Đỗ Hiếu, RFA
Hiệp định Paris được ký kết ngày 27 tháng giêng năm 1973, có mục đích chấm dứt chiến tranh, tái lập hòa bình ở Việt Nam. Những bí ẩn nào quanh việc đàm phán và ký kết, đưa đến tình trạng ngày nay ở Việt Nam? Đỗ Hiếu trao đổi với cựu đại sứ Bùi Diễm quanh đề tài này.
Đỗ Hiếu: Thưa ông Đại Sứ, ngày 27-1-1973 ký kết Hiệp Định Paris, tiến tới kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam vào ngày 30-4-1975. Với cái nhìn của một nhà ngoại giao từng phục vụ Chính Phủ VNCH, ông Đại Sứ có điều gì muốn bày tỏ ngày hôm nay?
Ông Bùi Diễm: Trước hết tôi xin có lời chân thành cầu chúc cho các ký giả của Đài gặp mọi chuyện may măn và cầu mong cho đất nước sớm trở về trong thành bình với tự do dân chủ cho cả nước được nhờ.
Về câu hỏi có liên quan tới Hiệp Định Ba Lê thì chúng ta cũng nhớ rằng Hiệp Định Ba Lê đã được ký kết từ năm 1973, cho đến nay đã gần 40 năm rồi, thành thử ra tất cả những vấn đề đó cũng đã thuộc về lịch sử cận đại.
Nếu có một lời ngắn ngủi thì tôi cũng chỉ nói rằng Hiệp Định Ba Lê đánh dấu một quãng đường trong sự liên hệ 3 nước tức là nước Mỹ với Cộng Sản Hà Nội và Miền Nam Việt Nam tức là Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa.
Thực sự ra thì cuộc chiến tranh cũng đã kéo dài lâu rồi cho nên năm 1973 mới là một giai đoạn để đánh dấu một bước đường trước khi đi đến sự kết thúc của chiến tranh Việt Nam.
Nhưng muốn nói tới chiến tranh Việt Nam và cuộc điều đình ở Paris với Hiệp Định Ba Lê năm 1973 thì chúng ta phải trở về sớm hơn nữa, tức là năm 1968 sau khi người cộng sản thất bại trong vụ Tết Mậu Thân, lúc đó bắt đầu có sự tiếp xúc giữa chính phú Hoa Kỳ và những người cộng sản ở Ba Lê.
Đỗ Hiếu: Theo ông thì hoàn cảnh nào đã đẩy đưa đến việc điều đình về Hiệp Định Paris giữa các chính phủ liên quan mà như vừa rồi ông có nói bốn bên tham dự là Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng Hòa, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tức là Cộng Sản Bắc Việt, và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, thưa ông Đại Sứ?
Ông Bùi Diễm: Vâng. Như tôi vừa trình bày một cách rất ngắn gọn là sau năm 1968, Tết Mậu Thân rồi đến tháng 5 năm 1968 thì những người cộng sản có vẻ thấy rằng thất bại, không tấn công được Miền Nam nữa. Có những sự tiếp xúc ở bên ngoài cho thấy họ cũng muốn nói chuyện
với người Hoa Kỳ, cho nên chính quyền Johnson lúc bấy giờ cũng nhân dịp đó mà bảo “ừ, thì có thể gặp cộng sản ở Ba Lê đi, nói chuyện thử xem ra làm sao!”
Vì vậy nên tháng 5-1968 mới có cuộc tiếp xúc giữa hai bên bắt đầu ở Ba Lê. Lúc bấy giờ tôi đang làm đại diện của Việt Nam Cộng Hòa ở Hoa Thịnh Đốn, nhưng chính phủ muốn cho tôi kiêm nhiệm cả hai việc, nghĩa là ở Hoa Thịnh Đốn nhưng mà đồng thời phải đi qua Ba Lê để theo dõi cuộc điều đình đi tới đâu.
Nhưng thực sự như tôi đã có dịp trình bày, trong suốt mấy năm từ 1968 cho tới 1971 chỉ là những cuộc cãi vã của hai bên thôi chứ không đưa đến một hoàn cảnh tích cực nào để có thể đưa tới chấm dứt chiến tranh.
Mãi tới lúc có cuộc đi đêm giữa ông Kissinger và Lê Đức Thọ thì người ta mới thấy nảy ra một vài nét lớn về một cuộc điều đình giữa hai bên. Nhưng dĩ nhiên là những người cộng sản họ vẫn theo cái chủ trương của họ là “vừa đánh vừa đàm”,nên tất cả các cuộc hòa đàm ờ Ba Lê còn tùy thuộc vào những trận chiến ở Việt Nam ra làm sao. Và vì vậy trong khi chiến tranh ở Việt Nam tiếp diễn thì vẫn có những cuộc điều đình. Bên ngoài thì không có gì nhưng mà bên trong thì có những cuộc tiếp xúc ngầm giữa ông Kisinger và Lê Đức Thọ, mãi cho tới năm 1971 hai bên, giữa ông Lê Đức Thọ và ông Kissinger, nghĩa là giữa Cộng Sản Hà Nội và nước Mỹ, mới đi tới giai đoạn gần như có thể nói là có một bản dự thảo về Hiệp Định Ba Lê.
Đỗ Hiếu: Thưa ông Đại Sứ, công luận quốc tế cũng như là người Việt vẫn thường cho rằng Hà Nội đã tự ý xóa bỏ Hiệp Định Paris 27-1-1973 và đã thôn tính Miền Nam bằng vũ lực, điều đó có đúng không, thưa ông?
Ông Bùi Diễm: Cái đó là đúng lắm bởi vì chúng ta nhớ rằng trong cuộc điều đình ở Ba Lê thì chính phủ Việt Nam có đưa cho ông Nixon và ông Kissinger những điều kiện để có thể nói chuyện một cách đứng đắn với Cộng Sản Hà Nội, tức là phải đề cập tới sự có mặt của quân đội Miền Bắc ở Miền Nam.
Nếu muốn nói chuyện hòa bình thì quân đội đó phải rút khỏi Miền Nam đã, rồi thì lúc bấy giờ mới có thể nói chuyện hòa bình. Nhưng Hoa Kỳ lúc bấy giờ đã bắt đầu sốt ruột rồi cho nên mặc dù chính phủ Việt Nam đã đưa ra những điều kiện hết sức rõ rệt trong cuộc điều đình giữa chính phủ Việt nam ở Sài Gòn và chính phủ Hoa Kỳ ở Washington.
Cá nhân tôi cũng đã nhiều lần được lệnh của ông Thiệu để trình bày với ông Kissinger là sự có mặt của quân đội Miền Bắc ở Miền Nam Việt Nam là một vấn đề sống còn của Miền Nam Việt Nam và bắt buộc phải giải quyết.
Nhưng trong khi đó thì ông Kissinger vẫn đi lại với Lê Đức Thọ và Xuân Thủy và tiếp tục nhượng bộ trong vấn đề đó. Người Miền Bắc nhìn thấy việc có thể nói rằng là không còn cứng rắn của Hoa Kỳ nữa, cho nên mới tìm cách thỏa thuận với ông Kissinger để đưa tới cái dự thảo năm 1973.
Cuối năm 1972, vào dịp Lễ Giáng Sinh 1972 người Mỹ ném bom Bắc Việt một cách dữ dội, mà lúc bấy giờ người Mỹ họ gọi là “Carpet Bombing”, thì Bắc Việt thấy rằng Mỹ có vẻ găng lắm mới có quyết định có những cuộc ném bom lớn lao như vậy.
Bắc Việt lúc bấy giờ đã bắt đầu phải nhượng bộ và không đòi hỏi những điều quá đáng đối với người Mỹ. Vì vậy người Mỹ có thể đi trên con đường thỏa thuận với Bắc Việt, nhưng họ không để ý, hay là nói một cách rõ ràng hơn,là không đếm xỉa đến những lời trình bày quyết liệt của chính phủ Sài Gòn–Miền Nam Việt Nam.
Đỗ Hiếu: Đài RFA xin chân thành cảm ơn ông Bùi Diễm, cựu Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Hoa Kỳ, đã dành cho chúng tôi cuộc mạn đàm vừa rồi.
Ông Bùi Diễm: Tôi xin một lần nữa cảm ơn Đài RFA đã có nhã ý hỏi tôi về những chuyện đã qua có liên hệ tới Hiệp Định Ba Lê năm 1973. Và một lần nữa tôi xin cầu chúc cho tất cả quý vị thính giả một năm mới an lành với mọi điều may mắn, và cầu chúc cả nước được hưởng thái bình ổn định trong tuyệt vời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét