DƯƠNG PHI ANH - Quechoa
NQL: Quê choa đã nghỉ tết không nhận đăng bài nữa. Chỉ xin đăng bài nào còn tồn đọng chưa kịp đăng và xin để sau entry Chợ tết Quê choa.
Không nghi ngờ gì nữa, câu nói trên là câu tôi tâm đắc nhất cho đến giờ này sau khi vụ cưỡng chế ở đầm Cống Rộc, Hải Phòng xảy ra ngày 5-1-2012. Tôi đồ rằng, câu nói này sẽ là bài học lớn và trở nên bất hủ (?!).
Không biết tôi có nhầm không, nhưng theo thiễn nghĩ của tôi thì câu này là rất mới, mặc dù kết cấu của dạng câu này có vẻ cũ, bây giờ thường trở thành “cửa miệng” của những người học và làm chính trị… Chẳng hạn “muốn giữ nước trước hết phải giữ vững lòng dân…” .v.v… và v.v…
Xin hãy đọc cho kỹ từng từ sẽ thấy được câu “Muốn giữ Đảng thì phải giữ được dân đã!” rất chặt chẽ, mới (mặc dù mọi người dễ dàng gặp lâu nay) và hay đối với VN vô cùng: Thường, người ta nói “giữ nước” thì ở đây là “giữ Đảng”; thay vì có chữ “trước hết” (hoặc trước tiên) thì ở đây là “phải giữ được dân”; nó như một mệnh lệnh, và cuối cùng là chữ “đã!” khẳng định không trước sau gì cả, phải dứt khoát giữ bằng được lòng dân!…
Dân ở đây theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, là: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước. Lịch sử đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân tộc ta. Chúng ta có quyền tự hào về những trang lịch sử vẻ vang thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung v.v… Chúng ta phải ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc, vì các vị ấy là tiêu biểu của một dân tộc anh hùng…“;
Dân ở đây, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, là “không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”…
Thấy rõ tầm quan trọng của Đảng trong việc từ nay luôn luôn lãnh đạo nên Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh “trước hết nói về Đảng”: “…Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”…
Qua theo dõi thông tin vụ việc cưỡng chế ở Tiên Lãng, Hải Phòng; đã gửi đến 6 bài trên blog “Quê Choa” của nhà văn Nguyễn Quang Lập, nhưng tôi vẫn đau đáu tìm xem ai trong số những cán bộ thẩm quyền liên quan đến vụ cưỡng chế này của TP Hải Phòng phát biểu đúng pháp luật, đúng sự thật và thấm nhuần (một ít thôi cũng được) những lời dạy trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh? Thì, theo cảm nhận của tôi (và cũng có thể rất nhiều người), đến giờ này, thật đáng tiếc: Gần như chưa thấy ai!
Đến nay, đã xuất hiện khá đầy đủ thành phần: Phó chủ tịch và Chánh văn phòng UBND TP Hải Phòng; Chủ tịch và phó chủ tịch UBMTTQ TP Hải Phòng; Giám đốc Công an; Chánh án, phó Chánh án TAND TP Hải Phòng; Chủ tịch và Chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng; Chủ tịch UBMTTQ huyện Tiên Lãng; Bí thư và chủ tịch UBND xã Vinh Quang… Nhưng, cho đến nay, dư luận cho rằng đại đa số việc làm và phát biểu của các vị trên xung quanh vụ cưỡng chế đầm của ông Đoàn Văn Vươn đều sai, thậm chí lố bịch. Sai luật, sai sự thật, sai cả đạo đức khi “đổ vấy cho nhân dân”… Dư luận cho rằng, các lời nói và việc làm của nhiều người trong số họ đang có ý “che mặt trời”?! Nhưng, như ông bà ta đã nói “nếu mà danh bất chính thì ngôn bất thuận”: càng nói, càng hành động không đúng thì càng mâu thuẫn, trở thành trò hề, thậm chí làm mất uy tín vốn có trong lòng dân của rất nhiều, rất nhiều…
Khi vụ án xảy ra, nhiều nhà báo tiệm cận sự thật và viết rằng “phải thực hành cuộc vận động chỉnh đốn Đảng… ngay từ Tiên Lãng” nhưng tôi đã không để ý cho lắm điều này. Bởi vì, lúc đó sự thật chưa được mở rộng, thông tin chưa “dày”, chưa được soi xét kỹ càng nên tôi có phần nghi ngờ. Mặt khác, cả một cuộc vận động lớn và vô cùng quan trọng như thế thì sẽ rất khiên cưỡng nếu “soi” từ những tiêu cực, sai trái cụ thể ở Tiên Lãng (chẳng hạn). Vì cuộc vận động này đâu chỉ nhìn từ góc nhìn vụ việc quá tiêu cực?…
Vận động; vấn đề là sau một cuộc vận động thì rút ra được bài học gì? Vụ án ở Tiên Lãng này chỉ làm rõ được: Tại sao một gia đình điển hình trong làm ăn chân chính phải bắn vào đoàn cưỡng chế của nhà nước (tiêu cực, sai nhưng được thông cảm nếu việc thu hồi, cưỡng chế sai hoặc có tiêu cực); bài học về ban hành luật, thi hành luật, áp dụng luật hay sửa luật…; bài học về quản lý hành chính hoặc tố tụng hành chính; bài học về lãnh đạo, quản lý, sử dụng cán bộ địa phương; bài học về dân chủ cơ sở; bài học về nghiệp vụ báo chí…
Nhưng, những bài học đó cũng chỉ là những bài học về sự vụ và dù địa phương nào, cơ quan nào thì bằng cách này, cách khác cũng có thể rút ra, chưa thể khái quát được thành bài học đúng tầm với cuộc vận động lớn của Đảng…
Thì đây, bài học lớn là “Muốn giữ Đảng thì phải giữ được dân đã!”. Câu nói này không phải của Tổng Bí thư, các bí thư, cán bộ Tuyên giáo hay Đảng viên các cấp. Mà, câu này của một người nông dân xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng (“Tôi cũng chỉ là nông dân thôi, hiểu đến đâu nói đến thế thôi!”). Người này từng “làm thuê” cho UBND xã Vinh Quang “mỗi ngày trả 100.000 đồng, cơm nuôi trưa, cơm nuôi tối, chỉ ngồi để săn các nhà báo thôi. Em đi mấy ngày, hôm qua hôm nay em mới nghỉ đấy chứ. Ừ thì mình làm đầy tớ cho chính quyền, người ta bảo sao thì nghe vậy, có điều mình thấy bức xúc!...”.
Câu nói “Muốn giữ Đảng thì phải giữ được dân đã!” là trong bài rả băng ghi âm một nông dân do blog của Nhà văn Nguyễn Quang Vinh đưa lên với tựa đề: “Chuyện động trời ở Tiên Lãng – Thông tin lần đầu được công bố”!
Rất mong nhận được những nhận xét về nhận định của tôi. Trân trọng.
Tác giả gửi cho QC
(Bài vở gửi đăng QC là chủ kiến riêng của tác giả, không hẳn là chủ kiến của QC)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét