đẫm máu.

Nhưng điều làm mọi người nhớ không phải là thước phim đó mà vì đêm đó, trong khát vọng đem lại sự thật, Nabbous đã leo lên xe pick-up của một nhóm nổi dậy, xông vào khu vực chiến trận và tiếp tục tường thuật qua cellphone. Ðêm đó anh đã bị bắn chết bởi lực lượng của ông Gadhafi. Vợ anh nay tiếp tục sự nghiệp của chồng.

Sự hiện diện của những đài truyền hình, truyền thanh như vậy cho chúng ta thấy là ngay trong máu lửa và bạo động, cái khung của một nền dân chủ đang từ từ được dựng nên.

Mustafa Gheriani, một phát ngôn của phe đối lập, nói với FT “Tình trạng này làm tôi nhớ lại thời trước khi có chế độ Gadhafi, lúc đó Benghazi có rất nhiều báo chí tự do và đài phát thanh. Cây viết sẽ mạnh hơn khẩu súng, và chúng tôi tin là Libya sẽ có một tương lai vĩ đại ngày nào mà chúng tôi có báo chí tự do và tự do ngôn luận.”

Ngoài Libya al-Hurra, có ít nhất một đài phát thanh nữa cũng đang hoạt động. Người ta đang chuẩn bị cho một đài truyền hình thực sự để thay thế net radio của Nabbous, và các phóng viên đã được gửi đi để phỏng vấn ngược lại các thông tín viên ngoại quốc.

Nhưng so với báo nói và báo hình thì báo viết mới thực sự rộ nở. Hầu như qua đêm cả chục tờ báo mới được phát hành, và nhiều tờ báo lâu nay làm “văn nô” cho Gadhafi nay cũng trở cờ ủng hộ cuộc cách mạng. Ða số những tờ báo mới ra được phát không. Bên ngoài tòa án thành phố Benghazi, người ta xúm lại để dành những tờ báo nóng hổi. Tòa án thành phố nay là trụ sở của ủy ban chính quyền chuyển tiếp. Có hai tờ báo trong số báo mới ra còn phát hành như bích báo, dán hết lên bức tường của tòa nhà kế cận. Ðộc giả túm tụm vừa đọc vừa phê bình, một quang cảnh mà một nhà báo đã từng tường thuật ở Bắc Kinh hồi Ðại tự báo bảo đã làm tưởng như mình đi lạc vào lịch sử.

Một trong hai tờ báo này có cái tên khá kỳ cục, Libya February 17 Revolution. Nó là tác phẩm của một nhóm vô cùng hăng say do ông Mohammed Mnefi, cựu khoa trưởng trường báo chí của viện đại học Garyounis ở Benghazi, lãnh đạo. Trên tên báo là lá cờ đỏ, đen và xanh lá cây của cuộc cách mạng và hình ảnh của Omar Mukhtar, lãnh tụ của cuộc nổi dậy chống chế độ thực dân Ý hồi nào. Ðây là tờ báo chính thức của hội đồng quốc gia và các bài bình luận của tờ báo đã không hổ thẹn trong việc ủng hộ cuộc cách mạng. Ông Mnefi khẳng định lập trường của tờ báo “Chúng tôi muốn trả lời lại cho nhà độc tài Libya, lật tẩy những tội ác cũ và hiện nay của ông ta và ủng hộ cuộc cách mạng.”

Và thật sự tất cả báo chí mới hay cải tổ trong thành phố coi mình là một khí cụ tuyên truyền trong cuộc chiến chống lại chế độ Gadhafi. Có tờ để nhiều trang giấy in các hí họa chế nhạo nhà độc tài như là một con chó hay một vampire hút máu. Những bài báo ca tụng những người đã hy sinh trên chiến trường, và các hàng tít lớn kêu gọi mọi người dân Libya tham gia cuộc tranh đấu dành tự do.

Nhiều nhà báo khẳng định với báo chí ngoại quốc đó là lập trường do chính họ tự chọn. Họ có quyền tự do chỉ trích Hội đồng Quốc gia, nhưng lại nói thêm là đây chưa phải lúc để lên án những người đang có lúc có nguy cơ bị lực lượng của ông Gadhafi sát hại “từng đường phố một, từng nhà một”. Ibrahim Benomran, một nhà báo và đạo diễn truyền hình giải thích “Chúng tôi biết là chúng tôi phải chỉ trích Hội đồng Quốc gia, nhưng nay chúng tôi chỉ có một kẻ thù. Ðây không phải là lúc chỉ trích chính mình.”

Nhận xét đó của ông cho thấy ý thức của người dân Benghazi về sự bấp bênh của cuộc cách mạng. Các lãnh đạo của Hội đồng Quốc gia biết là chế độ Gadhafi còn rất mạnh và chưa đến lúc bị đánh bại. Nếu lực lượng của ông Gadhafi lấy lại được Benghazi thì các nhà báo, các phát thanh viên sẽ là những người đầu tiên bị chế độ ruồng bắt và thủ tiêu.

Nhưng trong khi chờ đợi, họ có thể sung sướng hưởng tự do. Như cô Amal Benghzei, một giáo sư tiếng Ả rập nay đang làm với tờ báo của ông khoa trưởng Mnefi, đã chỉ ra là các chủ bút, như cô ta, chứ không phải những tay kiểm duyệt của ông Gadhafi, sẽ quyết định bài báo nào được đăng. Cô cười bảo “Việc cần theo dõi nhất hiện nay là phải bảo đảm là chúng tôi viết đúng văn phạm!” Viết đúng văn phạm và không sợ chết, đáng phục lắm thay.

Không có nhận xét nào: