Thế là phiên tòa xử Tiến sĩ luật, Thạc sĩ văn chương, Họa sĩ Cù Huy Hà Vũ đã kết thúc với bản án 7 năm tù giam, 3 năm quản chế theo đúng yêu cầu của Viện Kiểm sát! Toàn bộ quá trình xét xử một vụ án được nhiều tờ báo nước ngoài và báo chí “lề trái” đánh giá là “có tính lịch sử”, “vụ án chính trị nổi bật nhất từng diễn ra ở VN trong nhiều năm qua” đã diễn ra chỉ trong khoảng 5 giờ đồng hồ! Trang Anhbasàm nhận xét: Kết thúc một phiên tòa đạt được nhiều kỷ lục Việt Nam: độ quan tâm, độ “bí mật”, độ đảm bảo an ninh, v.v.. và tốc độ.
Thật tình tôi không ngạc nhiên. Trước đó, tôi đã viết trong bài “Trước ngày xử án Cù Huy Hà Vũ”:
“Nếu ở một quốc gia nào khác, phiên tòa chắc chắn phải tuyên án ông Vũ vô tội và nhà nước buộc phải thả ông ra, để tránh chọc giận thế giới thêm giữa lúc họ đang cần đến sự hỗ trợ về tài chính cũng như nhiều mặt khác của các nước.
Nếu ở một quốc gia nào khác, tất cả những dữ kiện này đã quá đủ cho một sự bùng nổ thành một cuộc cách mạng đòi thay đổi thể chế chính trị.
Nhưng trong cảm nhận của tôi, cả hai điều này rồi cũng sẽ không diễn ra ở VN!”
Tôi biết, có nhiều người, trước khi phiên tòa diễn ra, dù đã thừa biết cách hành xử của đảng và nhà nước cộng sản VN trước những sự việc tương tự từ trước đến nay, nhưng vẫn nuôi hy vọng mong manh rằng vì lý do này lý do khác, họ sẽ không xử án nặng ông Cù Huy Hà Vũ. Trong đó, lý do quan trọng nhất là họ nên giữ cho bộ mặt của nhà nước VN đừng tệ hại hơn nữa, trước dư luận thế giới và trong nước; bên cạnh đó, việc có rất nhiều tổ chức, cá nhân lên tiếng ủng hộ ông Vũ, kể cả các tổ chức tôn giáo hay một số tướng lĩnh, đảng viên cộng sản lão thành…có thể cũng khiến họ ngần ngại hơn? Nghĩ như vậy là vẫn chưa hiểu hết bản chất của đảng và nhà nước cộng sản VN. Tất cả các nhà nước cộng sản nói riêng và nhà nước phi dân chủ nói chung đều đối xử với nhân dân của họ theo cùng một kiểu- độc tài, cứng rắn, thậm chí sắt máu, tuy có khác về mức độ, giữa nước này so với nước kia. Họ sẽ không bao giờ khoan nhượng trước mọi hành vi chống đối dù ôn hòa, họ sẽ tận diệt từ trong trứng nước mọi mầm mống phản kháng, sẽ bảo thủ đến cùng vì sự tồn vong của chế độ. Chỉ trừ khi nhân dân buộc họ phải thay đổi hoặc nhân dân tự đứng lên phế bỏ họ.
Nhà nước cộng sản VN cũng không khác. Hệ thống độc đảng, “tam quyền nhất lập” (từ của tác giả Hà Đình Sơn trong bài “Tố cáo Nhà nước “tam quyền nhất lập” Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ sẽ bị xét xử tội “Tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam” cho phép họ nắm giữ toàn bộ hệ thống từ chính phủ, quốc hội, luật pháp, công an, quân đội, báo chí, truyền thông từ trên xuống dưới để có thể muốn làm gì thì làm. Vì vậy, chuyện bắt giữ ai, buộc tội gì, kết án như thế nào…chỉ là chuyện “bỏ túi”.
So sánh với nhà nước cộng sản Trung Quốc là hai mô hình rất giống nhau, hay nói cho chính xác, toàn bộ từ mô hình thể chế chính trị cho đến đa phần đường lối chính sách đối xử với nhân dân, đảng cộng sản VN đều copy theo đảng cộng sản Trung Quốc. Nhưng nhìn chung, các thế hệ lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản VN kém hẳn một cái đầu về mặt trí tuệ, tư duy, tầm nhìn và hơn hẳn một cái đầu về sự hèn, so với “các ông anh 16 chữ vàng”.
Chính vì văn hoá “lùn”, tầm nhìn và tư duy chính trị kém cộng với sự hèn nhát, làm bất cứ chuyện gì thì cũng “một bước tiến hai bước lùi” nên họ, những người đứng đầu đảng và nhà nước VN càng sợ hãi mọi cái gì có thể nguy hiểm cho sự tồn vong của chế độ và vận mệnh của chính họ. Vì vậy, họ càng đắp tai ngoảnh mặt làm ngơ trước mọi lời thỉnh nguyện, yêu cầu cho đến mọi lời phản biện đúng đắn, và càng ra sức trừng phạt mọi sự chống đối. Những ví dụ về sự “đắp tai ngoảnh mặt làm ngơ” này thì quá nhiều. Chả phải từ những dự án như mở rộng thủ đô, khai thác bauxite ở Tây Nguyên, cho nước ngoài thuê rừng đầu nguồn dọc các tỉnh biên giới phía Bắc cho đến dự án xây đường sắt cao tốc, xây nhà máy điện hạt nhân…hàng trăm, hàng ngàn người dân trong đó có rất nhiều nhân sĩ, trí thức, giới chuyên môn, các nhà cách mạng lão thành…đã lên tiếng mà nhà nước vẫn bỏ ngoài tai, cứ làm đó sao? Những ví dụ về sự trừng phạt mạnh tay mọi sự chống đối cũng quá nhiều, chẳng cần phải kể ra nữa. Nói như vậy để kết luận một điều, đừng hy vọng rằng nhà nước cộng sản VN sẽ “biết điều”, nhắc lại, chỉ trừ khi nhân dân buộc họ phải biết điều hoặc phế bỏ họ.
Vụ án Cù Huy Hà Vũ, dẫu sao, đã cho thấy những điểm khác biệt và những dấu hiệu tích cực so với những vụ án chính trị trước đó.
Về phía nhà cầm quyền, ngay từ đầu khi ông Vũ bị bắt cho đến khi phiên tòa kết thúc, là sự thất bại hoàn toàn về mặt dư luận. Vở kịch “hai bao cao su đã qua sử dụng” được dàn dựng để bôi nhọ thanh danh ông Vũ-một trò bẩn quen thuộc mà họ vẫn sử dụng với những người bất đồng chính kiến hay những người đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhưng lần này, thủ đoạn đã thất bại. Họ buộc phải chuyển sang tội danh chính trị cho đúng với bản chất của vấn đề. Họ đã không thể gây chia rẽ, làm khiếp sợ những người thân của ông Vũ-vợ và cả gia đình ông Vũ đã đứng bên cạnh ông. Họ cũng không thể thuyết phục được dân chúng rằng ông Cù Huy Hà Vũ là người có tội với nhân dân và đất nước. Báo chí của nhà nước ngay từ đầu vụ án cho đến nay, ngoại trừ một vài bài viết lẻ tẻ, một vài tiếng nói lạc lõng cố gắng bôi nhọ ông Vũ, xuyên tạc bản chất sự việc theo “đơn đặt hàng của nhà nước” hoặc do sự mù quáng cố hữu, còn lại đều bỏ trống trận địa cho báo chí “lề trái” và báo nước ngoài công khai lên tiếng ủng hộ ông Vũ và chỉ trích nhà nước VN. Thông tin về phiên tòa cũng được báo chí “lề trái” cập nhật đầy đủ, giúp cho mọi người có thể hiểu được những gì đã thật sự diễn ra, bên cạnh lối tường thuật một chiều của báo chí quốc doanh.
Đây cũng là lần đầu tiên có một người bất đồng chính kiến bị bắt mà nhận được đông đảo sự ủng hộ của dư luận như vậy, bất kể trong hay ngoài nước, phe này hay phe khác. Không thể kể hết những tờ báo, tổ chức, cá nhân đã lên tiếng hoặc đã có những hành động cụ thể khác nhau để ủng hộ ông Vũ. Nhưng đặc biệt là sự ủng hộ của nhiều nhân sĩ, trí thức và hàng loạt các đảng viên cộng sản công thần của chế độ như Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, Trung tướng Lê Hữu Đức, Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Anh v.v…và sự phối hợp lên tiếng của các tổ chức tôn giáo từ công giáo, giáo hội PGHH thuần túy, giáo hội Phật giáo VN…
Mở ngoặc ở đây: dường như đây là lần đầu tiên có sự ủng hộ rộng rãi, công khai của giới công giáo đối với vụ án chính trị của một trí thức, không phải là giáo dân bằng một việc làm cụ thể-tổ chức Thánh lễ cầu nguyện cho đất nước, cho Sự thật-Công lý và cho Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ tại một số nhà thờ?
Sự ủng hộ này rất có ý nghĩa bởi ở VN hiện nay, giới công giáo là thành phần có tổ chức, có đức tin mạnh mẽ và sự đoàn kết, sẵn lòng hiệp thông vì sự công bằng, công lý và sự thật cho đất nước và dân tộc. Điều này đã được chứng minh qua những lần thắp nến hiệp thông cầu nguyện trong hòa bình, vị tha của giáo dân Thái Hà, Đồng Chiêm (Hà Nội), Cồn Dầu (Đà Nẵng), Tam Tòa (Quảng Bình), nhà thờ Dòng Chúa Cứu thế Kỳ Đồng (Sài Gòn)… vì những vấn đề riêng của giới công giáo với nhà cầm quyền và cả những vấn đề chung của đất nước.
Và khi phiên tòa diễn ra vào ngày 4.4, đã có rất nhiều người dân tìm cách đến dự phiên tòa dù bị ngăn cản từ xa, bị bắt bớ…Người VN đã tiến một bước trên con đường vượt qua sự sợ hãi, thói thờ ơ, vô cảm đối với những sự việc có liên quan đến yếu tố chính trị nói riêng và tương lai đất nước, dân tộc nói chung.
Chính vì vậy, tôi cho rằng vụ án Cù Huy Hà Vũ và cả phiên tòa xử ông hôm nay là có nhiều dấu hiệu tích cực, lạc quan dù ông Vũ vẫn bị một bản án quá phi lý: 7 năm tù giam cộng thêm 3 năm quản chế sau khi mãn hạn tù.
Một lần nữa, sự thật về nền luật pháp ở VN như thế nào lại được phơi bày, tiếp theo hàng loạt những phiên tòa “bỏ túi” bôi bác, vi phạm pháp luật, vi phạm nhân quyền, xét xử các nhà bất đồng chính kiến, nhà hoạt động dân chủ ôn hòa ở VN trong những năm qua.
Một lần nữa, cách hành xử của đảng và nhà nước cộng sản VN là câu trả lời cho những ai còn hy vọng rằng có thể trông chờ vào sự thay đổi, hay có thể đối thoại với họ.
Còn với Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, bằng vào tất cả sự dũng cảm, nhân cách của ông từ trước đến nay và đã được thể hiện một lần nữa tại phiên tòa, tôi nghĩ rằng có lẽ chúng ta nên nghĩ đến việc lập hồ sơ xin ứng cử Nobel Hòa Bình năm 2012 cho ông. Từ sự kiện nhà bất đồng chính kiến Liu XiaoBo người Trung Quốc đoạt giải Nobel Hòa Bình 2010, thế giới đã chú ý hơn đến những tiếng nói đấu tranh vì tự do, dân chủ ở Trung Quốc cũng như bộ mặt thật của nhà cầm quyền Trung Quốc qua họ ứng xử của họ trước giài Nobel này, tại sao VN không có quyền nghĩ đến một cơ hội như vậy?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét