Pages

Thứ Ba, 28 tháng 2, 2012

Sự khủng hoảng chính khách nhìn từ Hải Phòng

Lê Mai

Sự kiện Tiên Lãng đột ngột xẩy ra và cách thức xử lý vụ việc đó của chính quyền Hải Phòng mà đỉnh cao là cuộc nói chuyện của Bí thư Thành ủy tại Câu lạc bộ Bạch Đằng khiến người ta không thể không đặt một câu hỏi lớn: Phải chăng nhìn từ Hải Phòng, sự khủng hoảng chính khách VN đã tiến đến ngưỡng cửa nguy hiểm? Lời nói và việc làm của Bí thư Thành ủy một lần nữa cho thấy rõ – như chúng ta thường nói (hơi sáo rỗng!) cái “tâm” và “cái tầm” của ông ta.
Hiển nhiên, Bí thư Thành ủy là chính khách số 1 của Hải Phòng, là người lãnh đạo và chịu trách nhiệm toàn bộ mọi mặt công tác của thảnh phố. Chúng ta lưu ý hai lần phát biểu của “chính khách số 1” này. Lần thứ nhất, trả lời phỏng vấn trên VTV1, có chi tiết ít ai để ý, ông ta gọi cái nhà ông Vươn là “nhà chòi”, trước đó – “cái chòi” theo ngôn từ của “chính khách” Đỗ Hữu Ca. Từ “nhà” thành “chòi” rồi trở thành “nhà chòi” là những sáng tạo ngôn ngữ đặc sắc của các “chính khách” Hải Phòng. Lần thứ hai, lại một sáng tạo đặc sắc nữa của ông ta trong cuộc nói chuyện tại Câu lạc bộ Bạch Đằng – cái gọi là “mạng gu-gờ chấm Tiên Lãng” !?. Cùng với phát biểu hùng hồn của những “chính khách” cấp thấp hơn, bức tranh “chính khách” Hải Phòng hiện lên trước mắt chúng ta với tất cả sự “thảm hại” của nó! Tất nhiên, sự việc và sự quan sát của chúng ta không chỉ giới hạn ở những “chính khách” Hải Phòng.

Điều đáng ngạc nhiên là những chính khách cấp cao khác của VN cũng hoàn toàn im lặng trước sự kiện động trời như vậy, ngoại trừ các chính khách đã nghỉ hưu. Tất cả chúng ta đều chờ đợi nhưng không thấy Tổng bí thư có ý kiến gì về vụ việc, cũng không thấy ý kiến của Chủ tịch nước hay Chủ tịch Quốc hội, còn kết luận của Thủ tướng là kết quả của cuộc làm việc tập thể với rất nhiều cơ quan, sau hơn một tháng xẩy ra sự việc. Ở đây, dường như lối làm việc tập thể đã tạo nên một dấu ấn mờ nhạt trong vai trò của chính khách VN.
Lý giải hiện tượng này như thế nào? Không gì thuyết phục hơn khi ngay từ năm 2003, ông Đặng Quốc Bảo, một cựu tướng lĩnh, một nhà nghiên cứu uyên bác của VN đã nhận định:
“Một hệ quả mà chúng ta cần lưu ý là trình độ trí tuệ của xã hội tăng lên rất nhiều so với trước. Ngược lại thì chính khách xuống cấp. Trong xã hội chúng ta có bao nhiêu tư duy mới, bao nhiêu ý kiến mới. Nhưng chúng ta phải thừa nhận rằng các chính khách của chúng ta, đặc biệt là chính khách chiến lược, không phải là họ kém, thiếu lương tâm, nhưng mà do họ đã tự điều chỉnh quá nhiều để thích ứng với tình hình đến mức vai trò cá nhân của họ cứ mờ nhạt ra đi và phải tròn trĩnh đi. Như vậy là đội ngũ chính khách mà chúng ta đào tạo ấy nếu so với lịch sử thì cứ ngày càng thấp xuống”.
Lịch sử VN không thiếu những chính khách tầm cỡ mà chúng ta ngưỡng mộ: Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Lê Duẩn, Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Xuân Thủy, Nguyễn Văn Linh…
Chúng ta hãy xem Hồ Chí Minh vừa hút thuốc vừa trả lời phỏng vấn một nhà báo Pháp bằng thứ tiếng Pháp hoàn hảo, phong thái thật ung dung, tự tại. “Hiện có một vài tư tưởng cho rằng miền Bắc VN đang ở trong hoàn cảnh khá cô lập và trên quan điểm chính trị, khó có thể tránh khỏi sự lệ thuộc vào TQ. Chúng ta có thể trả lời câu hỏi này ra sao? Không bao giờ !”. Hồ Chí Minh, nhà chính khách số 1 VN, ‘tên Người là cả một niềm thơ”.
Chúng ta không nói đến những chính khách VN tuyên bố “VN và Cu Ba thay nhau canh giữ hòa bình thế giới”, “Thánh Gióng về trời vui thú điền viên”, “cắt chức hết bầu không kịp, lấy ai làm việc”, “ba năm qua tôi không kỷ luật ai, tôi cũng học theo đồng chí Phạm Văn Đồng”…
Ôi chao, ước gì ta có thể “học theo đồng chí Phạm Văn Đồng”. Thế giới ca ngợi, Phạm Văn Đồng cất tiếng nói là thành văn. Trong nhiều cuộc hội nghị quốc tế, khi đang nghe đối phương hoặc đối tác nói, ông viết liền tại chỗ những câu đáp lại, viết thẳng bằng ngoại ngữ để chuyển cho phiên dịch đọc, sau đó mới trả lời bằng tiềng Việt. Những bài phát biểu nảy lửa của ông tại cuộc đàm phán Phôngtennơblô làm người Pháp phải nể phục. Những bài viết của ông đầy tính văn học, lời hay, ý đẹp. “Bài ca Tây Bắc”, “Nguyễn Trãi”, “Nguyễn Đình Chiểu” là những áng văn kiệt xuất. Chuyện kể lại, một trận đánh ở biên giới phía Bắc với TQ, phía VN bị tổn thất khá nặng. Trong cuộc họp sau đó, Phạm Văn Đồng với thái độ rất nghiêm khắc, yêu cầu phải có người chịu trách nhiệm. Mặc dù không trực tiếp chỉ huy trận đánh, Lê Trọng Tấn đã đứng dậy trả lời: Thưa anh, tôi chịu trách nhiệm, vì tôi là Tổng tham mưu trưởng !
Đến đây, tôi lại nhớ nhận xét của ông Đặng Quốc Bảo: “hiện nay VN chưa có nhân vật nào chọi được với TQ”.
Trước mắt tôi là cuốn Thủy hử, tả 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc, do sống trong chế độ cai trị hà khắc mà nổi dậy khởi nghĩa. Nhưng mở đầu sách lại tả Cao Cầu, là một tên lông bông mất dạy, chơi bời lưu manh, chỉ biết đá cầu, thổi sáo múa bộ, còn nói đến Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, hạnh trung lương thì tuyệt nhiên không hiểu chút gì. Ấy thế mà nhờ nịnh hót, thời thế đổi thay, mới hơn nửa năm thôi, đã lên đến chức Điện súy Thái úy. Tác giả Thủy hử không tả ngay 108 anh hùng trước, mà tả Cao Cầu trước, ấy là muốn nói mối loạn sinh ra vốn từ người trên vậy ! Thật là chí lý !
Chúng ta tin rằng, lịch sử rồi đây sẽ ghi lại sự kiện Tiên Lãng với những “chính khách Hải Phòng” bằng những hàng chữ nét đậm.
Nguồn: Blog Lê Mai

Không có nhận xét nào: