Pages

Thứ Hai, 9 tháng 1, 2012

Nhân chuyện Hoàng Khương, nói về một thế hệ Tổng biên tập bất đắc dĩ

thu phi bao dtCác nhà báo đang say sưa bàn về số phận Hoàng Khương, ít ai thấy được “số phận” nghiệp báo của chính họ đang tuột dốc.

Hoàng Khương bị giam, còn các nhà báo thì cũng đang tự… giam nhốt mình. Thử hỏi từ nay sẽ còn mấy ai dám chọn phương cách dấn thân như Khương? Nền báo chí vốn đã bị cái vòng kim cô siết chặt sau vụ PMU 18, đến nay sẽ bị trói cột tay chân như thế nào? Khoan bàn đến tính đúng sai của “phương pháp” Hoàng Khương, sự nhiệt tình và tính ngoan cường nghề nghiệp liệu có thêm một lần nữa bị dội gáo nước lạnh?
Phạm Đức Hải không thể dõng dạc như Lê Hoàng khi xảy ra vụ PMU 18: “Nguyễn Văn Hải sẽ mãi là người của Tuổi Trẻ, dù có bị giam cầm và lãnh án!”. Cũng như khó thấy lại hình ảnh trang blog của các nhà báo ở tòa soạn Tuổi Trẻ khi đó đồng loạt treo ảnh đồng nghiệp cùng dòng slogan “Nguyễn Văn Hải, chúng tôi luôn ở bên bạn”.
Sự kiện Nguyễn Văn Hải đã không lặp lại với Hoàng Khương, bởi Phạm Đức Hải không phải là Lê Hoàng, bởi Tuổi Trẻ và cả nền báo chí đã tuột phanh trôi quá xa so với thời PMU 18.
Thật ra không chỉ ông Hải. Thời khắc này, bất cứ ông Tổng nào cũng sẽ “tác nghiệp” không khác gì ông. Tôi tin thế. Một thế hệ Tổng mới theo mô tuýp Phạm Đức Hải đã hình thành khá phổ biến trong làng báo từ sau vụ PMU 18 và trong nhiệm kỳ của Bộ trưởng TTTT Lê Doãn Hợp.
Nhớ khi mới lên ngồi ghế Bộ trưởng, ông Hợp đã lỡ miệng tiết lộ về một chiến dịch thay máu cho làng báo “Tổng biên tập là người của Bộ TTTT sau này cắm ở từng tờ báo”. Có thể nói Lê Doãn Hợp là đời Bộ trưởng có công lớn trong chiến dịch “tuyên giáo hóa” làng báo. Không riêng Tuổi Trẻ, hàng loạt cán bộ tuyên giáo bỗng dưng thành Tổng Biên tập. Điều đáng nói là chiến dịch đổi mới hàng Tổng này đã vi phạm chính luật báo chí, ngang nhiên đưa hàng loạt những người chưa từng làm báo, chưa có thẻ nhà báo về cầm trịch các tờ báo lớn.
Lịch sử báo chí Việt, chưa thời nào “dân ngoại đạo” chen vào ngồi ghế Tổng biên tập đông như giai đoạn này. Chính những “nhà báo” bất đắc dĩ, những ông Tổng được bổ nhiệm sai luật báo chí như thế ngay tức khắc bẻ hướng các tòa báo… lao dốc! Chính những “nhà báo” bất đắc dĩ, những ông Tổng được bổ nhiệm sai luật báo chí như thế ngay tức khắc bẻ hướng các tòa báo… lao dốc!
Chiến dịch “tuyên giáo” hàng Tổng của ông Hợp chỉ qua một nhiệm kỳ đã hoàn thành mục tiêu phá hỏng hàng loạt tờ báo tên tuổi, thương hiệu. Ông Hợp hưu rồi, nhưng chiến dịch “tuyên giáo hóa” hàng Tổng vẫn chưa dừng. Nhiều tòa báo vẫn đang nằm trong tầm ngắm. Nhiều cán bộ tuyên giáo đang ngồi chơi xơi nước đã được vào danh sách nguồn để sẵn sàng một hôm đẹp trời nào đó bỗng dưng nhảy vào làng báo thành… Tổng biên tập!
Sáng nào cũng vói tay lấy hai tờ Thanh Niên, Tuổi Trẻ. Lấy theo thói quen, chứ nhiều hôm lướt ngang liếc dọc vài phút rồi… vứt!
Không biết liệu có được mấy ông Tổng loại bất đắc dĩ kia còn biết xấu hổ khi đọc được bài viết nhỏ này? Xấu hổ khi không bảo vệ được phóng viên của mình, bất lực nhìn họ bị tống vào nhà giam? Xấu hổ khi thấy bạn đọc ngày càng lánh xa?
Báo chí đã tuột dốc quá xa. Muốn xốc lại kéo lên, không có cách nào hơn: mời hết đội ngũ “Tổng” này về lại với nghề tuyên giáo của họ, trả lại cái ghế cho chính các nhà báo.


Không có nhận xét nào: