Theo tính toán của ông Bình, khoảng 300 tấn vàng nằm bất động trong dân tương đương 15 tỷ đô la Mỹ do chúng ta không sản xuất vàng mà nhập khẩu vàng.
Sáng 13/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có phiên trả lời các câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Các vấn đề về giá vàng, nợ xấu và vốn vay cho doanh nghiệp được nhiều đại biểu hết sức quan tâm.
"Vàng không phải là mặt hàng phải bình ổn giá"
Trước các câu hỏi của đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) và đại biểu Dương Hoàng Hương (tỉnh Phú Thọ) về việc chênh lệch giá vàng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói: “Mặc dù biết vàng không phục vụ cho quốc kế dân sinh, không phải là mặt hàng thiết yếu nhưng vì nó ảnh hưởng đến kinh tế nên Chính phủ đã cho nhập khẩu vàng để giá vàng trong nước phù hợp với giá vàng quốc tế”.
Ông Bình khẳng định: “Hiện tượng nhập lậu vàng không còn nữa và kết quả là đã ổn định tỷ giá. Giá vàng trong nước cao hơn quốc tế không ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, không phải là đối tượng phải bình ổn giá”.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình (Ảnh: Nhật Minh/VNE) |
Ông Bình cũng cho biết, đến nay chưa có một cơ quan nào khảo sát lượng vàng trong dân, ước lượng khoảng 250 – 400 tấn vàng trước đây và hiện nay, có khoảng 250- 300 tấn vàng trong dân.
Theo tính toán của ông Bình, với 300 tấn vàng tương đương 15 tỷ đô la Mỹ nằm bất động ở vàng do chúng ta không sản xuất vàng mà nhập khẩu vàng. Chúng tôi đã đặt ra vấn đề không làm tăng thêm vàng hóa trong nền kinh tế. Đó là mục tiêu đặt ra trong đề án chống vàng hóa.
“Trong thời gian vừa qua, chúng tôi tích cực mua lại được 60 tấn vàng và có lượng tiền mặt tương đương khoảng 3 tỷ đô la Mỹ đã được đưa vào cuộc sống. Chúng ta còn mua thêm 80 tấn trong năm nay”, ông Bình đề ra giải pháp.
Thống đốc Bình “tâm sự”: “Chúng tôi nhận nhiệm vụ trong thời kỳ kinh tế hết sức khó khăn. Chúng tôi rất lo lắng về việc lấy tiền đâu để phục vụ đất nước trong khi quốc tế đang hết sức khó khăn. Vậy đặt ra là làm sao có đủ tiền? Điều này hết sức khó khăn”.
Trước câu trả lời của Thống đốc Bình, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết nói về việc giá vàng trong nước và quốc tế: “Thống đốc trả lời vậy nhưng đừng tưởng dân không biết gì. Với sự trả lời như thế thì Thống đốc có thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội năm 2011 hay không? Và số tiền từ việc huy động 60 tấn vàng thì để đưa vào sản xuất kinh doanh hay không?”
Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Ảnh: Việt Hưng) |
Thống đốc Bình nói: “Chính vì thực hiện Nghị quyết của Quốc hội mà Ngân hàng Nhà nước đã cho nhập khẩu 15 tấn vàng để cho giá vàng trong nước và Quốc tế bám sát nhau. Sau đó, chúng tôi không cho phép nhập 1 kg vàng nào nữa”.
"Doanh nghiệp mang quà đến cho Ngân hàng nhưng không phải tham nhũng"
Trước câu hỏi về thực trạng, nguyên nhân và phương hướng xử lý nợ xấu, ông Bình cho biết: “Chúng tôi nhìn thấy nợ xấu của hệ thống ngân hàng từ tháng 8/2011. Chúng tôi nhanh chóng xây dựng cơ cấu tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Hiện nay, tính đến 30/9, tỷ lệ nợ xấu 4,93%”. Và theo ông Bình, trong thời gian tới, tỷ lệ gia tăng nợ xấu tăng rất cao.
Nói đến nguyên nhân gây ra nợ xấu, ông Bình chỉ ra 5 nhóm nguyên nhân: tại các tổ chức tín dụng cho vay vốn, tại các doanh nghiệp vay vốn, về cơ chế chính sách vĩ mỗ và phát triên ngành, môi trường điều kiện quốc tế và trong nước, do công tác thanh tra giám sát không chỉ của ngân hàng mà các lĩnh vực khác. Theo ông Bình, do tăng trưởng tín dụng quá nóng dẫn đến chất lượng tín dụng không tốt. Trong tỷ lệ nợ xấu 4,93%, có đến 80% là có tài sản với hơn 50 - 60% có đảm bảo bằng bất động sản.
Ông Bình cho biết thêm: “Chúng tôi đã kiểm điểm lại năng lực tài chính của các ngân hàng thương mại. Để giải quyết vấn đề bất động sản thì phải có người mua và như vậy giá phải hợp với người dân. Nhu cầu mua nhà ở rất lớn".
"Để giải quyết vấn đề bất động sản thì phải có người mua và như vậy kết cấu xấy dựng và giá phải hợp với người dân" |
Trước câu hỏi tại sao có nợ xấu trong các ngân hàng thương mại và trách nhiệm của các ngân hàng thương mại, ông Bình cho biết: “Ở nhiều tổ chức tín dụng, tình hình chất lượng tín dụng là hết sức nguy hiểm. Có tổ chức tín dụng lên đến vài chục %. Chúng tôi kiên quyết yêu cầu các ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro”.
Nói về quan hệ giữa ngân hàng với doanh nghiệp, ông Bình ví von: “Trong các dịp lễ Tết, các doanh nghiệp mang quà đến cho các ngân hàng và khi làm ăn có hiệu quả thì các nhà ngân hàng lại mang quà đến cho các doanh nghiệp. Như vậy, tuy hai mà một”. Cả hội trường đã cười khi Thống đốc Bình phải đính chính trước “đây không phải là tham nhũng”.
Khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhắc về vấn đề các doanh nghiệp đang cần vay vốn nhưng khó tiếp cận, ông Bình kể: “Khi tôi nói chuyện với các ngân hàng cho các doanh nghiệp vay, các nhà ngân hàng nói: “Em cũng đang đốt đuốc đi tìm doanh nghiệp. Nhưng nếu cho vay ra mà không thu hồi được thì ai đứng ra chịu trách nhiệm, anh có ký bảo đảm không?”. Nói thế, tôi cũng xin chịu!”…
Chiều nay, 13/11, Thống đốc Nguyễn Văn Bình tiếp tục trả lời các câu hỏi chất vấn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét