Thùy Linh - Mấy hôm nay nhiều người dồn sự chú ý về Hội nghị TW6. Vốn như thường lệ mọi sự là bí mật – sự bí mật liên quan đến những gì thiết thực nhất với 90 triệu người dân: tình hình kinh tế; sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước; chính sách về đất đai; đổi mới căn bản về giáo dục; phát triển khoa học-công nghệ; qui hoạch cán bộ… Nhưng vẫn là bí mật. Đành chịu
Có một thứ bàn bạc từ mấy hôm nay trên các báo: cải cách giáo dục – một lĩnh vực ai cũng có thể phát biểu vì đụng chạm đến tất cả các gia đình, từng cá nhân, đâu chỉ dành cho các chuyên gia giáo dục.
Mình nhớ kỷ niệm về thầy cô trong suốt những năm tháng học trò không liên quan gì đến bài vở. Một là cô giáo dạy văn hồi cấp 2 tên Thu. Cô vốn con nhà tư sản, khá xinh và rất duyên dáng, mắt hơi hiếng. Mình yêu mắt hiếng là do cô Thu này. Cô hay mặc quần lụa cắt loe, ôm gọn dáng người thanh mảnh, gọi là phá cách so với các giáo viên thủa ấy. Đồ cô mặc không bao giờ đắt tiền nhưng luôn làm cô sang trọng trong mắt học trò. Mình thích cách ăn mặc của cô và hay lấy đó làm mẫu mực để nhìn, đánh giá người khác. Sự sang trọng này thành cái uy khiến giờ học của cô thường im bặt những tiếng nói chuyện của đám học trò nhiều lời, tinh nghịch. Mỗi khi học trò ồn ào, cô không quat mắng, chỉ dừng lại nhìn xa xa…Sự im lặng của cô kéo theo sự im lặng của học trò. Khi học trò đã im bặt, cô cười, cám ơn và dạy tiếp, không la mắng, không chê bai, không phê bình. Cô Thu dạy văn hay nổi tiếng. Nhưng có lẽ vẫn chỉ là như vậy nếu không có một buổi…
Từ ngoài hành lang cô đi vào, vừa đi vừa đọc mấy câu thơ của Tố Hữu: “Khao khát trăm năm mãi đợi chờ/ Hôm nay vui đến ngỡ trong mơ/ Một trời êm ả xanh không tưởng/ Mặt đất bình yên giấc trẻ thơ”. Đọc đến đó cô dừng lại nhìn học trò đang đứng lên chào, đôi mắt hiếng long lanh lệ, miệng cười rất tươi. Và cô thông báo Hiệp định Pari đã kí kết. Chiến tranh sắp chấm dứt….Cả lớp òa vỡ…Bài giảng văn hôm đó như bữa tiệc mừng hòa bình đến sớm. Mình vẫn nhớ nụ cười của cô, giọng nói của cô buổi học hôm đó. Và để sau này khó thấy ai dạy văn hay hơn cô.
Lên cấp 3 chủ nhiệm cả ba năm là một thày dạy toán tên Thịnh. Thầy cũng con nhà tư sản Hà Nội, nhỏ nhắn, nói năng nhỏ nhẹ, biết chơi đàn piano. Hồi đó lũ con gái tập múa hay được thầy đệm piano cho. Thích mê ly dáng thầy ngồi tư lự bên cây đàn kê ở nhà Bát giác ở trường Chu Văn An. Mình rất thích các buổi sinh hoạt cuối tuần. Ở các lớp khác kiểm điểm, giáo dục, lên lớp rất nặng nề thì thầy Thịnh hay kể chuyện cho học trò nghe. Đủ hết, từ văn học, lịch sử, văn hóa…Có khi chỉ là sự chia sẻ của thầy về một chuyện gì đó như lời tâm sự qua cái giọng rủ rì rủ rì, nhẹ nhõm. Lớp mình học hầu như là tự quản, ít khi thầy can thiệp vào công việc của học trò nếu chưa cần đến vai trò của thầy. Học trò gái khối cô âm thầm mê thầy dù thầy có vợ con. Mê như mê thần tượng vậy thôi…Nhưng có một chuyện khiến mình thay đổi hẳn cách nghĩ về thầy, vốn cho rằng thầy hiền lành, củ mỉ cù mì. Một bữa, tụi con trai đi đá bóng ở sân trường Chu Văn An. Quần áo tụi nó cởi ra và vun đống để cuối sân bóng. Mọi bữa tụi con gái hay đi theo trông hộ nhưng bữa đó tụi con trai ăn mảnh đi một mình. Mấy đứa du côn ngoài phố lượn vào sân bóng, đến bên đống quần áo trấn dép, quần áo tốt của tụi con trai. Tất cả đám con trai bất lực đứng nhìn…Kể cho nhau nghe và hai bên trai-gái thống nhất là giấu nhẹm vụ này. Nhưng không hiểu sao thầy Thịnh biết chuyện. Giờ sinh hoạt lớp thầy gợi hỏi. Đành lần lượt thú nhận sự tình. Lần đầu tiên mình thấy thầy nổi giận thực sự. Thầy nổi cáu nói với đám con trai: tôi không khuyến khích các em đánh nhau, nhưng trong trường hợp này thì các em tỏ ra hèn nhát, đến tôi không hiểu nổi. Các em đông hơn tụi nó, vậy mà chịu để tụi nó ngang nhiên lây đồ và bỏ đi mà không có mảy may phản ứng. Hành động đó của các em không đáng được khuyến khích và tôn trọng. Tụi con trai xấu hổ lặng ngắt…
Sau khi mình ra trường mấy năm thì thầy mất sau một trận cảm. Cả lớp thương nhớ thầy rất lâu. Đến giờ vẫn nhắc đến thầy mỗi khi tụ họp.
Chính cô Thu, thầy Thịnh cho mình hiểu, dù là mãi sau này rằng, con người đi học không chỉ là thu nạp tri thức vì nếu chỉ có tri thức, dù là uyên thâm mấy, cũng không giải quyết được vấn đề của nhân sinh. Ví như lòng yêu thương thì đâu phải có tri thức là giải quyết được.
Mà muốn thu nạp được những cái thâm sâu hơn, bên ngoài tri thức thì phải tạo được môi trường cho nó nảy nở: đó là sự tự do. Cái đích của giáo dục chính là tạo ra những con người tự do, bản lĩnh, dám chịu trách nhiệm. Vì một người hiểu biết tự do mới có thể tràn trề một tình yêu và ý thức về bổn phận. Một người am hiểu tình yêu, bổn phận thì người đó cũng sẵn sàng ban tự do và sống có trách nhiệm với xã hội. Và tự do chính là sự tin tưởng.
Bao giờ có đây?
Thùy Linh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét