Theo dõi những diễn biến gần đây xung quanh vấn đề Biển Đông tại các diễn đàn đa phương, không khó nhận ra rằng Trung Quốc đang ráo riết vận dụng chiến thuật “chia để trị” đối với ASEAN nhằm phòng ngừa những bất lợi đối với mình trên vấn đề này.
Dường như chiến thuật của Trung Quốc cũng đã tỏ ra hiệu quả khi Cambodia đã “cắn câu”, nước này với cương vị Chủ tịch ASEAN trong năm 2012 đã đóng vai trò tích cực trong việc ngăn cản vấn đề Biển Đông được đề cập tại các diễn đàn của ASEAN và các diễn đàn quốc tế khác.
Mặc dù việc làm của Cambodia đã khiến dư luận quốc tế hết sức phản cảm, nhưng lại nhận được sự cổ vũ, khen ngợi công khai, và tất nhiên kèm theo những “hỗ trợ” rất cụ thể từ phía Trung Quốc.
Chưa dừng lại ở đó, Trung Quốc còn dùng đội quân tuyên truyền khổng lồ của mình công kích các nước ASEAN có tranh chấp trực tiếp với Trung Quốc như Philippines, Việt Nam, coi hai nước này như nguyên nhân của sự mất đoàn kết trong ASEAN và tình hình bất ổn ở Biển Đông, vô hình chung tạo nên khoảng cách giữa các nước ASEAN có và không liên quan trực tiếp đến tranh chấp Biển Đông. Sau những việc làm đó, việc Trung Quốc tiếp tục tác động, lôi kéo, vận động các nước có vai trò quan trọng (thường là nước chủ nhà) trong các diễn đàn khu vực và quốc tế để vấn đề Biển Đông không xuất hiện trong chương trình nghị sự đã không còn là một chuyện “bí mật” đối với cộng đồng quốc tế.
Ảnh minh họa: Internet.
Một điều dễ nhận thấy là, một khi vấn đề Biển Đông và những việc làm quá khích của Trung Quốc trong khu vực được đề cập thường xuyên tại các diễn đàn quốc tế sẽ tạo nên sức ép rất lớn đối với Trung Quốc về dư luận. Chính phủ Trung Quốc sẽ rất khó giải thích ngay cả với nhân dân Trung Quốc về việc luôn bị “chỉ mặt vạch tên” trên trường quốc tế, các hành động càn quấy của Trung Quốc tại Biển Đông cũng bị hạn chế đáng kể. Vậy phải chăng việc Trung Quốc tìm trăm phương ngàn kế để vấn đề Biển Đông không trở thành chủ đề trao đổi tại các diễn đàn quốc tế, và nhất là việc chia rẽ các nước ASEAN là việc làm cần thiết và sẽ giúp đảm bảo được lợi ích của Trung Quốc? Hiển nhiên, đây không phải là cách làm khôn ngoan mà một nước lớn như Trung Quốc nên áp dụng.
Trước hết, sau những gì xảy ra ở Biển Đông thời gian qua, rồi lại thêm vụ lùm xùm giữa Trung Quốc và Nhật Bản ở biển Hoa Đông mới đây, chuyện Trung Quốc tranh chấp biển, đảo với các nước láng giềng đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận quốc tế. Đến nay thì dù vấn đề Biển Đông có được đem ra bàn thảo ở các hội nghị quốc tế hay không thì cũng không một ai có thể tin rằng đây là “chuyện trong nhà” giữa Trung Quốc và một số nước xung quanh nữa bởi nó đã cho thấy rõ là có ảnh hưởng lớn đến an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển của cả khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Vậy thì hành động bịt miệng dư luận của Trung Quốc phỏng có ích gì hay chỉ càng chứng tỏ Trung Quốc “có tật giật mình”, việc cố gắng tìm cách “dán bùa … mèo” chỉ làm trò cười cho thiên hạ mà thôi.
Hơn nữa, việc Trung Quốc dùng vấn đề Biển Đông để lôi kéo, chia rẽ các nước ASEAN là một việc làm lợi bất cập hại. Ngày nay ai cũng biết rằng Trung Quốc đang cố gắng vươn mình trên con đường trở thành cường quốc khu vực và thế giới theo đúng nghĩa về mọi mặt. Trong việc vươn lên ấy, Trung Quốc rất cần sự ủng hộ của quốc tế, trước hết là sự ủng hộ và hợp tác hiệu quả của khối ASEAN với tư cách là một tổ chức quốc tế có vai trò và uy tín lớn trên thế giới, với thành viên là những nước láng giềng gần gũi của Trung Quốc. Có thể nói một cách không ngoa rằng Trung Quốc có khẳng định được vai trò và uy tín trên thế giới hay không thì trước hết điều đó phải được thực hiện thành công trong quan hệ của Trung Quốc với ASEAN. Một khối ASEAN đoàn kết, vững mạnh và có quan hệ tốt với Trung Quốc là tiền đề thuận lợi để Trung Quốc thực hiện giấc mộng cường quốc toàn cầu. Ấy vậy mà Trung Quốc lại đi làm cái việc “tham bát bỏ mâm” là chia rẽ, gây mất đoàn kết trong ASEAN. Thử hỏi cứ đà này thì những cơ chế hợp tác như Diễn đàn ASEAN-Trung Quốc hay sáng kiến của Trung Quốc về Hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng sẽ đi đến đâu? Còn ai tin và làm theo Trung Quốc nữa? Từ đó có thể thấy rõ Trung Quốc được gì, mất gì trong cái trò “chia để trị” này.
Tóm lại, những biện pháp mà Trung Quốc đã và đang thực hiện nhằm bưng bít những xung đột đang hiện hữu cũng như những hành động ngang ngược của họ ở Biển Đông tưởng chừng như đang có tác dụng giúp Trung Quốc “ẩn náu” trước búa rìu dư luận, song thực chất lại góp phần thu hút sự quan tâm của quốc tế và phơi bày những tiểu xảo của họ trên vấn đề Biển Đông cũng như xử lý quan hệ quốc tế nói chung. Tai hại hơn, việc làm của Trung Quốc còn để lại hậu quả không dễ gì khắc phục được. Đó là họ đang làm hỏng hình ảnh của một nước Trung Quốc đang lớn mạnh cần hành động có trách nhiệm đối với hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới, làm hỏng những cơ hội thuận lợi để Trung Quốc thực sự trở thành đầu tầu của một khu vực Đông Á đoàn kết và thịnh vượng.
Người ta thường nói “Quay đầu là bờ”, thiết nghĩ Trung Quốc nên sớm trở lại con đường đúng đắn để không tự đánh mất mình trước khi quá muộn.
Trung Trực
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét