Pages

Thứ Ba, 13 tháng 11, 2012

Bộ trưởng Xây dựng: ‘Sự cố chủ yếu ở công trình dân tự xây’



Chất lượng công trình là nội dung được đại biểu Quốc hội hỏi nhiều và hỏi xoáy trong buổi chất vấn Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng chiều 12/11

 Bộ trưởng Xây dựng: ‘Sự cố chủ yếu ở công trình dân tự xây’
(BM) - Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng là thành viên thứ hai của Chính phủ đăng đàn tại Quốc hội kỳ này. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức, ông có tên trong danh sách chất vấn chính thức.
Đại biểu Lê Thị Nga “mở hàng” bằng việc nêu lại bức xúc của cử tri về chất lượng công trình nhà ở tái định cư, thủy điện, điện hạt nhân. Theo đại biểu, nhiều công trình chất lượng kém nhưng chỉ sau khi sự cố đã xảy ra cơ quan chức năng mới phát hiện.
“Sự cố rò rỉ đập nước thủy điện Sông Tranh 2, vỡ đập thủy điện Đăkrông 3, đổ tháp truyền hình Nam Định là những ví dụ. Thất thoát rút ruột công trình xây dựng ở những mức độ khác nhau đang xảy ra khá phổ biến và đây là một trong những lĩnh vực được đánh giá là có nguy cơ tham nhũng rất cao”, bà nói. Theo đại biểu Nga, một tòa nhà cao ốc bị rút ruột tới mức sụp đổ đã gây hậu quả rất nặng nề, nhưng nếu công trình thủy điện, điện hạt nhân bị rút ruột, chất lượng xây dựng không đảm bảo tuyệt đối an toàn sẽ có nguy cơ gây thảm họa cho cả một vùng và cả một quốc gia.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thành Tâm nhắc lại câu chuyện tháp truyền hình đổ trong bão Sơn Tinh vừa qua để bày tỏ lo ngại về quản lý chất lượng công trình gắn với chống lãng phí tiêu cực trong xây dựng cơ bản.
“Bộ trưởng có biện pháp, giải pháp nào để khắc phục, đặc biệt là ở góc độ hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật, trách nhiệm của các bên liên quan, nhằm phát hiện, xử lý và ngăn ngừa các công trình xây dựng, nhất là công trình sử dụng vốn nhà nước khỏi thất thoát, lãng phí, kém chất lượng, để người dân có thể yên tâm dù là có thiên tai cũng không thể xóa sạch được dấu vết trách nhiệm, giảm gánh nặng cho nhà nước và người dân”, đại biểu Tâm nói.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng dành khá nhiều thời gian để phân tích lãng phí, thất thoát cũng như sự kém chất lượng trong xây dựng là vấn đề chung, đã tồn tại từ lâu. Đánh giá đã có những cải tiến trong quản lý, giám sát, song ông thừa nhận đây là vấn đề nan giải và rất khó khắc phục một cách triệt để. Nguyên nhân theo ông nằm ở thể chế. Mặt khác, chất lượng quy hoạch, khảo sát, thiết kế, thi công, nghiệm thu, bàn giao và khâu thanh tra, giám sát cũng chưa hiệu quả.
“Nguyên nhân khác là năng lực, phẩm chất của một bộ phận cán bộ, công chức hoặc những chủ thể tham gia trong quá trình đầu tư xây dựng. Trong khi đó chúng ta thiếu cơ chế để xã hội và người dân tham gia kiểm soát, phát hiện kịp thời để xử lý, chúng ta cũng chưa có những chế tài mạnh để xử lý quyết liệt, có tính chất răn đe đối với những sai phạm gây ra trong quá trình đầu tư xây dựng cơ bản”, ông nói.
Riêng về tháp truyền hình của Nam Định, ông Dũng cho biết đây là loại tự đứng cao 180m và bị đổ quặt ở độ cao 20m, thiệt hại sơ bộ khoảng 50 tỷ đồng, nguyên liệu thi công được mua từ nước ngoài. Chưa có kết luận cuối cùng về nguyên nhân gây đổ, nhưng theo Bộ trưởng có thể do thiết kế sai, lắp ráp chưa đúng quy định và tải trọng quá lớn khiến tháp không an toàn.
Giải trình của Bộ trưởng Trịnh Định Dũng về chất lượng các công trình xây dựng chưa làm hài lòng đại biểu. Sau giờ giải lao buổi chiều, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng phải đề nghị trả lời lại một cách khái quát.
“Đồng chí đánh giá chất lượng xây dựng ở Việt Nam thế nào? Tốt hay xấu hay trung bình”, Chủ tịch hỏi thêm.
Giải trình lại về vấn đề này, người đứng đầu ngành xây dựng cho biết cả nước có 54.000 công trình đang đầu tư và về cơ bản đã kiểm soát được chất lượng. Theo ông, những công trình xây dựng càng về sau này càng có chất lượng tốt hơn. Bộ trưởng Dũng thừa nhận vẫn có những công trình chất lượng không đảm bảo, thậm chí có sự cố gây thiệt hại về tiền và tính mạng người dân.
Tuy nhiên, ông khẳng định sự cố chủ yếu xảy ra ở những công trình từ cấp 3 trở xuống mà phần nhiều là những công trình dân tự xây.
“Còn đối với những công trình bằng vốn ngân sách hoặc bằng vốn nhà nước hoặc những công trình trọng điểm quốc gia thì ít có sự cố công trình, tất nhiên có những sự cố như cầu Cần Thơ, tháp truyền hình Nam Định, hiện tượng rò rỉ thấm của đập Sông Tranh v.v… nhưng nó không phải là tỷ lệ lớn”, ông phân trần.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng. Ảnh: Hoàng Hà.
Sai phạm tại các tập đoàn thuộc lĩnh vực xây dựng cũng là vấn đề khiến nhiều đại biểu quan tâm. Chất vấn Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng vào cuối buổi chiều, đại biểu Trần Minh Diệu dẫn lại báo cáo thanh tra và cho rằng Tập đoàn Sông Đà sai phạm lớn về quản lý vốn, đầu tư sản xuất kinh doanh. Trong đó, riêng sai phạm tài chính lên tới 10.676 tỷ đồng. Việc bổ nhiệm nhân sự cấp cao tập đoàn này cũng gây xôn xao dư luận.
“Bộ trưởng xác định trách nhiệm của Bộ như thế nào trước những sai phạm gây hậu quả nghiêm trọng vừa qua ở Tập đoàn Sông Đà”, ông Diệu đặt câu hỏi.
Đại biểu Lê Như Tiến còn nêu chi tiết hơn từng sai phạm ở Tập đoàn Sông Đà và yêu cầu Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng thông tin về biện pháp xử lý cá nhân, tập thể. “Ngành xây dựng có bao nhiêu công ty nợ đọng, thất thoát đầu tư ngoài ngành như Tập đoàn Sông Đà? Nguyên nhân và giải pháp mạnh của Bộ trưởng để khắc phục?”, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội chất vấn.
Theo Bộ trưởng Dũng, Tập đoàn Sông Đà được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiểm tra và có kết luận với từng tổ chức, cá nhân. Vi phạm của cá nhân Chủ tịch Tập đoàn Dương Khánh Toàn không đến mức kỷ luật. Về số tiền 10.676 tỷ đồng trong kết luận của Thanh tra Chính phủ, ông Dũng cho rằng “có vi phạm nguyên tắc chứ không thất thoát”. “Bộ đang giao Tập đoàn Sông Đà, đảng ủy, thành viên Hội đồng thành viên kiểm điểm, xem xét vi phạm. Nếu đến mức độ vi phạm thì phải kỷ luật. Sau đó ban cán sự đảng của Bộ sẽ xem xét”, ông Dũng nói thêm.
Đứng lên “chia lửa” với Bộ trưởng Xây dựng, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết thanh tra Tập đoàn Sông Đà diễn ra vào 2011, kết thúc đầu 2012. Vi phạm chủ yếu nằm ở khâu quản lý vốn và sử dụng tài sản với tổng số vi phạm 10.676 tỷ đồng. 5 nhóm vi phạm lớn, theo ông Tranh, là sử dụng quỹ sắp xếp doanh nghiệp sai mục đích; không hạch toán vốn về tăng lợi nhuận của tổng công ty nhà nước khi chuyển thành công ty cổ phần; không tính quỹ dự phòng tổn thất, các khoản tổn thất tài chính; đầu tư ngoài ngành, ngoài doanh nghiệp vượt vốn điều lệ và năm là chậm nộp ngân sách.
Ông Tranh cho biết sau kết luận thanh tra, tập đoàn đã có phương án và khắc phục được khoảng 5.000 tỷ đồng, hiện còn chờ chủ trương để khắc phục thêm hơn 5.000 tỷ đồng nữa. “Như vậy, tập đoàn rất tích cực thực hiện kết luận thanh tra, Bộ Xây dựng cũng rất tích cực. Nhưng hiện nay vẫn còn vướng, phải xử lý còn kéo dài vì còn chờ ý kiến của các bộ để trình Thủ tướng”, Tổng thanh tra cho hay.
Chất vấn ở lượt cuối, đại biểu Ngô Văn Minh tiếp tục nêu vấn đề thời sự liên quan tới Thủy điện Sông Tranh 2. Dẫn lại trả lời của Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng tại kỳ họp trước rằng đập thủy điện an toàn, ông Minh chất vấn vì sao an toàn mà Chính phủ không cho tích nước.
Ông Minh nêu ra 3 phương án và đề nghị Bộ trưởng Xây dựng cho ý kiến: “Thứ nhất, nếu đập an toàn, đề nghị Bộ trưởng khẳng định để quốc dân đồng bào an tâm. Nhưng bên cạnh đó phải phụ cấp cho dân như phụ cấp độc hại. Rung lắc như vậy ai chịu nổi? Cộng với đó, cần mua bảo hiểm tính mạng, do tích nước dẫn đến động đất kích thích. Khả năng thứ hai, nếu chưa an toàn, cần công bố với dân chưa thể yên tâm, mời đồng bào tái định cư nơi tốt hơn. Cuối cùng nếu đập vỡ, cần làm rõ ai chịu trách nhiệm đầu tiên”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bình luận đây tiếp tục là một câu hỏi khó, song, vì đã hết giờ làm việc buổi chiều, sáng mai (13/11), ngày chất vấn thứ hai sẽ tiếp tục với Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng.
 

Không có nhận xét nào: