Pages

Thứ Năm, 11 tháng 10, 2012

Hội nghị APEC chỉ trích Trung quốc xây đập ở thượng nguồn sông Mê Kông


  • Thanh Thảo & Đoàn Duy thực hiện



 Thanh Thảo và Đoàn Duy xin kính chào quý thính giả của đài Chân Trời Mới, để mở đầu cho tiết mục Từ Á Sang Âu tuần này là đề tài nói đến việc hội nghị APEC được tổ chức ở Nga vào thượng tuần tháng 9 vừa qua đã lên tiếng chỉ trích việc Trung quốc xây đập ở thượng nguồn sông Mê-Kông. Kính mời quý thính giả lắng nghe qua sự qua sự trình bày của Thanh Thảo và Đoàn Duy.
Ở thế kỷ 20, nếu dầu lửa là nguyên nhân gây ra sự xung đột giữa nhiều nước thì vào thế kỷ thứ 21 này nguồn nước uống sẽ là nguyên nhân gây ra sự tranh chấp giữa một số quốc gia có chung một dòng sông. Đó là lời phát biểu của ông Ismail Seragenin (người Ai Cập, cựu Phó Giám đốc Ngân hàng Thế giới) tại hội nghị APEC được tổ chức tại Nga vào tháng 9 vừa qua.
Để bảo vệ cho lời phát biểu đó, ông Ismail đã dẫn chứng những số liệu mới nhất trong báo cáo của cơ quan Phát triển Nguồn nước uống Thế giới do Liên Hiệp Quốc sáng lập. Theo báo cáo này thì lượng nước chiếm 97,47% quả địa cầu, nhưng hầu hết là nước biển, chỉ có 2,53% là nguồn nước ngọt nhưng đa số ở dạng băng hà; với số lượng nước ít ỏi đó mà phải cung cấp cho 7 tỷ người sống trên địa cầu này sử dụng. Theo số liệu của cơ quan này thì trong 50 năm qua, số lượng nước sử dụng đã tăng gấp 3 lần so với trước đây, lý do là vì dân số trên thế giới ngày càng tăng, việc sản xuất lương thực ngày càng nhiều nên đã sử dụng nhiều nước, tính trung bình cứ mỗi 1 kg ngũ cốc phải sử dụng đến 1 tấn nước ngọt. Tăng sản xuất lương thực để đáp ứng cho việc gia tăng nhân số thì thiếu nước, mà thiếu nước thì không thể sản xuất lương thực được, đây là cái vòng lẫn quẩn rất xấu, nhưng nếu không tìm cách giải quyết rốt ráo thì vào giữa thế kỷ 21 này sẽ có 2 tỷ người trên 48 quốc gia thiếu nguồn nước ngọt, bởi vậy nguồn nước uống sẽ là nguyên nhân gây ra tranh chấp giữa nhiều quốc gia không phải là điều ngoa. Cũng theo báo cáo của cơ quan Phát triển Nguồn nước uống Thế giới thì hiện nay có hơn 500 sự xung đột giữa các quốc gia có chung một dòng sông, chẳng hạn như sông Mê-Kông ở Trung quốc và Đông Nam Á; sông Indus và sông Ganges ở Nam Á giữa Ấn Độ - Pakistan…
Những cảnh báo của ông Ismail tại hội nghị APEC tại Nga vừa qua đã mở màn cho các đại diện quốc gia ở hạ lưu sông Mê-Kông (Cửu long) lên tiếng tố cáo Trung quốc xây nhiều đập ở thượng nguồn dòng sông này làm cho lượng nước chảy xuống hạ lưu bị giảm nhiều và làm cho nguồn nước uống của cư dân bị cạn kiệt dần , đó là chưa kể đến chuyện gây thiệt hại lớn cho hai ngành nông, ngư nghiệp, kể cả môi trường sinh thái. Do sự trợ giúp của Trung quốc, Lào cũng xây đập ở thượng nguồn sông Mê-Kông. không phải quốc gia mình ở vị trí thượng nguồn là muốn xây gì cũng được, bất chấp sự thiệt hại của các quốc gia ở vùng hạ lưu. Muốn xây phải đưa ra Ủy ban sông Mê-Kông (MRC) hỏi ý kiến của các quốc gia trong vùng, nếu bị một quốc gia nào đó phản đối là phải ngưng, chứ không được tự ý tiến hành.
Theo các quan sát viên hội nghị APEC thì chỉ có Đại diện Thái Lan và Miến Điện là lên tiếng tố cáo Trung quốc mạnh nhất về việc họ xây đập ở thượng nguồn sông Mê-Kông, đáng lý ra Việt Nam và Cam Bốt phải phản đối mạnh hơn cả Thái và Miến vì đây là hai quốc gia bị thiệt hại nặng nhất do việc Trung quốc xây nhiều đập ở thượng nguồn sông Mê-Kông, nhưng Campuchia chỉ lên tiếng phản đối chiếu lệ, còn Đại diện của Việt Nam là ông Trương Tấn Sang cũng chỉ phản đối cầm chừng, hơn Campuchia một chút, chẳng đưa ra một phương thức giải quyết cụ thể nào cả ngoài việc cho biết lượng nước ở hạ lưu sông Mê-Kông ngày càng giảm do việc Trung quốc xây đập ở thượng nguồn, rồi yêu cầu Trung quốc nên xét lại vấn đề xây đập để tránh gây thiệt hại cho các quốc gia trong vùng.
Mặc dù Trung quốc là một nước lớn, có cái lợi thế của nó, nhưng không phải muốn làm gì thì làm, bởi vậy họ luôn tìm cách ly gián các quốc gia trong vùng khi có một vấn đề nào đó cần phải giải quyết có lợi cho Trung quốc, từ chính sách kinh tế cho đến tranh chấp biển đảo hay xây đập ở thượng lưu sông Mê-Kông. Những người lãnh đạo như ông Hun Sen của Campuchia hay ông Trương Tấn Sang của Việt Nam thừa biết chuyện này, nhưng vẫn tìm cách thân thiện, không dám quyết liệt phản đối, họ gọi đó là cách giải quyết khôn khéo, trong hòa bình hơn là gây chiến với một nước lớn nằm bên cạnh. Không một ai muốn gây chiến, nhưng chuyện Trung quốc làm nhiều điều sai trái, vi phạm trầm trọng luật pháp quốc tế, hại cho quyền lợi của quốc gia mình mà không dám phản đối mạnh là một sai phạm lớn của người nắm quyền, không xứng đáng lãnh đạo đất nước.
Hiệp hội báo chí Nhật và thế gới tố cáo nhà cầm quyền Bắc Kinh vi phạm luật báo chí và xuất bản khi tịch thu các tờ báo phát hành ở Nhật gởi sang Trung quốc mà không nêu rõ lý do là đề tài kết thúc tiết mục Từ Á Sang Âu tuần này.
Năm 1972, hai quốc gia Nhật Bản và Trung quốc chính thức tái lập bang giao, nhưng đến năm 1979, hai bên mới ký kết với nhau một bản hiệp định về giao lưu văn hóa. Lúc đầu chỉ có một số văn hóa phẩm về nghệ thuật, học thuật được trao đổi, nhưng dần dà theo thời gian hai bên đã đưa vào hiệp định này thêm các lãnh vực khác kể cả việc trao đổi về truyền thông. Truyền hình, báo chí, tuần san, tạp chí...của Nhật và Trung quốc được tự do trao đổi miễn là không phạm đến tuần phong, mỹ tục. Mặc dù đã có hiệp định giao lưu văn hóa bảo kê, nhưng mỗi khi đài truyền hình vệ tinh NHK của Nhật phát đi những bản tin trung thực nhưng có tính nhạy cảm mà chính quyền Bắc Kinh cảm thấy bất lợi cho họ thì luôn chỉ thị cho các cơ quan hữu trách phá sóng. Trong khi báo đài của Trung quốc phát sóng, loan tin thoải mái ở Nhật cho dù có nội dung đả kích chính quyền Tokyo.
Nhật Bản đã nhiều lần kháng nghị về chuyện này, nhưng Bắc Kinh thường bỏ ngoài tai hay cùng lắm là đổ lổi cho cấp dưới sai sót kỹ thuật. Ngày 28 /09/2012 vừa qua, chính quyền Bắc Kinh vi phạm thêm một lần nữa, nhưng lần này không phải phá sóng mà là tịch thu tất cả báo chí từ Nhật gởi sang bán ở Trung quốc. Thật ra số báo chí hay tạp chí của Nhật gởi sang bán ở Trung quốc không nhiều vì người bản xứ mấy ai đọc được tiếng Nhật, phần lớn bán cho người Nhật hay để ở tòa đại sứ, các tòa tổng lãnh sự, các trung tâm văn hóa Nhật, các khách sạn có đông người ngoại quốc...
Ngày 02/10/2012, đại lý gởi báo cho các ký giả hay rằng họ được sở quan thuế phi trường quốc tế Bắc Kinh báo cho biết toàn bộ số báo và tạp chí gởi sang Trung quốc vào ngày 28/09/2012 đã bị tịch thu, nhưng không nói lý do vì sao tịch thu. Chúng tôi có lưu các số báo và tạp chí đó mỗi thứ một tờ nên dám quả quyết rằng không có tờ nào đăng hình khiêu dâm hay vi phạm tuần phong mỹ thuật cả của Trung quốc cả, tịch thu một cách vô lý như vậy thì chúng tôi sẽ kiện bắt phải xin lỗi, đòi bồi thường thiệt hại và nhất là không được tái phạm.
Theo các bình luận gia thì chẳng cần đoán mò, ai cũng biết ngay rằng lý do tịch thu vì hầu hết báo chí phát hành ở Nhật vào khoảng thời gian đó đều đề cập đến chuyện Trung quốc xâm phạm lãnh hải của Nhật, chuyện Bắc Kinh chủ trương quần đảo Điếu Ngư / Senkaku bằng các tài liệu lịch sử do họ bịa đặt....Đành rằng những việc này làm chính quyền Bắc Kinh tức giận, nhưng ra lịnh tịch thu là hành động vi phạm hiệp định giao lưu văn hóa đã ký giữa hai nước Trung Nhật. Chính quyền cộng sản Trung quốc thường tịch thu các tờ báo phát hành ở Hồng Kông bán ở Hoa lục khi các tờ này đề cập đến những vấn đề tự do, dân chủ, đa nguyên, đa đảng, hành động này cũng bị mọi người ghê tởm và lên án, nhưng Hồng Kông là lãnh thổ của Trung quốc nên đành chịu. Lần này số báo chí bị tịch thu đó là của Nhật nên chuyện nổ lớn có thể đưa đến chuyện kiện tụng, mà càng kiện thì Trung quốc càng quê mặt bởi hành động bóp chẹt quyền tự do báo chí.
Đúng như những gì các bình luận gia dự đoán, Hiệp hội Báo chí Nhật đã lên tiếng cho hay nội trong 10 ngày nếu chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không chính thức lên tiếng xin lỗi và bồi thường thiệt hại thì chúng tôi sẽ nạp đơn kiện ở tòa án quốc tế. Hành động của Hiệp hội báo chí Nhật được Hiệp hội ký giả Thế giới ủng hộ. Chuyện kiện tụng chắc chắn sẽ mất nhiều thời gian, và như đã trình bày ở trên, càng kéo dài thì bộ mặt Trung quốc càng thêm xấu xí.
Đến đây đã chấm dứt tiết mục Từ Á Sang Âu, Thanh Thảo và Đoàn Duy xin kính chào tạm biệt và kính mời quý thính giả nhớ đĩn nghe chương trình này vào tuần sau cũng vào giờ này trên làn sóng trung bình 1503 ki lơ chu kỳ của đài Chân Trời Mới.

Không có nhận xét nào: