Pages

Thứ Ba, 7 tháng 2, 2012

Chủ tịch xã chứng kiến việc đốt phá nhà ông Quý?



“… tôi thấy 7 công an xã, cùng với 4 người mặc thường phục (trong đó có ông Đ “mắt nai” ở xã Tiên Hưng) cho máy xúc đến phá căn nhà hai tầng của ông Quý. “Lúc đó, tôi thấy ông Phạm Đăng Hoan – Bí thư Đảng ủy và ông Lê Thanh Liêm – Chủ tịch UBND xã đi hai xe máy đến tận chỗ căn nhà, chứng kiến việc căn nhà bị chiếc máy xúc san phẳng”
Chiều 5.2, ông Nguyễn Minh Võ – 60 tuổi, đảng viên, bộ đội phục viên, nhà ở xóm Chùa Trên, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng khẳng định: Chiều hôm 5.1, lực lượng chức năng đã đốt căn nhà phụ của ông Đoàn Văn Quý (nằm trong phần đất không bị cưỡng chế) và căn nhà của ông Đoàn Văn Vươn (nằm trong phần diện tích bị cưỡng chế).
Theo ông Võ, sáng hôm sau (6.1), ông thấy 7 công an xã, cùng với 4 người mặc thường phục (trong đó có ông Đ “mắt nai” ở xã Tiên Hưng) cho máy xúc đến phá căn nhà hai tầng của ông Quý. “Lúc đó, tôi thấy ông Phạm Đăng Hoan – Bí thư Đảng ủy và ông Lê Thanh Liêm – Chủ tịch UBND xã đi hai xe máy đến tận chỗ căn nhà, chứng kiến việc căn nhà bị chiếc máy xúc san phẳng” – ông Võ nói. Theo ông Võ, khoảng hai tiếng sau, khi căn nhà bị phá xong, ông Hoan và ông Liêm đi xe máy về trước, những người còn lại về sau. “Cùng chứng kiến với tôi lúc đó còn có 7 người đang trông coi thuyền đánh cá đậu gần đó. Còn phía bờ đê, có hàng trăm người chứng kiến” – ông Võ nói.

Ông Võ và một số người dân rất bất ngờ và bức xúc khi mấy ngày hôm sau đọc báo thấy các lãnh đạo huyện Tiên Lãng và TP.Hải Phòng nói rằng người dân bức xúc vào phá nhà ông Vươn. Trên thực tế, ngay ngày cưỡng chế, đài phát thanh của xã đã thông báo cho tất cả người dân không được phép ra khu vực đầm vì ở đó vẫn còn bom mìn. “Chúng tôi cũng đã có đơn kiến nghị lên cấp trên về việc này rồi” – ông Võ nói.
Cũng theo ông Võ, việc xảy ra đã một tháng nhưng chính quyền địa phương không tìm ra ai là người phá nhà ông Vươn thì chứng tỏ chính quyền đã quá lơi lỏng khi chiếc máy xúc (đi từ hướng xã Tiên Hưng tới) to như thế mà không tìm được?
Căn nhà ông Quý trong phần đất chưa bị cưỡng chế đã bị phá.     Ảnh: H.HOANCăn nhà ông Quý trong phần đất chưa bị cưỡng chế đã bị phá. Ảnh: H.HOAN
Trong khi đó, tại “Biên bản bàn giao toàn bộ mặt bằng hiện trạng nuôi trồng thủy sản cưỡng chế thu hồi đối với ông Đoàn Văn Vươn cho UBND xã Vinh Quang quản lý”, thì vào lúc 14h ngày 5.1, ngay tại khu vực đầm, UBND huyện Tiên Lãng đã bàn giao cho UBND xã Vinh Quang toàn bộ mặt bằng hiện trạng đất đã thu hồi gồm 19,3ha (có sơ đồ vị trí do văn phòng ĐKQSD đất – Phòng Tài nguyên môi trường lập tháng 12.2011). Theo biên bản này, UBND xã Vinh Quang có trách nhiệm xây dựng kế hoạch quản lý, sử dụng mặt bằng diện tích theo đúng nội dung thông báo số 213/TB-UBND ngày 19.2.2011 của UBND huyện Tiên Lãng về việc bàn giao diện tích nuôi trồng thủy sản sau khi cưỡng chế cho UBND xã Vinh Quang quản lý. Buổi bàn giao kết thúc lúc 15h cùng ngày.
Như vậy, trách nhiệm quản lý khu đầm chiều hôm cưỡng chế là thuộc UBND xã Vinh Quang. Vậy nhưng, ngày 31.1, trả lời báo chí, ông Lê Thanh Liêm – chủ tịch UBND xã Vinh Quang – nói rằng sau cưỡng chế, UBND huyện chỉ có một thông báo cho xã bảo vệ, chứ chưa có biên bản bàn giao. Khi được hỏi ai phá nhà ông Quý, ông Liêm nói việc này phải hỏi huyện!
Liên quan đến việc giao đất với thời hạn 14 năm cho ông Đoàn Văn Vươn, ông Ngô Quốc Trãi – nguyên Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tiên Lãng, một trong những người tham mưu cho UBND huyện ra các quyết định giao đất cho các chủ đầm -lý giải: “Lúc tham mưu để huyện thực hiện chính sách giao đầm, chúng tôi căn cứ vào chính sách pháp luật và tình hình thực tế địa phương. Việc tham mưu thu hồi không đền bù là do lúc đó huyện chủ trương giao lại cho chủ đầm chứ không có ý định thu hồi để giao đất cho người khác. Vì nếu thu hồi rồi giao lại cho chính họ mà còn tính toán đền bù thì rất phức tạp”.
Lý giải việc giao đất với thời hạn dài, ngắn khác nhau (5, 10, 14 năm) cho các chủ đầm, ông Trãi cho rằng là do huyện đã tính toán đến từng vị trí được giao, để sao cho các chủ đầm đã đủ thời gian để thu hồi được vốn. Ngoài ra, huyện còn tính đến chuyện, thời hạn giao đất còn để các chủ đầm có mục đích phấn đấu, làm giàu cho bản thân, quê hương và giữ được đê biển, phát triển được quỹ đất cho địa phương.
Khi mới triển khai, huyện còn lo không ai chịu ra làm vì những chỗ dễ như cửa sông, ven sông người ta làm hết rồi. Phần còn lại là những bãi ven biển, giáp đê chắn sóng (như khu Cống Rộc chỗ ông Vươn) thì không ai muốn ra làm. Khi ông Vươn xung phong ra đó, chấp nhận các điều kiện của huyện là quý rồi. Lúc đó, ông Vươn vất vả lắm. Ban đầu huyện giao cho ông Vươn 20,5ha, nhưng mà ông Vươn quai ra cái rừng chắn sóng bên ngoài mấy hécta. “Lúc đó chúng tôi phải xuống bảo ông ấy phải trồng đền lại cho huyện. Huyện còn cấp giống cho ông ấy trồng lại và ông Vươn đã trồng đền rừng chắn sóng ở bên ngoài khu đầm như bây giờ” – ông Trãi nói.

Đúng, sai đều phải công khai

Liên quan đến vụ việc cưỡng chế, thu hồi đất của hộ ông Đoàn Văn Vươn, trong cuộc họp báo thường kỳ chiều 4.2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết: Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho UBND TP.Hải Phòng làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân về việc giao đất, tổ chức sử dụng đất, thu hồi và cưỡng chế đất. Mới đây, Văn phòng Chính phủ tiếp tục truyền đạt ý kiến của Thủ tướng, giao các bộ, ngành liên quan nắm chắc thông tin để tuần tới Thủ tướng sẽ chủ trì cuộc họp nghe các ý kiến, báo cáo. Tinh thần chung là mọi việc phải xử lý theo pháp luật, cá nhân nào đúng, sai đều phải công khai, minh bạch, sai đến đâu thì xử lý đến đó.
Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, UBND TP.Hải Phòng đã có báo cáo sơ bộ nhưng chưa đạt yêu cầu, chưa chi tiết, cụ thể, nên Thủ tướng yêu cầu Hải Phòng tiếp tục báo cáo làm rõ. Thủ tướng cũng yêu cầu Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng họp, làm rõ ba nội dung: Giao đất, thu hồi đất đúng ở điểm nào, sai điểm nào, trách nhiệm thuộc cơ quan, cá nhân nào; việc tổ chức cưỡng chế có đúng quy định của pháp luật không, nếu không đúng thì sai ở đâu, tổ chức nào, cá nhân nào chịu trách nhiệm; ai có chủ trương phá hủy tài sản của công dân như ao cá, nhà…, có hay không có chủ trương này, của cấp nào? Các bộ, ngành cũng phải có ý kiến rõ ràng về vấn đề này.
Liên quan tới việc cung cấp thông tin, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết trong cuộc họp tới đây do Thủ tướng chủ trì sẽ xem xét cả trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan liên quan đã kịp thời chưa, có bảo đảm công khai, minh bạch không. T.S

Hoàng Hoan

* Chiều 4.2, khi làm việc với chủ tịch UBND TP.Hải Phòng Dương Anh Điền tại trụ sở UBND TP, đại diện Liên chi hội nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng đã kiến nghị UBND TP.Hải Phòng 5 vấn đề gồm: UBND TP yêu cầu UBND huyện Tiên Lãng thu lại toàn bộ thông báo dừng đầu tư và quyết định thu hồi đất của toàn bộ hộ dân nuôi trồng thủy sản mà huyện Tiên Lãng đã ban hành; chỉ đạo thu hồi toàn bộ hai quyết định cưỡng chế áp dụng đối với ông Đoàn Văn Vươn và ông Vũ Văn Luân; sớm giao lại đất để bà con ổn định sản xuất; bồi thường toàn bộ thiệt hại cho gia đình ông Vươn do huyện Tiên Lãng đã gây ra từ việc cưỡng chế; truy tố những người gây ra việc chiếm đoạt và hủy hoại tài sản công dân đối với gia đình ông Vươn.

* Chiều 5.2, trong lúc nhóm PV đang thu thập thông tin tại nhà ông Nguyễn Minh Võ ở thôn Chùa Trên, xã Vinh Quang thì ông Nguyễn Ngọc Diễn – trưởng thôn Chùa Trên đã vào tận nhà ông Võ gây sự, gí sát máy điện thoại vào mặt phóng viên báo Lao Động, rồi chửi bới, đe dọa sẽ dùng “luật rừng” với phóng viên. Nhờ có công an xã đến giúp đỡ, nhóm phóng viên mới thoát khỏi ông Diễn về nhà văn hóa thôn. Sau một số cuộc điện thoại cầu cứu đến lãnh đạo TP.Hải Phòng, lực lượng công an huyện đã có mặt giải cứu, đưa nhóm phóng viên rời được khỏi khu vực sau hơn một giờ bị giữ. H.H

Không có nhận xét nào: