Pages

Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2012

Mạnh dạn từ bỏ những gì không còn phù hợp đang cản trở con đường đi tới của đất nước.



Phỏng vấn nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc (Bản gốc)
Việc Trung Quốc cho in “đường lưỡi bò” lên tấm hộ chiếu phổ thông điện tử đang gây ra những phản ứng ngược từ dư luận quốc tế và ngay chính trong xã hội Trung Quốc.
 Trung Quốc luôn đặt họ ở vị trí siêu cường, điều ấy đòi hỏ họ cũng phải có những hành xử sao cho tương xứng. Theo ông, việc Trung Quốc cho in “đường 9 đoạn” lên hộ chiếu phổ thông điện tử vừa rồi có đáng mặt “anh hào” không?
Trung Quốc là một cường quốc đang lên, có tiếng nói nhất định trên các diễn đàn quốc tế. Họ luôn luôn tận dụng mọi ưu thế của họ để theo đuổi tham vọng bành trướng mà trước mắt là ở Biển Đông, nơi được coi như chìa khóa để Trung Quốc bước ra thế giới để“rửa nhục” cho quá khứ (thời “Bát liên quân xâu xé Trung Hoa”).

Các nước liên quan đến tranh chấp trên biển Đông như Việt Nam, Philippines rồi đến Ấn Độ và mới đây Mỹ cũng đã phản ứng một cách quyết liệt về việc Trung Quốc cho in “đường lưỡi bò” lên hộ chiếu phổ thông điện tử của họ. Các học giả trên thế giới, đặc biệt là các học giả nghiên cứu về biển Đông ở Mỹ nói đây là “trò cười” của Chính phủ Trung Quốc nhằm trả đũa trước phản ứng của thế giới về những gì họ đã hành xử ở ở biển Đông. Đây là một hành động sai lầm, Trung Quốc sẽ thêm mất uy tín trên trường quốc tế, mất uy tín với chính những gì mà Trung Quốc đã cam kết về con đường giải quyết tranh chấp hòa bình trên biển Đông.
Và ngay trong người dân Trung Quốc, họ đã dần thấy những phi lý do chính nhà cầm quyền của họ gây nên. Mặc dù trong một thời gian dài, Trung Quốc đã ru ngủ nhân dân Trung Quốc bằng những luận điệu tuyên truyền, bằng những ngụy tạo chứng cứ để cho rằng Trung Quốc có chủ quyền trên biển Đông cũng như biển Hoa Đông, nhưng tôi tin rằng sớm muộn gì nhân dân Trung Quốc cũng nhận ra chân tướng của nhà cầm quyền Trung Quốc.
. Thưa ông, “hành động sai lầm” trên nằm trong một chũi các hành động gây hấn, xâm phạm ở biển Đông mà Trung Quốc đã tiến hành trên vùng biển đang tranh chấp với các nước. Điều này cảnh báo cho chúng ta điều gì?
Tất cả điều ấy đã cho thấy tham vọng của Trung Quốc tại Biển Đông là bất biến. Thủ tướng Ôn Gia Bảo của Trung Quốc, tại Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 7 vừa rồi, biện giải về những hành vi gây hấn trên biển Đông rằng: “Những hành động của Trung Quốc nhằm bảo vệ chủ quyền của mình là cần thiết và hợp pháp. Chúng tôi đã xử lý một cách thích hợp những sự việc không phải do Trung Quốc gây ra”. Thật lạ khi bảo những gì đã xảy ra là “những sự việc không phải do Trung Quốc gây ra”. Vậy thì ai “in cái lưỡi bò” tham vọng, không có căn cứ lịch sử kia lên tấm hộ chiếu chính thống của Trung Quốc?
Hàng loạt thủ thuật diễn ra đã chỉ rõ tham vọng của Trung Quốc trên biển Đông như chỉ đàm phán song phương về vấn đề tranh chấp Biển Đông;  hoặc tìm mọi cách trì hoãn đàm phán thông qua Bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) như người phát ngôn bộ ngoại giao Trung Quốc, Tần Cương vừa tuyên bố tại Campuchia vừa rồi “hiện nay còn chưa phải thời cơ thích hợp nhất ấn định COC”. Và nhất là chũi hành động có mưu đồ, tính toán và nham hiểm của Trung Quốc từ trước cho tới khi in “đường lưỡi bò” lên hộ chiếu phổ thổng mới đây càng làm  lộ rõ mưu đồ ấy. Thật khó có thể tin những gì mà Trung Quốc đã hứa.
Thay đổi tư duy, tạo sức mạnh toàn diện
.Trước mưu đồ lâu dài ấy của Trung Quốc trên biển Đông, Việt Nam cần phải có những đối sách tương ứng nào?
Những kỳ vọng vào vai trò ASEAN trong việc này ngày càng khó khăn, vì khó tìm kiếm một sự thống nhất toàn diện trong tổ chức này để giải quyết vấn đề tranh chấp biển Đông. Sự “lật kèo” của một số nước ASEAN trong vấn đề này  càng cho thấy Trung Quốc thành công trong chính sách “chia để trị” của mình. Vấn đề đặt ra cho các nước ASEAN không phải là tiếp tục phân tích xem Trung Quốc muốn gì mà quan trọng hơn hết là thống nhất tìm ra các biện pháp để đối phó với Trung Quốc.
Chúng ta cần tạo ra thế đa phương trong đối sách ở biển Đông. Nhiều người cũng nóng lòng trước việc sao không kêu gọi sự giúp đỡ của các cường quốc khác để đối ứng với Trung Quốc. Song những bài học lịch sử mà chúng ta nhận lấy trong việc chờ đợi sự giúp đỡ bên ngoài vẫn còn đó. Vì thế không thể không thận trọng trong quan điểm này.
. Trong tình hình này, theo ông, chúng ta phải nên chuẩn bị “kế sách lâu dài” thế nào?
Tỉnh táo không bao giờ là bài học thừa.
Theo tôi, cây đũa thần có khả năng giúp được chúng ta lúc này và trong tương lai chính là Việt Nam phải thay đổi tư duy chính trị quốc nội cũng như quốc tế: Thứ nhất, để bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và toàn vẹn lãnh thổ, thay vì chờ đợi sự giúp đỡ từ bên ngoài, Việt Nam cần tập trung xây dựng nội lực theo đúng nghĩa của nó thì mới có thể đối phó lại tham vọng của phương Bắc. Tổ tiên ta đã đúc kết: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” nhưng sử dụng  nhân tài như thế nào – những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì tương lai của quốc gia, dân tộc- luôn là câu hỏi có nhiều đáp án! Lãnh đạo Việt Nam cần tôn trọng và lắng nghe ý kiến nhiều chiều, chấp nhận phản biện xã hội cho dù sự phản biện đó dẫn đến phá sản một kỳ vọng nào đó của nhà nước nhưng không hợp lòng dân. Câu nói nổi tiếng của Hồ Nguyên Trừng: “Thần không ngại đánh, chỉ sợ lòng dân không theo mà thôi” đã chỉ rõ lịch sử Việt Nam hàng ngàn năm đã để lại cho chúng ta nhiều bài để học có giá trị. Nhưng quan trọng nhất là học như thế nào và hành ra sao để khỏi hổ thẹn với tổ tiên!
Thứ hai, là trong tư duy chính trị quốc tế, Việt Nam phải thực sự hội nhập quốc tế một cách toàn diện. Hội nhập toàn diện không chỉ là tham gia tổ chức này, hội nghị kia…Việt Nam phải thật sự coi đây là quá trình đẩy mạnh cải cách mở cửa và tham gia vào mọi mặt của đời sống quốc tế; xây dựng cho mình chiến lược hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới. Mạnh dạn từ bỏ những gì không còn phù hợp đang cản trở con đường đi tới của đất nước. Việt Nam phải phải làm cho cộng đồng quốc tế hiểu Việt Nam đã làm gì chứ không phải  chỉ cho thấy Việt Nam đã tham gia với thế giới cái gì
Phỏng vấn của báo Pháp Luật Tp HCM,

Không có nhận xét nào: