Pages

Thứ Tư, 15 tháng 1, 2014

Một lòng hay hai lòng?

Đinh Kim Phúc gửi RFA 

Vi phạm trắng trợn UNCLOS 1982
035_pau705177_07-305.jpg
Tàu đánh cá Trung Quốc neo đậu tại một bến cảng ở thành phố Ôn Lĩnh ngày 16-09-2012.
AFP
Mới đây, theo tờ The Washington Free Beacon ngày 7/1/2014 cho biết Trung Quốc đã ra lệnh cho các tàu đánh bắt cá nước ngoài phải có sự chấp thuận của chính quyền địa phương trước khi đánh bắt cá hoặc khảo sát ở 2/3 khu vực trên Biển Đông, Lệnh mới đã có hiệu lực ngày 1 tháng 1 năm 2014 sau khi được các nhà chức trách chính quyền tỉnh Hải Nam ban hành hồi cuối tháng 11.
Theo đó, các tàu vi phạm quy định lệnh đánh bắt cá sẽ bị buộc rời khỏi khu vực, thủy sản đánh bắt được sẽ bị tịch thu và phải đối mặt với khoản tiền phạt lên đến 82.600 Mỹ kim. Trong một số trường hợp, các tàu đánh cá có thể bị tịch thu và thủy thủ đoàn bị truy tố theo luật pháp Trung Quốc.

Thực ra những lời tuyên bố của phía Trung Quốc không có gì mới.
Vào tháng 2-1992 Trung Quốc đặt ra “Luật về lãnh hải và vùng nước tiếp giáp của nước CHND Trung Hoa” (Luật lãnh hải), đây chỉ là cụ thể hóa “Tuyên bố của Chính phủ Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về Lãnh hải (Ðược thông qua trong kỳ họp thứ 100 của Ban Thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc ngày 4 tháng 9 năm 1958).
“Luật về lãnh hải và vùng nước tiếp giáp của nước CHND Trung Hoa” gồm 17 điều. Biên độ lãnh hải theo luật này áp dụng “12 hải lý tính từ đường bờ biển cơ bản (Điều 3). Hơn luật lãnh hải này còn qui định phạm vi lãnh hải của Trung Quốc bao gồm cả vùng biển tiếp giáp với nội thủy và lãnh thổ trên đất liền” Điều 2 về lãnh thổ trên đất liền xác định “tất cả đại lục Trung Quốc, các đảo ven biển, Đài Loan và các đảo phụ thuộc bao gồm đảo Điếu Ngư (Senkaku của Nhật Bản), quần đảo Bành Hồ, các quần đảo Đông Sa, Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam), Trung Sa, Nam Sa (Trường Sa của Việt Nam) và kể cả các đảo nhỏ khác có tên gọi Trung Quốc để khẳng định phạm vi chủ quyền của Trung Quốc.
Điểm đáng lưu ý là Điều 14 cho rằng “Trung Quốc có quyền truy đuổi tàu bè nước ngoài vi phạm luật pháp Trung Quốc” và “giữ quyền truy đuổi ở vùng biển nằm ngoài lãnh hải Trung Quốc” việc truy đuổi được thực hiện bởi những lực lượng quân sự như tàu chiến, máy bay của quân đội hay tàu bè, máy bay được chính phủ trao quyền chấp hành công vụ”.
Như vậy, chúng ta đã thấy rõ rằng Luật này đã vi phạm trắng trợn những gì Trung Quốc đã cam kết quốc tế trong lần ký kết Công ước quốc tế về biển của LHQ (UNCLOS) vào năm 1982.
Tất cả những căn cứ trên đã cho thấy rằng tư tưởng "Chủ quyền thuộc ngã" của Trung Quốc trên biển Đông là không thay đổi, cho nên những ai tin tưởng vào thiện chí của Trung Quốc đều là ảo tưởng.
035_pau705177_01-250.jpg
Tàu đánh cá của ngư dân Trung Quốc neo đậu tại một bến cảng ở thành phố Ôn Lĩnh, phía đông của Trung Quốc ngày 16 tháng 9 năm 2012. AFP PHOTO.
Cũng cần nhắc lại rằng, trong một khía cạnh khác, bên cạnh những áp đặt phi lý và đe dọa sử dụng vũ lực trên Biển Đông, Trung Quốc thường đưa ra luận điểm “gác tranh chấp, cùng khai thác” là một chủ trương nghe qua có vẻ hòa hoãn nhưng thực chất đây là một xu thế tấn công trên bàn đàm phán trong khi chờ “điều kiện chín muồi” để sử dụng bạo lực. Các chuyên gia về Trung Quốc ở Nhật Bản phân tích “Trung Quốc một mặt chủ trương “giải quyết hòa bình” cuộc tranh chấp nhưng mặt khác lại củng cố chiếm cứ bằng sức mạnh quân sự, cố chấp đàm phán song phương với nước có yêu sách về chủ quyền, phản đối việc giải quyết bằng thương lượng đa phương. Mặt khác Trung Quốc vừa đưa ra chủ trương “cùng nhau khai thác” tài nguyên đáy biển, “gác lại” vấn đề lãnh thổ với tiền đề là Hoàng Sa và Trường Sa và các đảo nhỏ, dãy đá ngầm khác là của Trung Quốc, lập trường xem biển Đông, là vùng biển “mang tính lịch sử”, chủ trương “giải quyết hòa bình” để “cùng khai thác” bằng cách “gác lại” nhưng chính Trung Quốc là nước thực quyền chi phối các quần đảo này”.
Vì vậy, nếu chấp nhận đàm phán với Trung Quốc là lọt bẫy của Trung Quốc, thừa nhận  một tiền đề là Trung Quốc có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa, một cái lưới mà Đặng Tiểu Bình từng sử dụng khi đàm phán về chủ quyền đảo Senkaku với Nhật Bản khi bình thường hóa quan hệ Trung-Nhật. Vấn đề Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm cứ tháng 1-1974 hay 7 đảo thuộc quần đảo Trường Sa đã bị chiếm đóng năm 1988 mới là vấn đề Việt Nam cần thương lượng để đòi phía Trung Quốc trao trả vì đây là chiếm cứ trái phép, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của nước CHXNCN Việt Nam chứ không thể đánh tráo bằng cụm từ “vấn đề do lịch sử” để lại theo chủ trương của nhà cầm quyền Trung Quốc.

Những người đồng chí, anh em

Thử hỏi Việt Nam đã có bao giờ mang quân sang gây hấn, hay tàu chiến của Hải quân Việt Nam bắt bớ, đánh đập và đòi tiền chuộc ngư dân Trung Quốc bao giờ chưa? Thế mà những người đồng chí, anh em đó đã làm như vậy, thường xuyên hù dọa, nạt nộ… thì người dân bình thường như chúng tôi sẽ phải hiểu như thế nào?
Thiết tưởng trong thế trận quốc phòng toàn dân, ngoài vấn đề xây dựng ý thức bảo vệ lãnh thổ và biển đảo, cần có sách lược và lộ trình lâu dài, từng bước bền bĩ  để biến cái “không thể tranh cãi” trở thành điều “có thể thương lượng được” với phía bạn trong việc trao trả những gì vốn là của dân tộc Việt Nam trong ôn hòa theo đúng “phương châm 16 chữ” và “tinh thần 4 tốt” mà lãnh đạo cao nhất của nhà nước Trung Quốc cam kết vì đây cũng là chỗ dựa để chúng ta có thể đặt lại vấn đề chủ quyền biển đảo một cách sòng phẳng và tĩnh táo. Chưa bao giờ trí tuệ và bản lĩnh của người Việt Nam đứng trước thử thách tuy vô cùng khó khăn tưởng chừng như không thể, nhưng dù muốn hay không, con người Việt Nam hôm nay phải gánh vác vai trò lịch sử đó.
Chúng ta không thể hô hào mãi khẩu hiệu “Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam” mà nên kết hợp thành một cuộc vận động quốc tế đòi trao trả Hoàng Sa-Trường Sa trong hoạt động đối ngoại, là một chủ đề trọng tâm trong những cuộc tiếp xúc để củng cố và nâng cao hợp tác song phương và đa phương ở tầm cao chiến lược trong khu vực và trên phạm vi toàn cầu. Thế giới phẳng ngày nay đã cung cấp cho Việt Nam một phương tiện để quảng bá những vấn đề cần được phổ biến ra bên ngoài trong thế chủ động, vấn đề còn lại là liệu chúng ta có lợi dụng được nó, phát huy tác dụng hổ trợ tích cực này được đến đâu mà thôi.
Trộm nghĩ nếu giữa hai nước Việt-Trung không tồn tại cái gọi là “vấn đề do lịch sử để lại” thì mối quan hệ này tốt đẹp biết bao, khả năng hợp tác toàn diện và chiến lược sẽ đưa Việt Nam lẫn Trung Quốc lên một tầm cao tương xứng với lòng tri ân và sự ngưỡng mộ, tin cậy và tôn trọng lẫn nhau của nhân dân hai nước thay vì kích động lòng “hãnh tiến dân tộc” Đại Hán mà một số người nào đó đang rắp tâm theo đuổi. Phải chăng đó là một quan hệ hài hòa, công bằng, bình đẳng đem lại sự phồn vinh lâu bền cho cả hai dân tộc chúng ta.
Trong Thông điệp năm mới 2014 đầu tiên trên cương vị Chủ tịch nước Trung Quốc, ông Tập Cận Bình một lần nữa nhấn mạnh “giấc mơ Trung Quốc”, khẩu hiệu mà ông đã nêu lên trong bài diễn văn đầu tiên sau khi trở thành nguyên thủ đất nước đông dân nhất thế giới “… Chúng ta, toàn thể người dân Trung Quốc đang tìm cách hiện thực hóa giấc mơ Trung Quốc, một sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa, cũng mong cho giấc mơ của nhân dân tất cả các nước trở thành hiện thực”.
Lãnh đạo Trung Quốc mong muốn đưa quốc gia của họ trở thành một cường quốc về kinh tế và quân sự, trước hết là số một châu Á, sau đó nhanh chóng vươn ra Thái Bình Dương, và giấc mơ sẽ thành hiện thực khi Trung Quốc thay thế Mỹ trở thành cường quốc số một trên thế giới.
Để thực hiện tham vọng vươn ra đại dương, ngoài việc khuấy động vùng Biển Hoa Đông, Bắc Kinh ngày càng nỗ lực hiện thực hóa “Đường lưỡi bò”, nhằm khẳng định chủ quyền phi lý và phi pháp của họ đối với vùng Biển Đông. Và để thực hiện được điều này, Trung Quốc không ngần ngại dư luận và luật pháp quốc tế, mang sức mạnh của nước lớn tranh giành với các nước láng giềng bé nhỏ: đưa ra vùng cấm đánh bắt trên Biển Đông, vùng cấm hoạt động hàng hải trên hải phận Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, đưa tàu Hải giám, Ngư chính của Trung Quốc (thực chất là tàu quân sự trá hình) tấn công xua đuổi các tàu cá của ngư dân Việt Nam hoạt động trên vùng truyền thống thuộc chủ quyền của mình bằng các cách thức mà “trời không dung đất không tha”.
Nhưng, như Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Nguyễn Văn Thơ đã phát biểu: “Phát triển quan hệ hữu nghị, tăng cường hợp tác toàn diện với Trung Quốc, chúng ta không hai  lòng, đấy là lợi ích của nhân dân”.
Trung Quốc có nghe ta không? Thưa ông Đại sứ?
Đinh Kim Phúc, 15/01/2014
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA

Không có nhận xét nào: