Pages

Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2012

Châu Phi cảnh giác trước quan hệ bất lợi với Trung Quốc


Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào phát biểu trong buổi khai mạc Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc – Châu Phi (FOCAC) lần thứ 5 tại Đại sảnh đường Nhân dân, Bắc Kinh ngày 19/07/2012. 
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào phát biểu trong buổi khai mạc Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc – Châu Phi (FOCAC) lần thứ 5 tại Đại sảnh đường Nhân dân, Bắc Kinh ngày 19/07/2012. REUTERS/Jason Lee
Trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và Châu Phi tăng mức kỷ lục, 89% trong vòng hai năm và với 80,5 tỉ đôla trong 5 tháng đầu năm 2012, theo số liệu của Bắc Kinh. Do nhu cầu duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức độ cao, Trung Quốc gia tăng đầu tư khai thác tài nguyên châu Phi và xuất khẩu hàng giá rẽ tràn ngập châu lục này như thị trường thuộc địa. Châu Phi đã lên tiếng cảnh giác.
Trung Quốc là một cường quốc yêu chuộng hòa bình hay một đế quốc xâm lược bằng chiến thuật tằm ăn dâu ? Vào lúc đảng Cộng sản Trung Quốc sửa soạn thay thế hệ lãnh đạo trong bối cảnh Bắc Kinh tranh giành chủ quyền biển đảo với các quốc gia láng giềng, câu hỏi này đã trở thành thời sự nóng bỏng.
Đối với các nước châu Phi, nơi mà các dự án đầu tư của Trung Quốc và trao đổi thương mại gia tăng với tỉ số chóng mặt trong 10 năm qua, chính sách « hỗ tương phát triển đôi bên cùng có lợi » đã bị lật tẩy.
Ngày 19/07/2012 năm nay nhân « Diễn đàn hợp tác Trung-Phi » tại Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã cực lực bác bỏ những lời công kích này. Ông khẳng định « nhân dân Trung Quốc và nhân dân châu Phi thiết lập mối quan hệ bình đẳng, chân thành và hữu nghị, tương trợ nhau cùng phát triển ». Theo giới phân tích, tuyên bố của lãnh đạo Bắc Kinh cũng có ít nhiều cơ sở chứ không phải chỉ tuyên truyền.
Vào năm 2007, một bản phúc trình của Nghị viện châu Âu cũng nhận định « nhìn thoáng qua, thì sự thèm khát của Trung Quốc đối với tài nguyên đã mang lại phúc lợi cho châu Phi » . Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ thì thực tế không phải như vậy. Năm 2005, trong số 45 nước châu Phi buôn bán với Trung Quốc, 14 nước được thặng dư thương mại. 31 nước bị nhập siêu và còn bị hàng giá rẻ của Trung Quốc tràn ngập, tiêu diệt ngành công nghiệp non trẻ của địa phương.
Trong quan hệ mậu dịch giữa Trung Quốc và châu Phi, hố sâu phân cách kẻ được lợi, người bị thiệt càng ngày càng sâu rộng, tạo ra một tâm lý bất bình đối với Trung Quốc. Bản báo cáo của Nghị viện châu Âu kết luận : « Đối với đa số quốc gia châu Phi, diễn văn của Trung Quốc về phát triển đã tạo ra nhiều hy vọng, nhưng không tạo điều kiện để phát triển bền vững, lâu dài ».
Vấn đề là liệu Trung Quốc có giải pháp nào khác ? Giới phân tích cho rằng không nên quên chính quyền Trung Quốc là một ban lãnh đạo độc tài, mà sự tồn vong đặt trên tỉ lệ phát triển kinh tế. Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc ngày nay lệ thuộc vào nguyên liệu và nhiên liệu nhập khẩu. Chỉ hai năm sau khi bắt đầu nhập than đá, năm ngoái 2011, Trung Quốc đã mua của Úc 183 triệu tấn. Về khí đốt, dự kiến vào năm 2020, mỗi ngày Trung Quốc phải nhập 87 tỉ mét khối. Kim loại cần thiết cho công nghiệp điện tử cũng gia tăng theo.
Le Monde Diplomatique tháng 09/2012 lưu ý độc giả bài tham luận của Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành tại Học viện Quốc tế Trung Quốc ngày 10/04/2012 về mối « lo âu số một » của chính quyền Trung Quốc hiện nay : « Nuôi sống 1,3 tỉ dân là một thử thách, là một sức ép kinh khiếp… mọi thứ khác đều là phụ thuộc ».
Nếu mục tiêu tối thượng là nuôi sống dân thì gia tăng ngân sách võ trang để làm gì ? Tuy xem nhân dân chỉ là công cụ, Bắc Kinh gián tiếp thừa nhận là họ phải bảo đảm nguồn cung cấp năng lượng và nguyên liệu để duy trì ổn định chính trị.
Đáp lại bài diễn văn của Chủ tịch Trung Quốc tại Diễn đàn hợp tác Trung-Phi vào tháng 7, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma lưu ý đối tác Bắc Kinh là không thể để tình trạng « bòn rút tài nguyên châu Phi kéo dài ».
Trung Quốc chỉ còn hai phương án : một là cải cách tận gốc cơ cấu sản xuất và kinh tế, sử dụng năng lượng sạch; hai là tiếp tục lối mòn cũ, mà hệ quả không tránh được là bước vào vết xe đổ của các nước Tây phương thời đi tìm thuộc địa.
Nền kinh tế có tỉ lệ tăng trưởng cao nhất thế giới đã tỏ dấu hiệu hụt hơi : 7,4% trong quý ba năm nay, mức thấp nhất trong 13 năm qua.
Vì sao cấu trúc kinh tế Trung Quốc có thể biến cường quốc châu Á này thành một đế quốc, dù có âm mưu hay không ?
RFI đặt câu hỏi với một chuyên gia từng làm tư vấn cho một số doanh nghiệp Trung Quốc tại châu Phi : giáo sư kinh tế Nguyễn Phúc Liên, đại học Genève, Thụy Sĩ.
Giáo sư Nguyễn Phúc Liên :« Chính phủ Trung Quốc đã thấy là về lâu dài thì kinh tế của họ đang xuống dốc do lệ thuộc vào hai lãnh vực : nguyên liệu, nhiên liệu và thị trường tiêu thụ. Trung Quốc chỉ dồn vào lãnh vực chế biến, mà lãnh vực này lại cũng cần nhiên liệu và nguyên liệu…Khi nền kinh tế bí lối thiếu nguyên vật liệu thì phải tính, mà tính ở đây là tính…làm liều, là hung hăng là hống hách…và cuối cùng sẽ bị cô lập ».

Không có nhận xét nào: