Pages

Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2011

Làm giàu nhờ... đóng thêm ghế!


Khi Chính phủ cũng “thừa” biên chế
Nghệ Nhân (TBKTSG) - Giữa lúc việc cắt giảm biên chế và tinh giản bộ máy hành chính nói chung vẫn đang được đẩy mạnh, thì ở bộ máy của Chính phủ công việc này lại đang gặp nhiều trở ngại.

Vào năm 2007, một nghị định về chức năng và quyền hạn của các bộ đã được soạn thảo. Theo nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 8-2007 của Chính phủ, nghị định này sẽ phải được ban hành ngay trong tháng 9 năm đó để đảm bảo nhanh chóng ổn định tổ chức của các bộ.

Vậy mà đến cuối năm 2008 nghị định này mới được ban hành (Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 3-12-2008), trong đó quy định “mỗi bộ chỉ có tối đa bốn thứ trưởng”. Quy định này là để tinh giản bộ máy lãnh đạo của các bộ, tuy nhiên việc thực hiện được đánh giá là không đơn giản và thực tế một nhiệm kỳ vừa qua của Chính phủ đã cho thấy điều này.

Hiện nay, theo báo cáo của Bộ Nội vụ, số lượng thứ trưởng thuộc các bộ quá nhiều so với quy định. Cụ thể, các bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương hiện có tới 10 thứ trưởng/bộ. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính có 7 thứ trưởng/bộ; Bộ Xây dựng, Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ có 6 thứ trưởng và nhiều bộ khác có 5 thứ trưởng.

Việc bổ sung thứ trưởng tại một số bộ được thực hiện trong bối cảnh bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực có nhiều tổng cục đã được thành lập hoặc mới thành lập. Khi đó, Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ nhiệm thứ trưởng của bộ kiêm tổng cục trưởng. Tuy nhiên, vẫn theo Bộ Nội vụ, xét về cơ chế chỉ đạo - điều hành sẽ không rõ vai trò, chức trách khi nào là thứ trưởng với tư cách là lãnh đạo bộ đối với Tổng cục, khi nào là vai trò tổng cục trưởng chịu sự lãnh đạo, điều hành của bộ, dẫn đến khó khăn trong việc xác định trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức. Việc này cũng đã được các đại biểu Quốc hội chất vấn Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhiều lần.

Ở cấp thấp hơn, Bộ Nội vụ cũng ghi nhận số lượng cán bộ cấp phó của các vụ, cục cũng nhiều hơn theo quy định. Có những vụ có tới 7-8 phó vụ trưởng; trong khi Chính phủ quy định không quá ba cán bộ lãnh đạo cấp phó.

Theo một chuyên gia về hành chính, ở nước ta có một tiền lệ là việc thay đổi chức danh, vị trí của các cán bộ lãnh đạo là chuyện rất tế nhị. Khi đã được bổ nhiệm ở vị trí A thì, hoặc cán bộ đó phải được bổ nhiệm ở vị trí cao hơn, hoặc sẽ về hưu, hoặc chuyển sang hệ thống khác (từ chính phủ sang quốc hội chẳng hạn). Sẽ rất khó có chuyện chuyển từ vị trí A xuống một vị trí thấp hơn trong hệ thống đó. Chỉ có một số ngoại lệ như trường hợp của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục thể thao Nguyễn Danh Thái trở thành Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vào thời điểm thành lập bộ này.

Ngay từ thời điểm 2007, Bộ Nội vụ đã tiên liệu trước những khó khăn liên quan đến sắp xếp lại nhân sự ở các bộ nên đã chủ động công khai quan điểm “chưa áp dụng ngay quy định một bộ bốn thứ trưởng”. Liên tiếp trên các diễn đàn chính thức, đích thân bộ trưởng Trần Văn Tuấn đã khẳng định điều này, thậm chí một văn bản mang tính giải thích đã được đăng tải trên website của Đảng Cộng sản. Thông điệp khi đó là, để thực hiện nguyên tắc tổ chức bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, thì cấp có thẩm quyền “sẽ căn cứ vào khối lượng và tính chất, mức độ phức tạp của nhiệm vụ để quyết định cụ thể số lượng cấp phó cho phù hợp, đảm bảo chỉ đạo điều hành được thông suốt có hiệu quả”. Khi đó, việc có những bộ được “đặc cách” có hơn bốn thứ trưởng đã được đặt ra. Tuy nhiên, hết nhiệm kỳ Chính phủ mà vẫn có những bộ có 10 thứ trưởng thì có lẽ đã nằm ngoài dự tính của Bộ Nội vụ.

Không thể không ghi nhận nỗ lực tinh giản bộ máy của Chính phủ trong thời gian qua. Cơ cấu tổ chức Chính phủ khóa XII có 30 cơ quan, trong đó có 22 bộ, cơ quan ngang bộ và tám cơ quan thuộc Chính phủ, so với Chính phủ khóa trước giảm được bảy đầu mối; trong đó, giảm bốn bộ, cơ quan ngang bộ. Đặc biệt, nếu so với thời điểm 2001, thì sau 10 năm cải cách tổ chức bộ máy hành chính, cơ cấu tổ chức Chính phủ khóa sau tinh gọn, hợp lý hơn khóa trước. Số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ từ 48 cơ quan năm 2001 đến nay (2010) còn 30 cơ quan; giảm được 18 cơ quan.

Tuy nhiên, ở cấp thấp hơn, trong khi số vụ và tương đương giảm 28 đơn vị, cục và tương đương lại tăng 21 đơn vị; tổng cục và tương đương tăng 19 đơn vị cho thấy việc rút gọn bộ máy là một thử thách thật sự.

Theo Bộ Nội vụ, trong kế hoạch từ nay đến năm 2020, sẽ “tiếp tục cải cách cơ cấu tổ chức Chính phủ các khoá XIII, XIV, XV theo hướng giảm dần số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ đến mức cần thiết, phù hợp với vai trò, chức năng của Chính phủ, các bộ trong tình hình mới”. Cơ cấu tổ chức Chính phủ các khóa XIV, XV có thể và cần thiết ổn định số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ khoảng dưới 20 cơ quan phù hợp theo mô hình bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực.

Đáng chú ý là từ năm 2011-2016 sẽ “xây dựng và thực hiện cơ cấu tổ chức Chính phủ khóa XIII theo nguyên tắc nếu thực tế yêu cầu phải có tổ chức mới thì thành lập bộ hoặc cơ quan ngang bộ cho phù hợp; đối với tổ chức nào xét thấy cần sắp xếp, hợp nhất, sáp nhập thì “làm rõ cơ sở luận cứ khoa học và thực tiễn để kiên quyết kiện toàn theo mục tiêu cải cách để tổ chức được tinh gọn, hợp lý hơn”. Bên cạnh đó, sẽ nghiên cứu hình thành loại cơ quan hành chính thực thi không thuộc cơ cấu tổ chức của Chính phủ, hoạt động độc lập theo quy định của pháp luật và chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

http://www.thesaigontimes.vn/Home/diendan/sotay/51648/Khi-Chinh-phu-cung-%E2%80%9Cthua%E2%80%9D-bien-che.html

Không có nhận xét nào: