Quỳnh Chi, phong viên RFA
Luật sư Trần Vũ Hải đại diện pháp lý cho nông dân bị thu hồi đất của dự án Ecopark vừa có bản ý kiến gởi Bộ Tài nguyên Mội trường thể hiện sự không đồng tình về cách Bộ này trả lời kiến nghi của bà con huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.
Công văn trả lời không rõ ràng, chưa đúng luật
Hôm 3 tháng 10, Bộ Tài nguyên Môi trường đã có công văn trả lời về kiến nghị của các hộ dân thuộc diện bị thu hồi đất cho dự án Ecopark. Công văn mang số 3458/BTNMT-TCQLĐĐ, kèm theo lời giải đáp về kiến nghị bao gồm 12 điểm thắc mắc của bà con Văn Giang. Tuy nhiên, các hộ dân này không hài lòng với cách giải thích của Bộ này về những điểm mà họ cho là chưa hợp lý. LS Trần Vũ Hải, đại diện pháp lý cho nông dân thuộc diện bị thu hồi đất cho dự án Ecopark cho biết:
“Bản ý kiến này nhằm làm rõ hơn nữa ý kiến của chúng tôi về phần giải đáp của họ mà chúng tôi cho rằng không thỏa đáng và lẩn tránh trách nhiệm. Chúng tôi cũng nói rằng phải mất thời gian quá lâu, khoảng 3 tháng họ mới trả lời tôi chứng tỏ rằng họ cũng không tự tin trong việc trả lời. Bản ý kiến này cũng phân tích rõ những điểm chúng tôi không hài lòng về bản giải đáp đó”.
Giải thích của Bộ này “chưa rõ ràng, chưa đúng pháp luật, có phần lẩn tránh trách nhiệm và chưa cung cấp đủ tài liệu theo yêu cầu”LS Trần Vũ Hải
Không phủ nhận thiện chí của Bộ Tài nguyên Môi trường nhưng bản ý kiến của LS Trần Vũ Hải chỉ rõ rằng giải thích của Bộ này “chưa rõ ràng, chưa đúng pháp luật, có phần lẩn tránh trách nhiệm và chưa cung cấp đủ tài liệu theo yêu cầu”.
Bản ý kiến của LS được 9 hộ dân đại diện ký tên, được gọi là nhóm “đầu đơn”, dài khoảng 20 trang, phân tích khá chi tiết những điểm mà các hộ dân không đồng tình. Trong đó, có thể nhấn mạnh 5 điểm. Điểm thứ nhất nêu ra rằng hai quyết định (303/QĐ.TTg và 742/QĐ-TTg) được ký năm 2004 của thủ tướng được ban hành không đúng thẩm quyền và có nhiều điểm trái với luật đất đai. Bản ý kiến cũng nhấn mạnh rằng hai dự án liên quan không được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; và khẳng định
quyết định không có giá trị áp dụng cho các hộ dân nơi đây vì quyết định không ghi rõ họ tên của đối tượng áp dụng cũng như diện tích bị thu hồi.
Đặc biệt, bản ý kiến ghi ngày 5 tháng 10, 2012 cũng chỉ ra rằng Bộ TN-MT phải chịu trách nhiệm chính trong việc tham mưu cho Thủ tướng ban hành hai quyết định mà theo họ là trái luật. LS Trần Vũ Hải cho biết:
“Hiện nay Bộ TN-MT đang tìm cách né tránh cho rằng việc cưỡng chế là do tỉnh Hưng Yên nhưng chúng tôi không hài lòng vì trước khi cưỡng chế thì Tỉnh đã có cuộc họp với các cơ quan TW”.
“Tại một cuộc họp với các doanh nghiệp có măt Bộ TN-MT chúng tôi cũng nói thẳng là rất thiếu niềm tin về Bộ khi soạn thảo Luật đất đai mới vì họ không hiểu biết nhiều về luật đất đai hoặc họ không dám nhận trách nhiệm liên quan đến luật đất đai”.
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT được nói là người ký tờ trình 99/TTr –BTNMT ngày 29/06/2004 của Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho Thủ tướng phê duyệt dự án Ecopark. GS Đặng Hùng Võ cũng từng trả lời trên đài BBC hôm cuối tháng tư rằng quyết định thu hồi đất liên quan đến dự án Ecopark, Văn Giang – Hưng Yên là đúng luật. Tuy nhiên, phía bà con nông dân và LS Trần Vũ Hải vẫn cho rằng còn nhiều điểm chưa phù hợp về thẩm quyền giao đất và không phù hợp với Điều 25 Luật đất đai 1993.
Ông Đàm Văn Đồng, một trong chín người trong nhóm đại diện pháp lý cho các hộ dân Văn Giang cho biết cách thức giải quyết vấn đề của Bộ TN-MT hiện nay là “phủi tay không nhận cái sai của mình, có ý đổ cho lãnh đạo cũ là ông Đặng Hùng Võ”, nói thêm rằng bà con đang xem xét đến khả năng truy cứu trách nhiệm
pháp lý của vị nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT.
“Dân chúng tôi nghĩ ai sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Còn dân chúng tôi không đồng tình với dự án, nó sai về tất cả so với pháp luật Việt Nam. Cho nên chúng tôi cứ đi theo con đường pháp luật đến cùng. Chúng tôi khẳng định là dân chúng tôi sẽ đòi được đất”.
Ông Đàm Văn Đồng cho biết có khoảng 2 ngàn hộ dân chưa nhận tiền bồi thường tin tưởng vào sự đại diện của chín người đứng đơn. Họ đều thể hiện sự thiếu tin tưởng, không hài lòng với cách giải quyết của Bộ TN-MT nói riêng và các cơ quan khác nói chung. Từ năm 2004, sau khi có quyết định phê duyệt dự án của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (lúc đó là Phó Thủ tướng) thì bà con đã gõ cửa rất nhiều cơ quan Nhà nước và ĐCS Việt Nam từ trung ương đến địa phương. Cho đến bây giờ, chưa có dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ bỏ cuộc.
Sẽ đấu tranh đến cùng
Sáng ngày 9 tháng 10, một số nông dân Văn Giang lại tập trung tại Ban Dân vận Trung ương để bày tỏ bức xúc.
“Với người nông dân thì bắt buộc phải có đất để làm. Nhưng chính quyền các cấp lấy đất đi mà chúng tôi không được thỏa thuận, bàn bạc… bắt buộc chúng tôi phải đi đòi và yêu cầu các cấp TW Đảng phải xem xét để trả lại đất cho chúng tôi sinh sống”.
Ngay cả những dự án được gọi là tốt mà còn đóng băng. Cho nên tôi nghĩ phải có một cách tiếp cận để hợp tác. Nông dân bị mất đất rồi thì không còn gì để mất nữa nên họ sẽ đấu tranh đến cùngLS Trần Vũ Hải
“Đối với những bà con bị mất đất năm 2009 và 2012 thì rất khó khăn. Chính vì thế chúng tôi thực hiện cấy lúa trên phần đất rộng 1 ha đã bị san ủi để có lúa cho bà con”.
Khi công luận đang chú ý vào sự việc ở Văn Giang thì cách thức các cơ quan chức năng giải quyết nó như thế nào càng quan trọng. LS Trần Vũ Hải cảnh báo sự việc Văn Gang đối với những ảnh hưởng khác và khuyến cáo cần có sự hợp tác giữa nhà đầu tư nhà nông dân:
“Người dân Văn Giang sẽ kiên trì để một lần nửa đem việc này ra Chính phủ, QH, Đảng. Chúng tôi tin chắc là những nhà lãnh đạo cao cấp sẽ dần nhìn ra được vấn đề và sẽ giải quyết. Ngoài ra chúng tôi cảnh báo rằng những nhà đầu tư phải nhìn nhận rằng vấn đề bất động sản hiện nay rất khó khăn nên cần hợp tác với người dân để giải quyết. Ngay cả những dự án được gọi là tốt (không có tranh chấp) mà còn đóng băng. Cho nên tôi nghĩ phải có một cách tiếp cận để hợp tác. Nông dân bị mất đất rồi thì không còn gì để mất nữa nên họ sẽ đấu tranh đến cùng”.
Hiện nay, dự án Ecopark đã qua hai lần cưỡng chế vào năm 2009 và 2012. Nhưng sự việc mới thực sự thu hút dư luận vào lần cưỡng chế thứ hai tức vào tháng 4 năm 2012 khi bà con quyết tâm giữ đất và phản đối cưỡng chế. Sự việc liên quan đến vụ thu hồi đất cho dự án sinh thái Ecopark cũng được xem là một trong những việc nổi bật về vấn đề đất đai Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét