Pages

Thứ Tư, 8 tháng 2, 2012

Chuyện Ông Tư Hảo & Ông Đoàn Văn Vươn

Tưởng Năng Tiến

Lời thưa đầu: Bốn năm trước, vào tháng 6 năm 2008, nhà văn Võ Đắc Danh đã ghi lại chi tiết về nạn cưỡng chế và thu hồi đất đai ở miền Nam qua một thiên bút ký rất xúc động – tựa là Trên Đồng Bưng Sáu Xã. Tiếng kêu cứu của ông thay cho thân phận của những người dân bị oan khuất ông không hề được lưu tâm, và chìm dần vào quên lãng. Chúng tôi xin trích dẫn dưới đây đoạn viết về ông Tư Hảo, một trong hàng triệu ông nông đang sống dở và chết dở trong uất nghẹn. Qua nhân vật này chúng ta có thể thấy được vụ án Đoàn Văn Vươn vừa qua, tại Tiên Lãng Hải Phòng, là chuyện .. .phải đến đã đến, thế thôi. Tựa bài do chúng tôi đặt lại.
Trân trọng
***************
Ông Tư Hảo có một dáng đi lầm lũi, âm thầm như một người tuyệt vọng. Chiều hôm ấy, khi rời khỏi nhà ông, nắng đã tắt dần, xe chạy rất xa nhưng tôi ngoảnh lại vẫn còn thấy ông đứng lặng người như trời trồng trước sân nhà. Ông đang nghĩ gì ? Nghĩ về vợ ông và đứa con trai đang bị giam trong khám Chí Hòa ? Hay đang nghĩ về cái quyết định cưỡng chế khu đất dưới chân ông ? Nghĩ về một phương án đấu tranh để cứu lấy vợ con, cứu lấy đất đai, cứu lấy sự sống cho cả gia đình ?

Cũng có thể là tất cả, tất cả những suy nghĩ, những bế tắc đang dồn nén ông trở thành điên loạn. Liệu ông có thể nhập viện tâm thần như anh Tạo chăng ?
Hôm anh Tạo dựng lại túp lều trên nền nhà vừa bị chính quyền cho xe ủi thành bình địa, ông Hảo còn mang đến cho anh chiếc ghế bố. Rồi khi anh Tạo lên cơn điên, bị đưa đi nhập viện tâm thần, ông lặng người nhìn theo mà rưng rưng nước mắt. Lẽ nào bây giờ lại đến lượt ông ?
Ông Tư Hảo. Ảnh: Võ Đắc Danh
Tôi nhìn ông đứng đó như trời trồng mà hoang mang lo sợ, có một chút ân hận vì mình đã nghĩ xấu về ông. Hôm ấy, lần đầu tiên tôi gặp ông trong quán cà phê Guitar, người phụ nữ ngồi cạnh ông cho tôi biết: “Đây, xin giới thiệu với nhà báo, ông nầy là đặc công rừng sác, danh hiệu bốn mươi năm tuổi Đảng, nhưng vợ con vừa bị bắt giam, nhà cửa đất đai sắp bị cưỡng chế”.
Tôi vừa mở cặp lấy sổ tay ra thì ông vội bỏ đi. Tôi năn nỉ ông ngồi lại, những người khác cũng năn nỉ ông ngồi lại, nhưng ông cương quyết bỏ đi, cái dáng đi lầm lũi, âm thầm như một người tuyệt vọng. Mấy người phụ nữ trong quán nói dỏi theo một cách chua cay rằng ông nhu nhược, thà để vợ con ngồi tù, thà để nhà cửa, đất đai bị cưỡng chế chớ không dám đấu tranh, sợ bị khai trừ ra khỏi Đảng. Hôm sau tôi gọi điện xin gặp ông, ông từ chối: “Thanh tra Chính phủ còn không can thiệp được, báo chí các anh thì làm được gì ?” Rồi ông cúp máy.
Những ngày sau, tôi tiếp tục lần mò lên quận 9, cuối cùng thì tôi cũng tiếp cận được ông. Thật ra, không phải ông im lặng vì sợ mất cái danh hiệu bốn mươi năm tuổi Đảng như bà con láng giềng đã nghĩ. Ông đang tuyệt vọng, ông đang bị mất lòng tin, ông đang bị tổn thương, cái vết thương đau đớn gấp ngàn lần so với những vết thương trên cơ thể ông thời chiến tranh bom đạn.
Sau khi nghe câu chuyện về cuộc đời ông, tôi chợt nghĩ rằng, trong hơn ba ngàn nạn nhân bị mất đất ở khu công nghệ cao nầy, có lẽ ông Tư Hảo là người bị đối xử tàn tệ nhất, cạn tàu ráo máng nhất so với sự cống hiến, sự hy sinh của một đời người, một gia đình ba đời mang áo lính.
Ông Đoàn Văn Vươn. Ảnh: chimbaobao.wordpress.com
Ông ngậm ngùi nhớ lại, năm 1966, tại Hải Phòng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến tiễn đưa đoàn chiến sĩ đặc công của ông vào Nam. Một chai kem đánh răng, một cây bàn chải, một chiếc khăn lau mặt, những lời căn dặn mộc mạc, ân cần mà thiêng liêng vô bờ bến. Cha ông, một cựu chiến binh, một cựu tù binh đầy khí phách đã nói với ông, ngắn gọn mà nghiêm khắc: “Không được hàng giặc dù bất cứ hoàn cảnh nào”.
Đặc công rừng sác anh hùng! Tám mươi phần trăm nằm lại chiến trường, ông Tư Hảo trở về với hàng chục vết thương, hàng chục Huân chương, Huy chương, bằng khen, giấy khen của một thời vào sinh ra tử. Ông thấy mình may mắn hơn, hạnh phúc hơn nhiều bạn bè, đồng đội. Có những người giành lấy cái chết thay ông. Đó cũng chính là món nợ máu xương mà ông phải trả bằng nỗi nhớ suốt đời, không thể nào quên.
Ông ra quân, cưới một cô giáo cùng quê. Năm ấy – năm 1977 – ông về Hải Phòng bán ngôi nhà tổ được hai cây vàng, mang vào Sài Gòn mua một căn nhà chật hẹp ở Tân Bình. Những đứa con chào đời trong cảnh ăn bo bo thay cơm. Là dân đặc công rừng sác, không quen sống giữa phố phường chật hẹp, ông bán nhà, dời qua một khu phố cặp bờ sông Sài Gòn để được lặn hụp, mò cua bắt cá, phụ với đồng lương của vợ để nuôi con. Khi được tin ngôi nhà của ông nằm trong khu vực giải toả để xây dựng cầu Thủ Thiêm, ông lùi ra ngoại thành, vừa có đất rộng, vừa gần gũi với cá tôm.
Đồng đội cũ của ông có những người khá giả đã giúp ông, mỗi người cho mượn một ít để mua 1600 mét vuông đất rẫy giữa đồng, thuộc “vùng bưng sáu xã”, phường Long Thạnh Mỹ, quận 9. Tại đây, cuộc sống có lẽ thanh nhàn hơn, dễ thở hơn với một dãy chuồng heo, một ao nuôi cá, đất trồng rau.
Những đứa con lớn lên, học xong phổ thông thì ông Hảo lại cho vào quân đội, âu cũng là cái nghiệp của dòng họ, gia đình. 1600 mét vuông đất, ông tách ra 1000 mét, cắm cọc chia đều cho năm đứa con. 600 mét còn lại, ngoài ngôi nhà chung và phần đất chăn nuôi, trồng trọt, ông Hảo xây một ngôi nhà nhỏ bên cạnh để thờ 121 liệt sĩ đặc công rừng sác.
Càng về già, dường như ông càng lùi sâu vào cõi tâm linh, cả ngày lẩn đêm ông sống trong căn nhà nhỏ ấy, chăm lo nhan khói, chơi các loại đàn dân tộc một mình, nhưng ông luôn có cảm giác rằng 121 đồng đội đang ngồi quanh, thưởng thức những làn điệu của ông.
Cuộc sống thanh bần như thế tưởng sẽ an phận đến cuối đời. Nào ngờ, đất lọt vào quy hoạch khu công nghệ cao. Làng xóm náo động lên với chuyện đền bù, giải tỏa.
Không hiểu người ta tính toán bằng cách nào mà toàn bộ đất đai, nhà cửa, vườn rau, ao cá, chuồng heo của ông trị giá chỉ có 395 triệu đồng, nếu tính theo giá vàng thì chưa bằng một phần ba cái giá mà ông đã vay mượn để đổ vô đây, giờ vẫn còn mắc nợ. Còn nếu so với giá đất hiện tại thì con số ấy chỉ trên một phần mười. Người ta bảo ông lên ban đền bù giải tỏa của quận để nhận tiền và ký biên bản bàn giao đất.
Ông hỏi giao đất rồi đi đâu ? Người ta nói ở đây chỉ làm công việc chi tiền đền bù giải tỏa theo quy định của cấp trên, ông có thể lên cấp trên mà hỏi. Ông làm đơn lên quận, năm lần bảy lượt, người ta nói thì cứ giao đất đi, nếu chấp hành tốt thì sau nầy sẽ được mua một nền tái định cư và một căn hộ chung cư, nếu thích thì ở, không thích thì bán lại cũng có lời.
Ông nhẫm tính, một cái nền tái định cư một trăm mét vuông giá một trăm rưỡi triệu đồng, một căn hộ chung cư năm trăm triệu đồng, trong khi cả một cơ ngơi của ông người ta chỉ trả chừng ấy cục tiền, lấy gì để mua lại cái gọi là tái định cư ấy, rồi vợ chồng ông, rồi năm đứa con, dâu rể, cháu nội cháu ngoại, rồi hương hồn của 121 đồng đội ông, nhét vào đâu cho hết ?
Ông hình dung một cuộc sống không có con heo, con gà, con vịt, không có vườn rau ao cá thì đời ông chẳng khác con chim bị nhốt trong lồng, và, nghiệt ngã hơn thế nữa là biết lấy gì để nuôi hơn chục miệng ăn trong khi con cái ông phần đông là lính. Từ ngày vợ ông nghỉ hưu, ông phải chạy vạy ngày hai buổi đi làm gác cổng cho một nhà máy gạch ở Biên Hòa để kiếm thêm tiền thuốc tiền trà và tiền sữa cho đứa cháu nội mới sinh.
(Trích bút ký TRÊN ĐỒNG BƯNG SÁU XÃ, báo Văn Nghệ số 25, ngày 22 tháng 6 năm 2008)
Nguồn: RFA Blog’s

Không có nhận xét nào: