Việt-Long, RFA
Tuần qua hầu khắp thế giới đón mừng tin đổi mới chính trị ở Miến Điện, xứ được người Việt trong nước gọi là “đi sau mà đến trước” so với Việt Nam. "Thế giới tuần qua" nói về sự kiện đáng chúc mừng này tại một xứ sở mà người dân cùng uống nước chung giòng Mê Kông- Cửu Long với dân ta.
Những diễn tiến chính trị nhanh chóng tại Miến Điện trong tuần qua là sự kiện quốc tế được chú ý nhiều nhất. Không khí chính trị và ngoại giao nơi này rộn rã hẳn lên như những ngày giáp tết ở Việt Nam. Nhờ đâu mà hoạt động chính trị và ngoại giao quanh thủ đô Naypidaw khởi sắc như vậy?
Những hành động "ngoạn muc"
Trước hết không phải vì giáp tết như ở nước ta vì tết của Miến Điện là vào tháng tư dương lịch. Thời sự gây chú ý là nhờ chính phủ dân sự Naypidaw phóng thích 651 người tù chính trị, đáp ứng lời kêu gọi của phương Tây như một điều kiện để rỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế.Thực ra thì những hành động đổi mới mang nhiều thiện chí do chính phủ của Tổng thống Thein Sein thực hiện đã gây chú ý từ cuối năm ngoái, và hơn nữa từ khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton sang thăm xứ này. Nhưng diễn tiến được chý ý đầu tiên là từ tháng 10 năm ngoái khi chính phủ Miến Điện tuyên bố phải làm theo lòng dân và ngưng tiến hành hợp đồng dự án xây đập thuỷ điện Myitsone với Trung Quốc. Khi đó nhiều người còn phân vân trước câu hỏi liệu Miến Điện có xoay chuyển chiến lược chính trị ngoại giao hay không. Nhưng có phải đó là lúc Ngoại trưởng Hillary Clinton quyết định đi thăm Miến Điện vào tháng 12 không?
Đó chi là suy đoán thôi. Trong khi, một cách cụ thể, chúng ta biết rằng sau vụ ngưng dự án đập thuỷ điện thì Miến Điện mở cuộc đối thoại với lãnh tụ dân chủ Aung San Suu Kyi, trả lại quyền sinh hoạt chính trị cho bà.
Và ngoại trưởng Mỹ thăm Miến Điện tháng 12, thì tiếp theo là những chuyến thăm của ngoại trưởng Anh William Hague hồi trước đây trong tháng này, và của ngoại trưởng Pháp Alain Juppé mới cuối tuần qua.
Chuyến thăm của ngoại trưởng Pháp đúng là chuyến đi lịch sử vì ông Alain Juppé là bộ trưởng ngoại giao của Pháp đầu tiên thăm Miến Điện kể từ khi xứ này dành được độc lập năm 1948.
Dường như cứ sau mỗi chuyến thăm của một bộ trưởng ngoại giao Âu Mỹ thì Miến Điện lại có hành động ngoạn mục về đổi mới theo hướng dân chủ, nhân quyền. Có thể kể ra những hành động như hợp pháp hoá Công đoàn Lao động, ký kết hiệp ước đình chiến với lực lượng nổi dậy người Karen tạm chấm dứt 62 năm xung đột. Mới nhất và được ca ngợi nhiều hơn hết là hành động trả tự do cho những người tù chính trị.
Hành động thực tâm?
Nhưng 651 người tù được tự do có phải là tù chính trị hay tù nhân lương tâm đích thực không, hay là như những nước khác nhân lễ quốc khánh hay ngày tết thường thả tù hình sự gọi là “chấp hành tốt”, nhất là hay thả sớm những người tù từng là cựu viên chức tham nhũng.Dẫu sao, khi Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, rồi Mỹ, Anh, Na Uy, và Pháp nhân danh khối EU mà lên tiếng ca ngợi thì hẳn nhiên đó không thể là hành động “thả cuội” được. Cụ thể là Liên đoàn Toàn quốc vì dân chủ của bà Aung San Suu Kyi đưa một danh sách 604 người của họ, thì hôm thứ sáu đã có 302 người được trả tự do. 128 người trong danh sách đó thì chính phủ Miến nói là phạm nhân hình sự nghiêm trọng, hay có liên kết với lực lượng Hồi giáo Taliban.
Chính phủ nói rằng trong danh sách 604 người của Liên đoàn Dân chủ đưa, chỉ mới tìm ra 430 người này trong tù thôi. Như vậy theo suy đoán thì lý do có thể thuộc về hành chánh, kỹ thuật. Biết đâu ch83ng có một số người đã lìa đời trong thời gian tù ngục! Nhưng điều đáng chú ý là trong số được tự do có những người tù vì dân chủ nổi tiếng lâu nay vẫn được can thiệp mà nay mới được tự do.
Ngoại trưởng Anh nói ông rất vui khi thấy trong những người đó có những cựu sinh viên tranh đấu hồi năm 1988, là lúc hằng ngàn người chết vì đạn của chính quyền quân phiệt tiếm quyền tại Miến.
Triển vọng bỏ cấm vận: gần hay xa?
Cùng lúc, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã tuyên bố tái lập quan hệ ngoại giao bình thường với Miến Điện, sẽ bổ nhiệm đại sứ tại Naypidaw. Tổng thống Barrack Obama cũng tuyên bố rằng đó là một bước cụ thể về hướng cải tổ dân chủ. Cũng hôm thứ sáu, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã tuyên bố đón mừng quyết định của chính phủ Thein Sein, khi ông gọi điện thoại cho bà Aung San Suu Kyi để loan báo và chúc mừng bà được tưởng thưởng huân chương danh dự cao quý của Pháp, Légion d' Honneur, mà ngoại trưởng Alain Juppé sẽ thăm và trao tặng cho bà.
Trong không khí có thể gọi là như một bản hợp ca mà giới lãnh đạo phương Tây dành cho chế độ đổi mới của Miến Điện, thì liệu Miến Điện có sớm được bỏ chế độ trừng phạt kinh tế không?
Những dấu hiệu tốt đẹp là bà Clinton đã tuyên bố Hoa Kỳ sẽ có hành động đáp ứng khi Miến Điện tiếp tục cải tổ dân chủ, và một trong những nghị sỹ cao cấp trong đảng Cộng Hoà của Hoa Kỳ vừa tuyên bố tại Miến rằng chế độ mới đang thực sự đổi mới và tiếp tục đồi mới, và ông nói sau cùng sự trừng phạt kinh tế sẽ được huỷ bỏ. Nghị sỹ Mitch McConnell này là người chỉ trích Miến Điện gay gắt nhất và chủ trương trừng phạt Miến Điện nặng nhất.
Tuy nhiên nói rằng “sớm được” thì nhiều người còn e cũng không sớm lắm. Các nước phương Tây chừng như vẫn chờ xem việc trả tự do cho tù chính trị cũng như những hành động thiện chí của chính phủ Thein Sein có được thực hiện trên thực tế không, như hiệp ước ngưng bắn với người Karen, cuộc tranh cử của bà Aung San Suu Kyi và cuộc tuyển cử tháng tư này có thực sự công bằng dân chủ hay không, trong khi Liên đoàn Toàn quốc vì dân chủ của Miến Điện cho biết vẫn còn 1 ngàn tù chính trị bị giam giữ chỉ vì chính phủ nói họ phạm tội hình sự, không buộc tội chính trị khi xét xử trước toà.
Nhưng chắc hẳn cái tội gọi là hình sự không phải là tội “hoạt động lật đổ chính quyền” theo điều 88 bộ luật hình sự Việt Nam. Vẫn có hy vọng là Miến Điện không phải chờ tới tháng tư, vì nghị sỹ Mitch McConnell, từng được mênh danh là "nhà vô địch về cấm vận", đã nói đến việc huỷ bỏ trừng phạt kinh tế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét