Pages

Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2011

Quyền phúc quyết hiến pháp


RFA photo
Bộ Tư Pháp tại Hà Nội

Quỳnh Chi, phóng viên RFA
2011-09-02
Tính từ Hiến pháp năm 1946, đây là lần thứ tư Việt Nam thực hiện sửa đổi lớn vấn đề hiến pháp.
Tuy nhiên, mỗi lần sửa đổi là mỗi lần vấn đề phúc quyết hiến pháp trở thành một đề tài quan tâm hàng đầu của không những các vị ĐBQH, mà còn của các vị nhân sĩ trí thức cũng như người dân. Điều này chứng minh rằng quyền phúc quyết hiến pháp là một món nợ với nhân dân mà dù muốn dù không, những người lãnh đạo không thể chối bỏ.

Quyền của người dân

Bắt đầu từ hơn mười năm nay, người dân Việt Nam trở nên quen thuộc hơn với cụm từ dân chủ khi cụm từ này xuất hiện trong mệnh đề chung của mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Nói một cách dễ hiểu thì dân chủ là người dân làm chủ đất nước. Thế nhưng “dân làm chủ là làm những gì?”
Nói đến dân chủ hay quyền làm chủ của người dân, không thể nào không nói đến quyền đưa ra những giá trị pháp lý, chuẩn mực, quy tắc theo yêu cầu và nguyện vọng của người dân. Nói cách khác, đó là quyền tạo ra một hiến pháp theo ý người dân và phải qua toàn dân phúc quyết.
Hiến pháp là một khế ước của toàn dân đối Nhà nước quy định mọi vấn đề cơ bản từ tự do, dân chủ, nhân quyền đến chính trị, kinh tế, xã hội.... Ngoài việc Hiến pháp phải đứng trên pháp luật, kể cả các chủ trương, văn kiện của đảng cầm quyền, nó là luật gốc qui định những quyền, nghĩa vụ căn bản của dân cũng như những thể chế, những vấn đề hệ trọng của dân tộc, đất nước. Những gì qui định trong hiến pháp, phải được luật hóa để toàn dân thực hiện, và Nhà nước quản lý đất nước nhất quyết phải theo hiến pháp.
Tất cả những chính sách, những phương hướng phát triển đất nước đều không nằm ngoài quỹ đạo qui định của hiến pháp. Ví dụ, nếu hiến pháp qui định giải quyết các vấn đề chủ quyền phải thông qua trưng cầu dân ý, thì nhất thiết người dân bao gồm ngư dân sẽ phải trực tiếp chọn cách giải quyết vấn đề Biển Đông với Trung Quốc như thế nào.
Hiến pháp phải được người dân thông qua chứ còn Quốc hội thông qua cũng chỉ là gián tiếp, mặc dù Quốc hội là cơ quan đại diện dân.
Luật gia Lê Hiếu Đằng
Chính vì thế, Hiến pháp chính là văn bản cơ bản nhất và đầu tiên nhất có ảnh hưởng trực tiếp và sâu rộng đến đời sống của quần chúng. Và chính vì sự ảnh hưởng có thể nói là căn bản, là tối thượng của hiến pháp, nó phải được toàn dân phúc quyết – phúc quyết để thực thi quyền làm chủ đất nước và phúc quyết để biết chắc rằng quyền, nghĩa vụvà quyền lợi của mình được bảo đảm. Nếu được phúc quyết, không có lý nào người dân lại đồng thuận với những qui định đi ngược lại lợi ích chính mình. Nói về tầm quan trọng của quyền phúc quyết, Luật gia Lê Hiếu Đằng cho biết:
“Hiến pháp là hiến pháp của cả nước. Nó chi phối đời sống người dân và quyết định tất cả những vấn đề quan trọng của đất nước từ thể chế cho đến các vấn đề khác. Do đó Hiến pháp phải được người dân thông qua; chứ còn Quốc hội thông qua cũng chỉ là gián tiếp, mặc dù Quốc hội là cơ quan đại diện dân”.

Lợi cả đôi bên

Trong xã hội sẽ có nhiều thành phần, nhóm lợi ích khác nhau, chưa kể đến các đảng phái chính trị. Tất cả các nhóm đều muốn đưa ra những điều khoản trong hiến pháp sao cho có lợi nhất cho nhóm của mình. Một hiến pháp toàn dân không nhất thiết phải thỏa mãn lợi ích của tất cả công dân Việt Nam nhưng nó phải đại diện và phục vụ được lợi ích của đại đa số quần chúng. Và chỉ có phúc quyết hiến pháp là cách duy nhất để biết nó có phù hợp với đại bộ phận dân tộc hay không.

000_Hkg4466724-305.jpg
Biểu ngữ, băng-rôn tuyên truyền Đại hội của Đảng Cộng sản Việt Nam (VCP) tại Hà Nội hôm 17/1/2011. AFP
Thêm vào đó, nếu người dân được tôn trọng quyền phúc quyết hiến pháp, lợi ích không hẳn thuộc về nhân dân mà còn thuộc về Nhà nước và giám sát Nhà nước (Quốc hội, Chính phủ, Tòa án). Thật vậy, nếu người dân được phúc quyết hiến pháp, nghĩa là họ đã thông qua những qui tắc mang tính quyết định đến vận mệnh dân tộc thì không thể nào đổ lỗi cho Nhà nước nếu Nhà nước đã đóng trọn vai trò người quản lý. Chính người chủ phải có trách nhiệm với lựa chọn của mình.

Ngược lại nếu người dân không được phúc quyết hiến pháp, ngoài việc Nhà nước phải có trách nhiệm thích đáng trước những mất mát của dân tộc, nguy cơ độc tài, toàn trị xảy ra là rất cao nếu không muốn nói là đã xảy ra mà minh chứng là điều 4 Hiến pháp 1992, đã làm Đảng đứng trên Quốc hội, Chính phủ, và Tòa án như thế nào.
Xu thế lạm quyền không phải là suy đoán mà đã xảy ra. Trong một bài viết gần đây trên Sài Gòn Tiếp thị, TS Nguyễn Sĩ Phương cũng đã khẳng định “Nếu hiến pháp không được phúc quyết, cũng có nghĩa là nhà nước tự đặt ra những thước đo, chuẩn mực, giới hạn pháp lý cho chính mình; thì quốc gia đó không hẳn nhưng cũng không loại trừ rơi vào rủi ro chuyển sang độc tài, toàn trị”.
Một hệ lụy nữa của việc tước đi quyền phúc quyết hiến pháp của nhân dân là người dân bị tước đi quyền lựa chọn những chính sách có lợi cho chính mình. Hậu quả là có những điều trong hiến pháp không đi ngược lại nguyện vọng của họ.
Một ví dụ dễ thấy nhất là chế độ công hữu toàn dân về đất đai khi người dân chỉ có quyền sử dụng mảnh đất của mình và nhà nước có quyền trưng thu làm các công trình công cộng. Quy định này tạo ra việc nhiều người dân mất đất mà các khiếu kiện tập thể trong thời gian vừa qua là một minh chứng mạnh mẽ nhất. Về vấn đề này, ông Lê Hiếu Đằng chia sẻ:
“Về mặt tiêu cực là Hiến pháp có những điều không phù hợp với người dân. Ví dụ, Hiến pháp qui định quyền công hữu đất đai. Nhưng mà nếu không công nhận quyền tư hữu về ruộng đất là đi ngược lại lợi ích của người nông dân. Tôi đã tiếp xúc nhiều nông dân và nhiều tầng lớp khác nhau và biết được rằng nguyện vọng của họ là được làm chủ mảnh đất của họ”.
Quyền lập hiến, bao gồm quyền phúc quyết hiến pháp, nếu nằm vào tay Quốc hội thì người dân đã mất đi quyền cơ bản. Chính vì thế mà ĐBQH Trần Du Lịch trong cuộc thảo luận vào đầu tháng 8 đã đặt câu hỏi rằng: “Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan có quyền lập hiến và lập pháp. Như vậy dân còn quyền nào về mặt quyền lực nhà nước?”
Nếu hiến pháp không được phúc quyết, cũng có nghĩa là nhà nước tự đặt ra những giới hạn pháp lý cho chính mình; thì quốc gia đó không hẳn nhưng cũng không loại trừ rơi vào rủi ro chuyển sang độc tài, toàn trị.
TS Nguyễn Sĩ Phương
Hiến pháp 1946 của Việt Nam đã quy định quyền phúc quyết thuộc về nhân dân hơn 60 năm về trước, thế nhưng cho tới nay, hơn 60 năm sau ai đó vẫn nói rằng trình độ dân trí chưa đủ để phúc quyết hiến pháp phải chăng là một sự ngụy biện nhằm bảo vệ một lợi ích nào đó? Bởi vì không có lý do gì trình độ dân trí Việt Nam bây giờ lại thua dân Việt Nam cách đây hơn 60 năm – khi Việt Nam vừa thoát khỏi ách thống trị của Pháp, lúc mà “chúng xây nhà tù nhiều hơn trường học”.
PGS Đinh Ngọc Vượng từng phát biểu rằng “Chính dân là cử tri đã sáng suốt bầu ra các ĐBQH và HĐND các cấp đó thôi. Tại sao khi bầu QH và HĐND thì họ là những người sáng suốt, còn khi bàn về những vấn đề trọng đại của đất nước thì họ lại chưa đủ trình độ?”
Về vấn đề này, ông Lê Hiếu Đằng cho biết:
“Theo tôi, điều kiện đã chín muồi rồi. Trình độ dân trí và kinh tế chúng ta đã ổn định nên chúng ta có đủ điều kiện để phúc quyết Hiến pháp, chứ không thể làm như trước được”.

Món nợ với nhân dân


000_Hkg4913876-200
Pano vận động bầu cử Quốc Hội khóa 13 vào ngày 22/5/2011. AFP photo
Người chủ đất nước lại không thể quyết định vận mệnh đất nước, đó là một sự ấu trĩ, thiếu thuyết phục cả về pháp lý và thực tiễn. Việt Nam đã chọn xu hướng kinh tế thị trường, tức chọn xu hướng mở cửa và hội nhập, cho nên hiến pháp và pháp luật theo một xu thế tiến bộ là tất yếu. Trong cuộc trao đổi với Quỳnh Chi, ông Nguyễn Đình Lộc nguyên Bộ trưởng Tư Pháp cho biết:

“Trong tương lai chắn chắn là có phúc quyết hiến pháp thôi. Nói quyền lực thuộc về nhân dân thì để nhân dân phúc quyết là đúng quá chứ còn gì nữa”.
Cụ Phan Chu Trinh đã từng trăn trở rằng “So sánh hai cái chủ nghĩa quân trị và dân trị, thì ta thấy chủ nghĩa dân trị hay hơn cái chủ nghĩa quân trị nhiều lắm. Lấy theo ý riêng của một người hay là của một triều đình mà lên trị nước, thì cái nước ấy không khác nào một đàn dê, được no ấm vui vẻ hay là phải đói rét khổ sở chỉ tùy theo lòng của người chăn”.
Trong tương lai chắn chắn là có phúc quyết hiến pháp thôi. Nói quyền lực thuộc về nhân dân thì để nhân dân phúc quyết là đúng quá chứ còn gì nữa.
Ông Nguyễn Đình Lộc
Quyền phúc quyết hiến pháp không những là một xu thế tiến bộ, nó còn là một “món nợ” với nhân dân. Trong quyển hồi ký của mình, Trung tướng Trần Độ, người có tâm với đất nước cho đến cuối đời, đã nói đến món nợ với nhân dân. Đại ý ông nói rằng “Dân chủ là những gì chúng ta, tức những người lãnh đạo, đã hứa với nhân dân”. Và một trong những yếu tố cấu thành dân chủ là quyền phúc quyết hiến pháp trực tiếp bởi chỉ có công dân mới có thể giám sát bộ máy nhà nước hành xử trung thực và mang hiến pháp đến cuộc sống. Xem ra, phúc quyết hiến pháp là một “món nợ” mà Nhà nước khó tránh khỏi.

Không có nhận xét nào: