Pages

Thứ Tư, 31 tháng 10, 2012

Cựu thủ tướng TQ tái xuất



Lý Bằng và Giang Trạch Dân
Các cựu lãnh đạo Trung Quốc muốn duy trì ảnh hưởng từ hậu trường
Cựu Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng đã xuất hiện trở lại trước công chúng khi chỉ còn vài ngày nữa là đến kỳ Đại hội lần thứ 18 của Đảng Cộng sản nước này, nhật báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng ở Hong Kong đưa tin hôm thứ Ba ngày 30/10.
Theo đó, ông Lý đã trao học bổng trị giá 3 triệu nhân dân tệ cho các sinh viên nghèo ở huyện Diên An thuộc tỉnh Thiểm Tây, nơi từng là căn cứ địa cách mạng của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Về nhưng không nghỉ


Lý Bằng tái xuất chỉ vài ngày sau khi người kế nhiệm ông là cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ và đương kim phó Thủ tướng Vương Kỳ Sơn gặp gỡ hội đồng cố vấn của Khoa Kinh tế trường Đại học Thanh Hoa hồi thứ Tư tuần trước.
Theo Đài truyền hình trung ương nước này CCTV thì số tiền này được trích từ thu nhập từ những cuốn sách mà ông Lý viết trong thời gian nghỉ hưu.

Ông Chu là vị trưởng khoa sáng lập và ông Vương là ủy viên danh dự của hội đồng cố vấn. Hiện nay, phó Thủ tướng Vương Kỳ Sơn được xem là một ứng viên hàng đầu vào Thường vụ Bộ Chính trị khóa mới.
Ở Trung Quốc, các lãnh đạo sau khi về nghỉ thường hiếm khi xuất hiện trước công chúng chỉ trừ những sự kiện mang tính biểu tượng như Quốc khánh.
Tuy nhiên, trong những tháng gần đây thì cả Lý Bằng, Chu Dung Cơ và cựu Chủ tịch Giang Trang Dân đã liên tục tái xuất.
Các nhà phân tích cho rằng động thái này của các cựu lãnh đạo cho thấy họ vẫn có quyền lực đáng kể và muốn tác động vào các quyết định trước Đại hội Đảng sẽ khai mạc vào ngày 8/11 tới.
Nhật báo Hong Kong dẫn lời Giáo sư Lưu Khang chuyên về châu Á và Cận Đông ở trường Đại học Duke của Mỹ nhận xét rằng sự tái xuất của ông Lý cho thấy sự khó khăn và phức tạp của quá trình chuyển giao lãnh đạo ở Trung Quốc cũng như các quyết định về chính sách.

Đấu đá tiếp diễn?

“Sự xuất hiện của ông ấy có thể gián tiếp gửi đi một thông điệp rằng sự giằng co về các chức vụ và các chủ thuyết vẫn đang diễn ra,” ông Lưu nói.
"Sự xuất hiện này, dù vô tình hay hữu ý, ngụ ý rằng không phải tất cả các vấn đề quan trọng đều đã được chốt lại và rằng họ xuất hiện để yểm trợ cho những đồng minh của họ hay bày tỏ ủng hộ những chính sách mà họ muốn."
Trương Lý Phiên, nhà phân tích chính trị từ đại lục
“Và đây cũng là bằng chứng rằng cuộc tranh đấu hậu trường này diễn ra quyết liệt hơn là chúng ta tưởng,” ông nói thêm.
Ông Trương Lý Phiên, một nhà phân tích chính trị từ đại lục, nhận xét: “Sự xuất hiện này, dù vô tình hay hữu ý, ngụ ý rằng không phải tất cả các vấn đề quan trọng đều đã được chốt lại và rằng họ xuất hiện để yểm trợ cho những đồng minh của họ hay bày tỏ ủng hộ những chính sách mà họ muốn.”
Giáo sư Lưu cho rằng quá trình chọn lựa nhân sự cho Thường vụ Bộ chính trị, cơ quan quyết sách tối cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc, là cả một quá trình đấu đá lâu dài. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất là sự mặc cả giữ các lãnh đạo đương nhiệm và các vị tiền nhiệm mà hiện vẫn giật dây từ hậu trường.
Theo ông Trương thì hai ông Giang và Lý là hai nhà cựu lãnh đạo có ảnh hưởng nhất tại Trung Quốc. Hai người này đã được báo chí đưa tin nhiều trong thời gian gần đây và họ cũng không che giấu ý đồ muốn tác động vào các quyết định quan trọng.
Truyền thông nước ngoài thì đồn đoán rằng Lý Bằng là nhân vật chủ chốt trong việc loại bỏ Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông Uông Dương ra khỏi cơ cấu Thường vụ Bộ chính trị khóa tới.
Ngoài ra, cũng có tin đồn rằng ông Lý chống lại việc đưa Trưởng Ban tổ chức trung ương Lý Nguyên Triều, một nhân vật được Chủ tịch Hồ Cẩm Đào bảo trợ, vào cơ quan đầu não tối cao của Đảng.
Một số nhà phân tích thì cho rằng cựu Thủ tướng Lý Bằng, vốn là người mạnh mẽ ủng hộ cuộc đàn án Thiên An Môn năm 1989, dường như đang cố gắng bảo vệ các lợi ích kinh doanh của gia đình không bị ban lãnh đạo mới dòm ngó.

Không có nhận xét nào: