Pages

Thứ Tư, 29 tháng 2, 2012

Nhà Nước và Tôn Giáo

Chính phủ VN đang nhìn thế nào về tôn giáo? Đảng CSVN đang cho rằng chiến dịch ‘diễn biến hòa bình’ đang lợi dụng tôn giáo để làm một trong các mũi xung kích nhằm lật đổ nhà nước CSVN.
Với quan điểm như thế, chúng ta dễ dàng hiểu được vì sao có hệ thống Ban Tôn Giáo, vì sao một Tướng Công An nhận chức vụ Thứ Trưởng Bộ Nội Vụ kiêm Trưởng Ban Tôn Giáo Chính Phủ. Chúng ta không rõ điểm nhìn này xuất phát từ quá khứ lịch sử của VN hay thế giới, hay là xuất phát từ hiện thực đương hữu. Nhưng điểm nhìn này đã giúp hiểu được các chuyện đã xảy ra ở Tu Viện Bát Nhã (ở Lâm Đồng, thuộc hệ thống Dòng Thiền Làng Mai ở Paris), Ân Đàn Đại Đạo (một giáo phái mới ở Phú Yên), và nhiều diễn biến căng thẳng với Tin Lành Tây Nguyên và Mường Nhé.
Đảng Cộng sản Việt Nam đang triệu tập ba ngày hội nghị để «triển khai nghị quyết Trung ương 4» về «những vấn đề cấp bách trong việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng». Các bản tin cho biết, hơn 1000 đại biểu tham dự hội nghị do tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì bắt đầu vào hôm 27/02/2012.

Ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đọc bài diễn văn, trong đó có đoạn nói về diễn biến hòa bình, trích:
“…”Diễn biến hoà bình” là một chiến lược nằm trong hệ thống chiến lược phản cách mạng của chủ nghĩa đế quốc, là “thủ đoạn hoà bình để giành thắng lợi”. Nhiều chuyên gia và chính khách phương Tây còn gọi đây là phương pháp “chuyển hoá hoà bình”, “biến đổi hoà bình”, “cách mạng hoà bình” và gần đây là “cách mạng nhung”, “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố”… Trong chiến lược này, hoạt động tư tưởng – văn hoá được họ coi là “mũi đột phá”, là “cây cầu dẫn vào trận địa”, là lĩnh vực hàng đầu làm tan rã niềm tin, gây hỗn loạn về lý luận và tư tưởng, tạo ra khoảng trống để dần dần đưa hệ tư tưởng tư sản vào, rồi cuối cùng xoá bỏ hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Chính các nhà tư tưởng của chủ nghĩa đế quốc đã tổng kết: “Có những việc 100 máy bay chiến đấu không thực hiện nổi, nhưng chỉ cần 10 sứ giả lại có thể hoàn thành”; “một đài phát thanh cũng có thể bình định xong một đất nước”. Ngày nay “làn sóng điện đang thay thế thanh gươm; cây bút là phương tiện đi vào trái tim khối óc con người”; “một đô la chi cho tuyên truyền có tác dụng ngang với 5 đô la chi cho quốc phòng”; “kích động vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo là bốn đòn đột phá khẩu, bốn mũi xung kích để chọc thủng mặt trận tư tưởng chính trị”…” (hết trích)
Một ngày sau khi ông Nguyễn Phú Trọng đọc diễn văn trên, là một hội nghị về quản lý tôn giáo.
Bản tin báo Nhân Dân hôm Thứ Ba 28-2-2012, với bản tin nhan đề “Triển khai tốt công tác quản lý nhà nước về tôn giáo” đã viết, trích:
“Sáng 28-2, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ, Ban Tôn giáo Chính phủ tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2011 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2012 của ngành quản lý nhà nước về tôn giáo, với sự tham gia của các cán bộ làm công tác tôn giáo trong cả nước.
Đến dự, có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính Phủ; các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Nguyễn Thái Bình, Bộ trưởng Nội vụ; Tô Lâm, Thứ trưởng Công an; cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể T.Ư.
Báo cáo công tác năm 2011 và kế hoạch công tác năm 2012 do đồng chí Phạm Huy Thơ, Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ trình bày, nêu rõ: Năm 2011, trên cả nước diễn ra nhiều hoạt động tôn giáo lớn và sôi động hơn năm 2010. Cùng với việc tập trung xây dựng, cải tạo cơ sở thờ tự, hoạt động xã hội từ thiện được nhiều tổ chức tôn giáo quan tâm. Đại đa số chức sắc, tín đồ tin tưởng, phấn khởi trước những thành tựu đổi mới của đất nước, chăm lo việc đạo, tích cực tham gia phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; hoạt động tôn giáo cơ bản tuân thủ pháp luật. Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập, hạn chế, như việc khiếu kiện, khiếu nại về cơ sở thờ tự, đất đai có liên quan đến tôn giáo vẫn diễn biến phức tạp; một số hệ phái Tin lành chưa được Nhà nước cấp phép vẫn tiếp tục tổ chức truyền giáo trái pháp luật; một số nhóm, tín đồ tôn giáo có thái độ cực đoan, có hành vi xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; hoạt động mê tín, dị đoan có xu hướng tăng lên ở một số cơ sở tôn giáo…
…Tại Hội nghị, Bộ Nội vụ công bố Quyết định điều động, bổ nhiệm cán bộ của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, đồng chí Trung tướng Phạm Dũng (Bộ Công an) được điều động, bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Nội vụ kiêm Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ.” (hết trích)
Hãy hình dung về một hội nghị diễn ra ở thủ đô Hoa Kỳ, Washington DC, trong đó có Bộ Trưởng Nội Vụ, Giám Đốc FBI, cùng các viên chức cảnh sát ở các tiểu bang họp về quản lý tôn giáo. Chuyện không thể xảy ra ở Mỹ, nhưng đang diễn ra ở VN. Bởi vậy, chúng ta sẽ không bao giờ hiểu được hoàn cảnh tôn giáó trong nước, nếu chỉ hời hợt nhìn VN từ ngoài nước.
Nói như thế, không có nghĩa là nói rằng các hoạt động tôn giáo tại VN không bị lợi dụng cho mục tiêu chính trị. Chuyện này ở đâu cũng có. Ngay cả các giáo sĩ và sinh viên Hồi Giáo cũng bị FBI theo dõi, nhưng thực tế không phảỉ vì hoạt động tôn giáo, mà vì liên hệ các hành vi chuyển tiền giúp Al-Qaeda hay liên lạc với các nhóm Hồi Giáo cực đoan ở các vùng khác trên thế giới: hoàn toàn không phải vì những gì họ viết ra với mục tiêu truyền giáo.
Bản tin ngày 28-2-2012 của VietnamNet ghi theo thông tấn TTXVN, có nhan đề “Phó Thủ tướng: Không để xảy ra ‘điểm nóng’ về tôn giáo” đã cho thêm một số chi tiết:
“…Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố, tính đến năm 2009 đã có 604 xứ, họ đạo Công giáo, chi hội Tin Lành, chùa của đạo Phật, họ đạo của đạo Cao Đài được lập mới hoặc khôi phục lại; gần 6.600 cơ sở tôn giáo được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; một số chi hội tin lành ở các tỉnh Tây Nguyên, cơ sở đạo của Công giáo đã được xem xét giao đất xây dựng nhà thờ, mở rộng cơ sở để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của tín đồ…
Không điểm nóng, tránh bị động
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý năm 2012, công tác tôn giáo có nhiều biến động phức tạp, dân tộc, tôn giáo là vấn đề mà các thế lực thù địch phản động tiếp tục lợi dụng để chống phá nhà nước, do vậy cần chủ động nắm bắt tình hình thực tế, có những đánh giá khách quan, làm rõ hơn nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế để có những bài học tốt, những mô hình mới.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu toàn ngành tiếp tục thực hiện chủ trương của Chính phủ về nhà đất liên quan đến công tác tôn giáo, giải quyết tốt, không để xảy ra các điểm nóng về vấn đề tôn giáo, đẩy mạnh thanh tra các vụ việc có liên quan đến đất đai tôn giáo, phối hợp với các địa phương thực hiện việc cấp nhà đất cho các tổ chức tôn giáo.” (hết trích)
Tuần này, cũng là những buổi họp giữa pháí đoàn Vatican và các viên chức chính phủ VN, chắc chắn bên cạnh chủ đề bang giao cũng sẽ có thảo luận về tài sản nhà đất, một yếu tố đã khởi lên nhiều cuộc biểu tình cầu nguyện mấy năm qua tại Tổng Giáo Phận Hà Nội.
Vấn đề là, cán bộ quản lý tôn giáo VN lấy tiêu chuẩn nào để xét đoán rằng có đơn vị tôn giáo nào đang bị lợi dụng cho mục tiêu chính trị?
Bởi vì khi xét đoán nhầm lẫn, là những tai hại oan uổng. Thí dụ, một số hoạt động Phật Giáo Hòa Hảo ở Miền Tây từ những dân quê nhiều niềm tin, và sinh hoạt thiền phái Làng Mai đã bị chính phủ kỳ thị oan uổng – trong khi lẽ ra họ đã và đang làm giàu thêm cho nền văn hóa đa dạng của VN.

Không có nhận xét nào: