(VTC News) – Theo dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi việc tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng sẽ được quy định trong văn kiện của Đảng.
Sáng 26/10, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã trình bày tờ trình của Chính phủ về dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi. Một trong những nội dung đáng chú ý là mô hình Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng.
Ông Huỳnh Phong Tranh. Ảnh: Nguyễn Hưng/VnExpress
Theo đó, dự thảo Luật không quy định về Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Việc thành lập, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng sẽ do Đảng quy định. Đồng thời, công tác chỉ đạo phòng, chống tham nhũng của cơ quan này sẽ được thực hiện thông qua các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng.
Ở Trung ương, thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng, Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số quy định về vấn đề này, trong đó quy định Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định cụ thể tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng của Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Chính phủ quy định cụ thể tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị chuyên trách về phòng, chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an.
Thẩm tra dự thảo luật, Ủy ban tư pháp cũng tán thành quan điểm bỏ các quy định về Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng.
Ủy ban tư pháp cho rằng hiện nay về tổ chức,hoạt động, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các tổ chức Đảng từ Trung ương tới cơ sở cũng như của tất cả các đảng viên được điều chỉnh bởi Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các Ban cán sự Đảng, Đảng đoàn và nghị quyết của các tổ chức cơ sở Đảng.
Cũng theo Ủy ban Tư pháp, trong hệ thống pháp luật của Việt Nam, ngoài Điều 4 của Hiến pháp năm 1992 quy định về sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội thì các văn bản quy phạm pháp luật không quy định điều chỉnh về tổ chức, hoạt động đối với các cơ quan, tổ chức của Đảng.
“Việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm Trưởng Ban theo đúng tinh thần và nội dung Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng là để bảo đảm sự thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng đối với toàn bộ hệ thống chính trị của Nhà nước ta trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng,chống tham nhũng sẽ được quy định trong văn kiện của Đảng”, báo cáo cho biết.
Theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn do Hiến pháp và pháp luật quy định, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp và các cơ quan, tổ chức hữu quan theo thẩm quyền đều có quyền hạn, nghĩa vụ và trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng.
Tại các cơ quan này đã có các Ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, Đảng ủy, Đảng bộ, Chi bộ để lãnh đạo, chỉ đạo mọi công tác, trong đó có công tác phòng, chống tham nhũng theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét