Tại một cuộc họp báo thường lệ hôm nay, phát ngôn viên Hồng Lỗi cho biết chi tiết các cuộc đối thoại mà Ngoại trưởng Dương Khiết Trì của Trung Quốc đã tiến hành trong mấy ngày vừa qua với người đứng đầu Liên đoàn Ả Rập, cũng như các đối tác phía Ai Cập, Ả Rập Xê-út và Algeria.

Ông Hồng nói Syria là đề tài thảo luận chính.


Ông Hồng cho biết ngoại trưởng Trung Quốc đã hối thúc cộng đồng quốc tế tạo dựng các điều kiện thuận lợi để cung cấp viện trợ nhân đạo cho Syria.

Ông Hồng nói thêm rằng Bắc Kinh coi trọng vai trò của Liên đoàn Ả Rập trong việc giải quyết vụ khủng hoảng ở Syria và theo nguyên văn lời ông, “sẵn sàng hợp tác với các nước Ả Rập” để thúc đẩy một giải pháp hòa bình cho vụ khủng hoảng càng sớm càng hay.

Người phát ngôn Trung Quốc nói Trung Quốc hết sức lo ngại về tình hình bạo động leo thang ở Syria. Ông đã dành những lời lẽ mạnh bạo và trực tiếp cho chính phủ Syria, mà nhiều người trong cộng đồng quốc tế quy lỗi cho là đã sát hại chính nhân dân mình.

Ông Hồng nói chính phủ Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên ở Syria ngưng bạo động, và nêu riêng chính phủ Syria một cách cụ thể. Ông nói thêm rằng Bắc Kinh đề nghị chính phủ Syria hãy chú ý đến điều ông mô tả là “những lời kêu gọi hợp lý của nhân dân Syria đòi cải cách.”

Các nhận định của Trung Quốc được đưa ra vào lúc các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đang phác thảo một nghị quyết về Syria tập trung vào việc đi tìm một kết thúc cho cuộc giao tranh để viện trợ nhân đạo có thể đưa tới các thị trấn bị vây hãm.

Trung Quốc và Nga đã phủ quyết một nghị quyết ngày 4 tháng 2, hậu thuẫn một đề xuất của Liên đoàn Ả Rập đòi Tổng thống Syria rời chức.

Vào lúc đó, người đứng đầu Liên đoàn Ả Rập Nabil Elaraby nói Nga và Trung Quốc đã mất uy tín ngoại giao trong thế giới Ả Rập vì các hành động phủ quyết của họ. Trung Quốc bênh vực quyết định và nói rằng quyết định đó nhằm tránh xảy ra thêm thương vong ở Syria, mặc dù số tử vong tiếp tục ở đó tiếp tục tăng cao.

Người phát ngôn Trung Quốc hôm nay không cho biết liệu chính phủ của ông có ủng hộ bất cứ nghị quyết nào của Liên Hiệp Quốc mới hay không, mà chỉ nói rằng bất cứ hành động nào mà tổ chức thế giới này thực hiện đều phải tuân thủ hiến chương của tổ chức.