Pages

Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2013

Tham luận của Đại biểu Trương Trọng Nghĩa trước Quốc hội

Icon_Biển Đông_Đường Lưỡi Bò1
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa

Đôi lời: Tối qua báo Tuổi trẻ đăng bài tham luận trước Quốc hội của Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, nhan đề ”Lo lắng kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào Trung Quốc“. Tuy nhiên, so với bản gốc mà ông gửi cho các báo, bản trên Tuổi trẻ có thiếu vài đoạn.
Do đó, chúng tôi xin đăng toàn văn bài tham luận này. Toàn bộ phần chữ có màu xanh là nguyên văn bản tham luận, riêng phần màu xanh dương ở đầu không có trên Tuổi trẻ. Phần chữ có màu đen là Tuổi trẻ thêm vào so với bản mà chúng tôi có được.
———————
30/05/2013 21:12 (GMT + 7)
Lo lắng nhiều lĩnh vực của nền kinh tế đã và đang phụ thuộc vào Trung Quốc, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) đã có bài tham luận đăng ký phát biểu tại hội trường Quốc hội ngày 30-5.
Do không đủ thời gian, ông đã gửi tham luận đến Ban thư ký kỳ họp. TTO xin gửi đến bạn đọc bản tham luận này.
 Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho biết:
Kính thưa Quốc hội, kính thưa chủ tọa đoàn,
Tôi xin góp một số ý kiến như sau.
Các đại biểu QH, trong đó có tôi, với tinh thần chia sẻ khó khăn với Chính phủ, đã đem hết tâm huyết và trách nhiệm  để phân tích tình hình và đề ra giải pháp phát triển KT-XH cho năm 2013. Điểm nổi bật  là, tuy thừa nhận những nỗ lực và thành tựu của Chính phủ trong 2012 và 4 tháng đầu 2013, khá nhiều đại biểu cho rằng Báo cáo của Chính phủ không phản ánh đầy đủ và xác thực tình hình khó khăn, yếu kém, cả về những con số lẫn đánh giá, nhận định. Mặt khác, 8 giải pháp của Chính phủ nặng về liệt kê các đầu việc, các yêu cầu và mục tiêu phán đấu, không ít nội dung chỉ mới là những khẩu hiệu. Ban Thư ký đã có bản tổng hợp rất đầy đủ những ý kiến của đại biểu, rất mong Thủ tướng và các thành viên Chính phủ nghiên cứu kỹ các thông tin đó để vận dụng trong trọng trách của mình nhằm làm chuyển biến tình hình.
Tôi xin phép tập trung vào một điểm ít được nêu lên. Nhiều cử tri, doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế đã hết sức lo lắng về việc nhiều lĩnh vực của nền kinh tế nước ta đã và đang phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc với tốc độ, qui mô và tính chất đáng báo động.
Về đầu tư xây dựng, nhà thầu Trung Quốc đã thắng thầu nhiều (thậm chí phần lớn) dự án lớn, chủ yếu dựa vào tiêu chí giá rẻ, và những cam kết “muốn gì có nấy”, về sau mới thấy công nghệ, nhân lực và cả nguồn vốn của họ đều không đạt yêu cầu.
Thương lái TQ xâm nhập sâu vào các vùng miền nước ta, chi phối thị trường bằng các thủ thuật giá, thu mua với giá rẻ những mặt hàng để lại tác hại nhiều mặt cho chúng ta (như vụ mua cây trâm cổ ở Quảng Ngãi). Có những thứ không biết họ mua để làm gì. Nông sản, thực phẩm  và hàng công nghiệp TQ giá rẻ tràn ngập nước ta mà không bị kiểm soát về chất lượng và vệ sinh, an toàn, thậm chí có những mặt hàng dán mác VN. Có trường hợp dán cờ TQ lên hàng hóa bày bán trong siêu thị Việt Nam, mà chẳng dán cờ của nước nào khác, kể cả cờ VN. Hình cờ TQ dùng minh họa trong sách học đánh vần trong nhà trường VN, với lý do sách dịch từ TQ nên phải in cờ họ.
Do sức cạnh tranh giảm sút, thiếu công nghiệp hỗ trợ, ngày càng nhiều doanh nghiệp VN phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu đầu vào và cả công nghệ thấp của TQ, bởi vì giá rẻ, cách mua bán linh hoạt, và VN thiếu rào cản kỹ thuật rào, quản lý cửa khẩu lỏng lẻo. Trước tình hình kinh tế suy thoái, đang có sự e ngại về việc VN có thể trở thành bãi đáp công nghệ thấp cho các nhà đầu tư TQ, vì giá lao động rẻ, và quản lý dễ dãi về an toàn, vệ sinh, môi trường.
Đã có sự báo động là một số ngành công nghiệp VN có thể sẽ nhường chỗ cho doanh nghiệp TQ trên sân nhà. Có chuyên gia cung cấp số liệu là trong khi nước ta xuất siêu trong năm 2012, thì chúng ta lại nhập siêu trên 16 tỷ đô la từ TQ. Có thể nói, mọi nỗ lực và thành tích của chúng ta trong hơn hai thập kỹ qua trong việc đa phương hóa, đa dạng hóa đầu tư, thương mại, công nghệ và thị trường đang có nguy cơ bị xóa sổ.
Tôi cho rằng, chúng ta chưa điều tra và nắm rõ  đầy đủ số liệu, thông tin về sự phụ thuộc của nền kinh tế VN vào nền kinh tế TQ, nhất là  trong lĩnh vực đầu tư tài chính, mua bán công ty khi những thương vụ ấy diễn ra ngoài quốc gia. Sự lệ thuộc về kinh tế, nếu không có giải pháp đối phó, sẽ được sử dụng để phối hợp nhịp nhàng với cuộc đấu tranh về chủ quyền lãnh thổ trong tình huống cần thiết. Khi Trung Quốc uy hiếp tàu cá Việt Nam ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta, như báo chí đưa tin sáng nay, thì nguy cơ này càng hiển hiện.
 Trong thế giới ngày nay, dù toàn cầu hóa và hội nhập ở mức độ cao, tình trạng “mạnh được yếu thua”, “khôn sống mống chế” vẫn tồn tại và thách thức. Vì vậy, nhất là đối với các nước nhỏ yếu, hội nhập phải đi đôi với tăng sức cạnh tranh và bảo hộ hợp lý, nếu không thì chúng ta sẽ thua trên chính sân nhà. Đó là lời cảnh báo chuẩn xác cách đây gần hai mươi năm, khi chúng ta gia nhập AFTA, sau đó là WTO.
Thua kém có nhiều mức độ, nhưng lệ thuộc về kinh tế là sự thua kém đáng sợ nhất, nhất là khi nó đi kèm với mối đe dọa về chủ quyền lãnh thổ.
Rất mong Chính phủ sớm có giải pháp để khẩn trương, kịp thời ứng phó trước mắt, đồng thời có đối sách mang tính căn cơ, chiến lược lâu dài”.
Xin cám ơn Quốc hội.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa

—————————
Alabama
Hiện trạng nền “Kinh tế thị trường ddingj hướng xã hội chủ nghĩa” hiện nay:
1. Kinh tế Nhà nước: gồm “các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân”, là các “Anh cả Đỏ”, các “Quả đấm thép”…Nay các anh…ấy đang xấc bấc, xang bang, “lỗ thật, lời giả” và “lỗ giả, lời thật” ngay cả đại biểu Quốc hội cũng không biết đâu mà tin. Tất cả nằm vất xó một đống, “sống không tự đứng được, chết không chôn được” và cứ tiếp tục ngốn tiền ngân sách nhà nước, làm tê liệt cả nền kinh tế đất nước, nợ ngập đầu chỉ có cách lấy ngân khố quốc gia trả nợ…!; 
2. Kinh tế tư nhân: các tập đoàn, tổng công ty là sân sau của các quan lớn nhỏ, chủ yếu dành tài nguyên, đất đai hoặc ưu thế tài chính, mục đích duy nhất là kiếm tiền chênh lệch thật nhanh và thật nhiều…Để rồi đổ vào Bất động sản và chứng khoán. Nay BĐS đóng băng, phải chờ chính phủ lấy ngân sách nhóm lửa hà hơi thổi vào cho băng tan…Ba đến bốn trăm ngàn doanh nghiệp tư nhân kinh doanh chân chính , hoặc không cạnh tranh được với doanh nghiệp nhà nước về thị phần, hoặc do chính sách phân biệt đối xử về tín dụng, thuế, đấu thầu…nên đã chết trong 3 – 4 năm. Số còn lại ngắc ngoải chờ chết: thị trường thu hẹp,công nghệ lạc hậu, tín dụng bóp nghet…; 
3. Kinh tế FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) què cụt và cơ hội, sau 30 năm mở của cho đầu tư nước ngoài, ba ngành công nghiệp non trẻ đầy triển vọng của Việt nam là chế tạo máy, ô tô và điện tử đã bị xóa sổ, và hay hơn nữa là các doanh nghiệp FDI trong các nghành này cũng chấm dứt sản xuất ở Việt nam, chủ yếu nhập linh kiện vào lắp ráp… 
4. Thi trường Việt Nam đang tiêu thụ chủ yếu các sản phẩm máy móc, công cụ công nghiệp, dây chuyền sản xuất công nghiệp Trung Quốc và hầu hết sản phẩm tiêu dùng đều là hàng Trung Quốc. Các Dự án lớn nhất và quan trọng nhất của đất nước đều vào tay nhà thầu TQ… Sản xuất trong nước đình đốn, công ăn việc làm giảm sút mạnh, thu nhập thực tế giảm hơn 30% là điều kiện vàng cho doanh nghiệp và sản phẩm phế thải của Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường và thống trị người dân bằng chính nhu cầu thiết yếu của ho…
Đây không chỉ là “nền kinh tế quá phụ thuộc vào Trung Quốc” mà thực sự là một kịch bản hoàn hảo để Trung Quốc biến Việt Nam thành Tây Tạng thứ hai mà không cần một tiếng súng!
Cho đến nay, hầu hết các tranh luận về nhập siêu từ Trung Quốc đều cho rằng việc các nhà thầu Trung Quốc đưa ra giá rẻ để lừa các nhà đầu tư lười nhác nhưng tham lam tư túi của Việt Nam là nguyên nhân chính. Điều đó chỉ đúng một phần. Nguyên nhân chính của vấn đề không nằm ở vấn đề giá rẻ mà ở sự can thiệp của nhà nước Trung Quốc để các nhà thầu của họ thắng thầu một cách tinh vi. Họ sử dụng vốn vay ưu đãi như một củ cà rốt để nhử lãnh đạo Việt Nam đớp mồi. Và khi họ đưa cà rốt ra nhử thì chẳng có gì đáng ngạc nhiên là các cụ lười nhác nhưng tham lam nhà mình đều đớp hết. Tổng đầu tư FDI của TQ ở Việt Nam từ 1991 đến nay chỉ chưa đầy 3 tỷ đô la, nhưng vốn vay ưu đãi của chính phủ Trung Quốc cho các dự án trọng điểm quốc gia đã gần 20 tỷ đồng. Hơn 40 dự án lớn từ xây nhà máy nhiệt điện, khai mỏ, tín hiệu đường sắt, phức hợp điện đạm khí đốt, v.v. đều sử dụng vốn vay “ưu đãi” của Chính phủ Trung Quốc. Đây là một thủ thuật can thiệp của chính phủ Trung Quốc để ràng buộc Việt Nam vào gót giầy của họ. Vốn vay ưu đãi của TQ cho VN chủ yếu chỉ có hai loại là concessional loan và preferential buyer’s credit, với mức lãi ngân hàng khoảng 3%/năm trong thời hạn từ 5 đến 20 năm, và do ngân hàng China EXIM Bank quản lý. So với vốn vay ưu đãi của Nhật bản và các nước phát triển khác thì đây là món vay cắt cổ, bởi ODA của Nhật có mức lãi từ o đến dưới 2%/năm trong thời hạn 40 năm. China EXIM Bank còn có ràng buộc rõ ràng: Đã sử dụng vốn vay chính phủ Trung Quốc thì phải mua trang thiết bị máy móc và sử dụng kỹ thuật Trung Quốc. Mọi quy định chi tiết đều được công khai ở trang web sau đây:
http://english.eximbank.gov.cn/businessarticle/activities/loan/200905/9398_1.html 
Các chính khách Việt Nam không có thông tin, không đọc tài liệu và bị bịt mắt, các nhà đầu tư ngậm miệng ăn tiền, các nhà lãnh đạo thì đã quỳ gối làm nô thuộc nên dân đen chúng ta chỉ biết gào lên than khổ. Than ôi, mọi sự đã được định đoạt cả rồi, nhưng hễ ai biết mà dám nói ra thì cuối cùng cũng như Trương duy Nhất cả mà thôi.

Không có nhận xét nào: