Tiến sỹ Trần Lê Anh
Gửi cho BBCVietnamese.com từ Hoa Kỳ
Trong cuốn “Tại sao các quốc gia thất bại” được đón nhận khá rộng rãi năm nay, hai tác giả Daron Acemoglu và James Robinson cho rằng thể chế là yếu tố quyết định sự giàu nghèo của một quốc gia.
Họ cho rằng nhiều nước bị nghèo là vì giới cầm quyền cố ý duy trì những thể chế kinh tế mà họ có thể trục lợi cho riêng mình. Do đó, muốn phát triển thì cần phải thiết lập những thể chế theo hướng tạo điều kiện tối đa để nhiều người dân có thể tham gia một cách tự do vào các hoạt động kinh tế và chính trị. Acemoglu và Robinson cũng đặc biệt nhấn mạnh rằng thể chế chính trị quyết định thể chế kinh tế.
Thể chế là gì mà quan trọng vậy? Theo Douglass North (khôi nguyên Nobel kinh tế 1993), thể chế là những ràng buộc mà con người tạo ra để định hướng cho những tương tác giữa người với người. Hoặc nói một cách khác, thể chế là những “luật chơi trong một xã hội”. Nếu chúng là tốt thì sẽ khích lệ con người hành động theo hướng tạo ra những kết quả tốt đẹp, và ngược lại.Luật chơi trong xã hội
Ví dụ, khi người nông dân có trọn quyền sở hữu trên mảnh đất mà mình canh tác thì họ sẽ đầu tư tất cả sức lực và tiền của để cải thiện mảnh đất và lựa chọn loại cây trồng sao cho có hiệu quả kinh tế nhất.
Những “luật chơi” này bao gồm những thể chế chính thức (chẳng hạn như luật pháp, quyền sở hữu, và tam quyền phân lập) và những thể chế phi chính thức (chẳng hạn như những tục lệ, truyền thống, và chuẩn mực ứng xử trong xã hội). North cho rằng những thể chế không chính thức cũng rất quan trọng, chúng có ảnh hưởng đối với sự thành công hay thất bại của những thể chế chính thức. Ví dụ, cho dù nhiều đạo luật tốt được ban hành nhưng nếu thiếu vắng tinh thần thượng tôn pháp luật thì hiệu quả của chúng chẳng là bao.
Ngày nay, trong mối tương quan giữa phát triển kinh tế và thể chế, hiếm thấy ai bác bỏ tầm quan trọng của thể chế. Nhưng vấn đề là làm thế nào để thiết lập cho được những thể chế cần thiết? Trường hợp của Việt Nam cũng không là ngoại lệ.
Con đường phát triển của Việt Nam đang đòi hỏi mạnh mẽ sự đồng hành của cải cách thể chế. Tuy nhiên, sự khó khăn trong việc đẩy mạnh xây dựng những thể chế phù hợp vẫn đang là một nút thắt cần phải gỡ.
Trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay, quá trình cải cách thể chế phụ thuộc vào những yếu tố quan trọng như: thiện chí và quyết tâm chính trị của lãnh đạo, ước vọng và áp lực của người dân, và ảnh hưởng của thế giới bên ngoài.
Đây là một quá trình phức tạp, và những thể chế mới được hình thành ít nhiều sẽ có những đặc điểm vừa đặc thù Việt Nam vừa thể hiện xu hướng chung của thế giới. Dù gì đi nữa thì chúng cần phải phản ánh hoặc đòi hỏi những điểm quan trọng sau đây để có thể đi vào một quỹ đạo đúng.
Can thiệp của nhà nước
Một là, cần có sự cân bằng giữa vai trò của nhà nước và khu vực tư nhân. Hiện nay, sự can thiệp vẫn còn quá lớn của nhà nước vào nền kinh tế không những gây ra lãng phí các nguồn tài nguyên và chèn ép khu vực tư nhân mà còn làm cho vấn nạn tham nhũng ở Việt Nam khó được giải quyết.
"Hiện nay, sự can thiệp vẫn còn quá lớn của nhà nước vào nền kinh tế không những gây ra lãng phí các nguồn tài nguyên và chèn ép khu vực tư nhân mà còn làm cho vấn nạn tham nhũng ở Việt Nam khó được giải quyết. "
Lối giải quyết tốt nhất cho hiện trạng này là nhà nước nên để cho dân làm tất cả những gì mà thành phần tư nhân có thể làm được một cách hiệu quả. Đây cũng là một trong những cách hữu hiện để “phát huy sức mạnh của nhân dân” một cách thật sự, tránh bớt tình trạng hô hào khẩu hiệu suông.
Như một ví dụ, gần 25 năm trước, khi “khoán 10” ra đời đã tạo ra một bước đột phá cho nông nghiệp nông thôn Việt Nam, đưa Việt Nam từ tình trạng thiếu lương thực trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới trong một khoảng thời gian khá nhanh.
Vai trò của nhà nước nên tập trung vào để (a) giải quyết những trường hợp thất bại thị trường (chẳng hạn như độc quyền), (b) giúp xây dựng nguồn vốn con người, thông qua các chính sách về giáo dục và y tế, để gia tăng sức cạnh tranh lâu dài của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, (c) khuyến khích sự phát triển mạnh của doanh nghiệp vừa và nhỏ để làm nền tảng cho nền kinh tế, và (d) giảm bớt những bất bình đẳng trong xã hội.
Hai là, cần có tính minh bạch trong tất cả các hoạt động của bộ máy nhà nước cũng như trong lĩnh vực quản trị và điều hành doanh nghiệp. Một nhà nước được cho là “vì dân” thì nhất thiết dân phải được biết tường tận những gì nhà nước đang làm.
Minh bạch sẽ thúc đẩy trách nhiệm giải trình và hạn chế sự tùy tiện của những người nằm trong bộ máy nhà nước, gia tăng niềm tin của người dân, ngăn ngừa bớt sự trục lợi của các nhóm lợi ích, và tạo điều kiện để người dân tham gia vào các hoạt động quản lý nhà nước.
Hệ quả sẽ là một nhà nước có khả năng đáp ứng tốt hơn những nguyện vọng của dân.
Bên cạnh đó, việc đòi hỏi nâng cao tính minh bạch trong doanh nghiệp cũng là một trong những yếu tố quan trọng cho công cuộc xây dựng một nền kinh tế thị trường vững mạnh. Khi doanh nghiệp luôn cung cấp những thông tin cần thiết và chính xác thì niềm tin của nhà đầu tư và khách hàng được tăng lên, tạo điều kiện cho những doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng có thể mở rộng phát triển.
Thành công của khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam một phần lớn cũng phụ thuộc vào sự gia tăng ngày càng nhiều những doanh nghiệp không “ăn xổi ở thì.”
Cạnh tranh kinh tế và chính trị
Ba là, cần có cạnh tranh trong các hoạt động kinh tế và chính trị. Trong thương trường, khi doanh nghiệp phải cạnh tranh lành mạnh để tồn tại thì lợi ích sẽ đem đến cho toàn xã hội, được thể hiện qua giá cả phải chăng và hiệu suất cũng như sức sáng tạo được nâng cao.
"Trong chính trường, khi các chính trị gia phải cạnh tranh một cách minh bạch với nhau để tranh giành sự ủng hộ thì trách nhiệm giải trình sẽ được nâng cao, các vấn đề sẽ được mổ xẻ từ nhiều khía cạnh, và thực trạng dễ được phơi bày hơn."
Trong chính trường, khi các chính trị gia phải cạnh tranh một cách minh bạch với nhau để tranh giành sự ủng hộ thì trách nhiệm giải trình sẽ được nâng cao, các vấn đề sẽ được mổ xẻ từ nhiều khía cạnh, và thực trạng dễ được phơi bày hơn.
Bốn là, tựa như cách nói của North, cần phải kiến tạo những thể chế phi chính thức có khả năng hỗ trợ cho sự vận hành có hiệu quả của những “luật chơi mới” được chính thức thể chế hóa.
Theo đây, có thể liệt kê một vài “tinh thần” nên được làm trở thành những cái nếp thường xuyên trong ứng xử của người Việt như: phụng sự tổ quốc, thượng tôn pháp luật, tương thân tương ái, làm giàu chân chính, cầu thị, và cạnh tranh lành mạnh để vươn lên.
Nếu những tinh thần này mà được làm trở nên mạnh mẽ như tinh thần hiếu học của người Việt thì sẽ có nhiều hy vọng cho công cuộc xây dựng thể chế của Việt Nam.
Thể chế là do con người tạo ra cho nên cải cách thể chế cũng phải bắt đầu với yếu tố con người. Việt Nam đang cần những con người quyết tâm xây dựng thể chế để đưa đất nước đi lên.
Tiến sĩ Trần Lê Anh hiện là giáo sư kinh tế Đại học Lasell, tiểu bang Massachusetts, Hoa Kỳ. Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét