Pages

Thứ Ba, 7 tháng 2, 2012

“Hành xử cường quyền gây phẫn uất trong dân!”

Phải xử lý những cán bộ làm sai để lấy lại lòng tin của người dân vào chính quyền.

Ngày 6-2, Đại tướng Lê Đức Anh, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, ông Vũ Mão - nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT và luật sư Phạm Thanh Bình - Trưởng Văn phòng luật sư Hồng Hà có buổi giao lưu trực tuyến với độc giả trên báo điện tử Giáo Dục Việt Nam chung quanh vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng.
Tại buổi giao lưu, ngoài việc nhắc lại các sai phạm của huyện Tiên Lãng chung quanh các quyết định giao đất, thu hồi, cưỡng chế, các vị khách còn chỉ ra nguyên nhân và cách ứng xử chưa đúng của lãnh đạo chính quyền huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng...

Phải xử lý các sai phạm của chính quyền

Đại tướng Lê Đức Anh nói: Nếu lòng tin của nhân dân bị suy giảm thì không thể lường hết được chuyện gì xảy ra… Tôi không tin một người có chí làm ăn (ông Vươn - NV), chưa từng vi phạm pháp luật mà lại đi chống đối chính quyền. Phải đặt vấn đề: Tại sao người nông dân ấy lại làm vậy? Đất của nông dân thu hồi để làm gì? Phải rõ ràng, phải bồi thường thỏa đáng cho dân.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước và ông Vũ Mão - nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đang trao đổi tại buổi giao lưu. (Theo giaoduc.net.vn)
“Trong việc này, Thành ủy, UBND TP Hải Phòng phải có trách nhiệm xử lý, làm sai chỗ nào thì phải nhận sai ở chỗ đó, không được trả lời loanh quanh, che giấu sai phạm. Nếu Hải Phòng xử lý không kiên quyết với những cán bộ làm sai thì chính tại nơi này sẽ có thể xảy ra nhiều vấn đề bất ổn… Muốn được lòng dân thì phải xử lý nghiêm những cán bộ làm sai.”
Còn tướng Thước thì nói: Vụ Tiên Lãng không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ lợi ích hợp pháp cho ông Vươn mà còn là bài học đắt giá để giải quyết những mâu thuẫn về đất đai trên cả nước mà nguồn gốc là chính quyền nơi đó vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm gây ra. Cần xử lý kiên quyết, triệt để những sai phạm của chính quyền để lấy lại lòng tin cho người dân và làm trong sạch Đảng và chính quyền cơ sở… Tôi nghĩ rằng những người dân chân chính tại địa phương sẽ giúp chúng ta làm rõ sự việc. Ai sai phạm phải nghiêm trị để giữ vững kỷ cương, phép nước, đồng thời lấy lại lòng tin của nhân dân.
“Các nhà chức trách đã xúc phạm một cách quá nghiêm trọng cốt lõi, bản chất của chế độ “của dân, do dân và vì dân”. Người ta cảm nhận một cấp chính quyền cường quyền, vi phạm các quan điểm của Đảng, vượt quá quyền hạn, chức trách, hành xử mang tính cường hào nên gây phẫn uất trong nhân dân cả nước…”
“Tôi cũng thấy vô lý!”
Trong buổi giao lưu, nhiều độc giả hỏi: Ai phá nhà ông Vươn? Vì đến nay lãnh đạo xã Vinh Quang, lãnh đạo huyện Tiên Lãng và TP Hải Phòng đều cho rằng không biết ai phá, có lãnh đạo còn đổ cho dân vào phá.
Đại tướng Lê Đức Anh trả lời: “Bảo dân làm việc đó là không có. Dân đâu có quyền, mà dân không bao giờ làm được…”.
Phân tích về luật, GS Đặng Hùng Võ nói: Nghị định 181/2004 cho phép người dân làm nhà tạm ở những trang trại nông nghiệp để phục vụ sản xuất. Pháp luật cũng không có quy định thu hồi đất là phải phá tài sản của dân. “Tôi cũng thấy vô lý giống hệt như vậy!” - GS Võ trả lời cho thắc mắc: Chưa biết ai phá nhà của ông Vươn là điều rất vô lý.
Về việc huy động quân đội tham gia cưỡng chế, tướng Thước kể câu chuyện ông từng trải qua: Khi làm tư lệnh quân khu, ông được bí thư tỉnh ủy yêu cầu mang thiết giáp đi dẹp một vụ tranh chấp đất đai của hai chính quyền cấp xã. “Tôi đã hỏi ngay vị bí thư: Đưa quân đội ra để đánh ai? Nếu là địch thì không cần thiết giáp, chỉ 15 phút sau tôi có thể giải quyết xong nhưng đây lại là dân và dân quân… Sau đó tôi đã dàn xếp ổn thỏa vụ việc mà không dùng đến quân đội… Nếu hành xử như Tiên Lãng, chắc tôi không còn ngồi ở đây để trả lời báo chí”.
Các vị khách còn chỉ ra những khiếm khuyết trong luật đất đai cùng những kiến nghị để sửa đổi trong lần sửa luật này sắp tới: phân cấp quản lý đất đai, thời hạn giao đất. “Quy định thời hạn giao đất là 20 năm là chưa hợp lý… Những quy định về pháp luật trong Luật Đất đai không phù hợp với Hiến pháp. Đây là vấn đề quan trọng, một phần tạo nên những nguyên nhân gây bất ổn trong việc thi hành Luật Đất đai” - ông Vũ Mão nói.

Bộ Tư pháp thu thập tài liệu
(PL)- Ngày 6-2, tại cuộc gặp mặt báo chí đầu năm, lãnh đạo Bộ Tư pháp cho biết bộ này đã giao cho Vụ Pháp luật dân sự-kinh tế chủ trì việc thu thập tài liệu, nghiên cứu vụ việc xảy ra tại Tiên Lãng giúp lãnh đạo Bộ tham mưu, báo cáo Thủ tướng.
Ngày 6-2, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng đã có buổi làm việc với Vụ Pháp luật dân sự-kinh tế về sự việc này. Dự kiến ngày 7-2, lãnh đạo vụ này sẽ trực tiếp báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường.
Ngày 10-2, Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển sẽ họp với Thủ tướng Chính phủ về vụ cưỡng chế thu hồi đất của ông Đoàn Văn Vươn tại xã Quang Vinh, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng. Cuộc họp sẽ diễn ra tại Văn phòng Chính phủ.
T.NGUYỆT - H.VÂN
Tới đây, trên kết quả làm rõ vụ việc của cơ quan chức năng, đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng sẽ có ý kiến riêng. Đoàn đang xây dựng chương trình xem xét kết quả đó, đồng thời sẽ xin ý kiến Quốc hội để tổ chức giám sát.
Chúng tôi sẽ lưu ý về trường hợp văn bản huyện Tiên Lãng ban hành đã bị Sở Tư pháp TP “tuýt còi” để đề nghị TP có sự chỉ đạo sửa đổi.
Ông TRẦN NGỌC VINH,
Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng

VI TRẦN (lược ghi theo giaoduc.net.vn)

Không có nhận xét nào: