Pages

Thứ Ba, 31 tháng 1, 2012

Kim Jong-nam sợ bị ám sát

Một cuôc tập hợp quần chúng ở quảng trường Kim Nhật Thành,
Bình Nhưỡng, ngày 3/1/2012. Chế độ Kim Jong-un đã bị
KIm Jong-nam gọi là "thế hệ độc đoán thứ ba"
Reuters
Trọng Thành

Le Figaro hôm nay có bài « Jong-nam, người khuấy động triều đại nhà Kim », mô tả tình trạng người con cả của cố lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-il, với nhận định : con người vốn rất sảng khoái này nay đang lo ngại bị ám sát, vì phê phán sự tàn bạo của những người thân. Hiện đang sống tại Macao, Kim Jong-nam có thể tìm cách sang tỵ nạn tại Pháp, đất nước mà ông ta yêu mến, nếu tình hình trở nên nguy hiểm hơn.
Kim Jong-nam, 40 tuổi, được đặt dưới sự bảo vệ đặc biệt của an ninh Trung Quốc, sau khi suýt bị ám sát ít nhất hai lần, vào năm 2004 tại Vienna và năm 2009 tại Bắc Kinh. Tính mạng của Kim Jong-nam trở nên nguy hiểm, đặc biệt sau khi ông đưa ra tuyên bố lên án « thế hệ độc đoán thứ ba » tại Bắc Triều Tiên, ám chỉ chế độ do em trai ông, Kim Jong-un, đứng đầu. Lời tuyên bố này thực sự là một khiêu khích đối với chế độ độc tài đã quen với việc thanh trừng bất cứ ai tỏ thái độ đối lập.

Yoji Gomi, phóng viên tờ Tokyo Shimbun, một người thân cận với Kim Jong-nam, cho biết hiện nay Kim Jong-nam không còn dám đi ăn tối trong thành phố hay đi du lịch.
Cuốn sách « Kim Jong-il, cha tôi và tôi » của Kim Jong-nam vừa được phát hành vào cuối tháng 1/2012 tại Nhật Bản, đã bán được một trăm nghìn bản chỉ trong vòng một tuần lễ. Theo đánh giá của Le Figaro, việc ấn hành sách này là một biện pháp được Kim Jong-nam dùng để ngăn ngừa một âm mưu ám sát mới của Bình Nhưỡng. Thông điệp ở đây là : « Nếu các người tấn công ta, ta sẽ tiết lộ tất cả », như lời bình của phóng viên tờ Tokyo Shimbun Yoji Gomi.
Vẫn theo Le Figaro, kế từ khi cha ông qua đời, cuối tháng 12/2011, Kim Jong-nam mất nốt người bảo trợ cuối cùng. Mẹ đẻ của Kim Jong-nam, mối tình bí mật đầu tiên của thủ lĩnh Kim Jong-il, là một nghệ sĩ gốc Nhật, sống tại Nga từ năm 1975, thì đã chết trong cô đơn vào năm 2002.
Kể từ khi bị bắt giữ tại sân bay Tokyo năm 2001, vì mang hộ chiếu giả để du lịch sang Disneyland, Kim Kong-nam mất hoàn toàn cơ hội trở thành người lãnh đạo trong tương lai. Jong-nam phủ nhận mọi tham vọng chính trị, nhưng cho rằng một cuộc cải cách kinh tế theo kiểu Trung Quốc là lối thoát duy nhất đối với Bắc Triều Tiên.
Dù không có sự ủng hộ trong nước, nhưng Kim Jong-nam lại được Bắc Kinh bảo trợ, bởi theo giới lãnh đạo Trung Quốc, người con cả của Kim Jong-il được coi là một nhân vật có khả năng thay thế cho người em Kim Jong-un, trong trường hợp người này thất bại trong việc điều hành quốc gia.
Hiện tại, ngay sau khi cha chết, Kim Jong-nam bị mất khoản tiền tài trợ hàng năm là 500.000 đô la, vốn được dùng để chi cho cuộc sống xa hoa của ông ta, theo thông tin của tờ South China Morning Post.
Về cuộc sống riêng hiện nay, Le Figaro cho biết, Kim Jong-nam có một vợ chính thức ở Bắc Kinh và cặp bồ với một người khác tại Macao. Con trai cả của cựu lãnh tụ Bắc Triều Tiên không phủ nhận điều này. Dưới vẻ bề ngoài của một tay chơi, những trao đổi thư từ của Kim Jong-nam cho thấy đây là một con người cởi mở, hiểu biết các vấn đề thời sự quốc tế và nắm được các quan điểm mới nhất của Phương Tây về Bắc Triều Tiên. Nhờ 9 năm học tại một trường quốc tế ở Geneva, ông ta nói tốt tiếng Anh, Pháp,Nga và có các quan hệ rộng rãi trên mạng Facebook.
Tường thuật cuộc kháng chiến của người Tây Tạng ngay từ Bắc Kinh
Liên quan đến Trung Quốc, Le Monde hôm nay có bài « Tsering Woeser tường thuật cuộc kháng chiến của một đất nước ‘‘Tây Tạng vô hình’’ ngay từ Bắc Kinh ». Tường trình do phóng viên gửi về từ Trung Quốc giới thiệu các hoạt động của một nhà văn nữ người Tây Tạng, 45 tuổi, chủ một trang blog, sống tại Bắc Kinh. « Tây tạng vô hình » là tên trang blog do nhà báo công dân Tây Tạng này phụ trách. Tháng 3/2008, khi cuộc phản kháng ở Tây Tạng bùng lên, bà Tsering Woeser đã quyết định truyền lên mạng các thông tin về tình hình diễn ra, bất chấp việc bà có khả năng bị trừng phạt.
Mới đây, ngày 26/01/2012, nhà tranh đấu Tây Tạng được công an Trung Quốc mời đi « dùng trà », tức là đi nói chuyện để thẩm vấn, thêm một lần nữa và bị ép không cho lên tiếng. Tuy nhiên, bà Tsering Woeser vẫn tiếp tục đưa lên mạng các tài liệu liên quan đến vị Lạt Ma vừa tự thiêu vào ngày 08/01, hay truyền đi các bức biếm họa, chế giễu việc chính quyền Bắc Kinh phân phát hơn một triệu tấm ảnh chân dung các lãnh đạo Trung Quốc, từ Mao Trạch Đông đến Hồ Cẩm Đào, cho dân chúng Tây Tạng, ngay trước ngày Tết Nguyên đán.
Nhà tranh đấu Tây Tạng này là con của một quân nhân Tây Tạng, đảng viên đảng Cộng sản. Vốn lớn lên trong giáo dục vô thần, trong những năm 2000, bà Woeser đã chuyển sang ủng hộ cuộc đấu tranh của người Tây Tạng. Cách đây hơn một năm, bà Woeser kể lại trên trang blog của mình cuộc gặp gỡ cảm động với Đạt Lai Lạt Ma, trong cuộc hội kiến giữa lãnh đạo tinh thần Tây Tạng với các nhà ly khai Trung Quốc, do chính chồng bà, một chuyên gia về Tây Tạng tổ chức.
Khủng hoảng Syria : Nga đề nghị chính quyền và đối lập gặp nhau tại Matxcơva
Về cuộc khủng hoảng tại Syria – đất nước đang trên bờ nội chiến, l’Humanité qua bài « Những vận động lớn trong hậu trường Liên Hiệp Quốc », thuật lại các tranh luận xung quanh đề nghị mới của Nga về việc môi giới cho chính quyền Damas và đối lập gặp nhau không chính thức.
Trong lúc bạo lực tiếp tục gia tăng tại Syria, riêng ngày hôm qua, có 80 người chết, trong đó một nửa là dân thường, và có thông tin 40.000 người tức gần 1/10 binh sĩ trong quân đội Syria đào ngũ, nhiều vận động ngoại giao trong hậu trường đang được gấp rút tiến hành nhằm tìm ra một lối thoát cho cuộc khủng hoảng ngày càng nghiêm trọng. Ngày hôm nay, Hội đồng Bảo an họp bàn về kế hoạch hòa bình của Liên đoàn Ả Rập, với dự kiến tổng thống al-Assad phải ra đi, để lại quyền cho người phó và chính quyền Damas phải chấp nhận đối thoại với đối lập.
Một dự thảo nghị quyết do Maroc đứng tên nhân danh khối Ả Rập, được Anh, Pháp và Đức ủng hộ, kêu gọi quốc tế hậu thuẫn cho kế hoạch kể trên. Theo Libération, dự thảo nghị quyết của Maroc lần này có vẻ có triển vọng, vì hiện tại đã được 10/15 thành viên của Hội đồng Bảo an ủng hộ và trong dự thảo này không nhắc đến bất cứ hình thức can thiệp nào từ bên ngoài. Ngoại trưởng Hoa Kỳ và ngoại trưởng Pháp có mặt trong cuộc họp hôm nay để thuyết phục Hội đồng Bảo an. Tuy nhiên, Trung Quốc và Nga giữ khả năng phủ quyết. Cho đến nay, Matxcơva vẫn luôn luôn dành cho đồng minh duy nhất của mình ở Cận Đông một sự ủng hộ hoàn toàn, bởi lo ngại rằng, nếu thành công, phong trào dân chủ Syria sẽ thúc đẩy người Nga tham gia nhiều hơn vào cuộc phản kháng chống lại chế độ Putin.
Vẫn theo l’Humanité, Bộ Ngoại giao Nga vừa mới đưa ra một sáng kiến mới, theo đó chính quyền Damas và đối lập gửi các đại diện tới Matxcơva để có các tiếp xúc không chính thức. Trong khi Damas ủng hộ đề nghị này, thì Hội đồng Dân tộc Syria – tổ chức đối lập chủ yếu - tuyên bố, điều kiện tiên quyết đối thoại là tổng thống al-Assad phải từ chức. Một nhà đối lập khác cho rằng, cuộc gặp phải mang tính chính thức, nếu không kế hoạch này chỉ mang lại lợi ích cho Nga. Ngày 05/02 tới, phái đoàn của CNCD, một tổ chức đối lập hoạt động trong nước, bao gồm đại diện các đảng cánh tả, người Kurd, các nhân vật có tên tuổi, sẽ tới Matxcơva.
Sáng kiến Luân Đôn chống 10 căn bệnh nhiệt đới
Để kết thúc chương trình, chúng tôi xin được thông báo với quý vị về chương trình quốc tế chống 10 căn bệnh nhiệt đới bị coi nhẹ, theo dự kiến sẽ được thông qua vào ngày hôm nay. Le Monde cho biết, cuộc họp tại Luân Đôn hôm nay giữa các đại diện chính phủ Mỹ, Anh và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, cùng các tổ chức : Y tế Thế giới, Ngân hàng Quốc tế, Quỹ của cặp vợ chồng Bill Gates, Quỹ DNDi do tổ chức Y sĩ không biên giới lập ra năm 2003 và 13 viện bào chế, đã chuẩn bị cho việc thông qua kế hoạch tăng cường cuộc chiến chống 10 căn bệnh nhiệt đới, có ảnh hưởng đến 1,4 tỷ dân trên hành tinh của chúng ta.
Bốn căn bệnh mà cộng đồng quốc tế muốn tiêu diệt hoàn toàn là : bệnh giun chỉ bạch huyết hay bệnh chân voi, bệnh mắt hột, bệnh phong và bệnh trùng gây ngủ. Bên cạnh đó, năm căn bệnh được đặt dưới sự kiểm soát là : bệnh giun sán, bệnh sán máng, bệnh Chagas, bệnh giun chỉ, bệnh do ký sinh trùng Leishmaniasis. Các đối tác tham gia sẽ đầu tư hơn 500 triệu euro và các chương trình nghiên cứu và phân phối thuốc, và nỗ lực để cấp đủ thuốc cho tất cả người cần trước năm 2020. Theo Tổ chức Y tế thế giới, sáng kiến Luân Đôn này cần phải được thêm 1,5 tỷ euro bổ sung để có thể, từ đây đến năm 2015, thực hiện được việc phòng ngừa và trợ giúp cho tất cả những người có triệu chứng mắc các bệnh này.
Trang nhất các báo Pháp
Thời sự nước Pháp chiếm trang nhất của nhiều báo Pháp. Tờ Le Figaro chạy trên trang nhất câu hỏi : « Ứng cử tổng thống. Ông Sarkozy nên tăng tốc ? ». Các động thái mới liên quan đến tổng thống Sarkozy cũng là mối quan tâm của nhiều báo Pháp hôm nay. Theo Le Figaro, cuộc tranh luận về ngày chính thức đi vào chiến dịch tranh cử của tổng thống mãn nhiệm Nicolas Sarkozy bắt đầu trở thành đề tài thảo luận.
Báo Le Monde có hồ sơ « Ứng cử viên Sarkozy dựa vào mô hình Đức », mặc dù tổng thống Sarkozy chưa chính thức trở thành ứng cử viên. Nhiều nội dung được tờ báo phân tích, như các chiến lược chinh phục cử tri của tổng thống mãn nhiệm, đặc biệt với buổi truyền hình được phát đồng loạt trên 9 kênh, được khoảng 16 triệu người Pháp theo dõi.
Tờ Libération tập trung lột tả một cách hài hước, sự khác biệt giữa chính sách việc làm của ông Nicolas Sarkozy 5 năm trước, với khẩu hiệu « làm nhiều hơn, hưởng nhiều hơn », so với hiện nay làm ít, hưởng ít hơn. Đây không phải là khẩu hiệu tranh cử của tổng thống mãn nhiệm, mà là một diễn đạt ngắn gọn mà Libération dùng để nói về chính sách mới về kinh tế vừa được tổng thống Pháp công bố hôm chủ nhật nhằm giảm bớt các chi phí cho các doanh nghiệp gặp khó khăn.
Cũng liên quan đến chủ trương mới của tổng thống Sarkozy, tờ La Croix có bài trên trang nhất : « Giới chủ đánh giá về chính sách TVA », với nhận định, các lãnh đạo doanh nghiệp Pháp phản ứng một cách thận trọng với các tuyên bố của ông Sarkozy về việc giảm bớt đóng góp của các doanh nghiệp và tăng thuế TVA.
Vẫn về kinh tế Pháp, Les Echos chú ý đến chính sách mới của nhà nước trong việc hỗ trợ xây dựng, với việc bán hàng loạt khu đất công, với dự kiến sẽ có thêm hơn 100.000 căn hộ mới được xây dựng trong vòng 5 năm tới. « Về hưu, thời điểm của cuộc tái chinh phục » là hàng tựa của l’Humanité. Tờ báo cho biết, CGT, công đoàn hàng đầu của Pháp, sẽ tổ chức một cuộc mít tinh toàn quốc, để đưa chủ đề tuổi nghỉ hưu trở về tuổi 60 vào trung tâm của cuộc tranh cử tổng thống.

Không có nhận xét nào: