LA Times - Tác giả: Gary Schmitt
Người dịch: Huỳnh Phan
Bắc Kinh đang bỏ việc giấu mình và gây ra sóng gió trong khu vực.
Khó mà tin rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc (TQ) không dự định phản ứng tiêu cực từ các nước láng giềng và Hoa Kỳ khi tuyên bố thành lập vùng nhận dạng phòng không quá rộng trên biển Hoa Đông cuối tháng 11. Nhưng điều đó nẩy ra câu hỏi tại sao các lãnh đạo này lại hành xử theo cách như vậy khi mà Trung Quốc có quá nhiều vấn đề trong nước cần quan tâm cấp bách, và khi mà sự tăng trưởng tiếp tục và khả năng TQ đối phó với những vấn đề đó phụ thuộc vào một trật tự quốc tế ổn định. Sao lại chọn đấu đá giờ này?
Thật vậy, trong nhiều năm qua, Bắc Kinh chú trọng đưa ra những lời lẽ tốt đẹp về việc Trung Quốc “trỗi dậy hoà bình”. TQ lập luận rằng không giống như sự trỗi dậy của các cường quốc khác, việc Trung Quốc chuyển lên vị trí các nhà nước – dân tộc hàng đầu sẽ không đi kèm với sự đấu tranh nhằm dịch chuyển bá quyền.
Những người đối thoại với phương Tây cho biết, về mặt này TQ sẽ không theo bước chân của Đức thời Wilhelm, Đế quốc Nhật Bản hoặc Mỹ hồi thập niên 1890. Hành vi của TQ bị chi phối bởi lời khuyên của cựu lãnh đạo Đặng Tiểu Bình rằng TQ sẽ “không tìm cách dẫn đầu” và sẽ “duy trì vẻ yếu kém”. Khi chưa tới lúc có thể thể hiện ưu thế, Đặng Tiểu Bình khuyên tốt nhất là TQ nên “giấu mình chờ thời”.
Với lý do chính đáng. Bước nhảy vọt đáng kể của TQ từ nước nghèo khó lên nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới đã có thể thực hiện được nhờ một trật tự kinh tế quốc tế mà TQ đã và đang tận dụng hết mức. Bắc Kinh có mọi lý do để không giết con ngỗng vàng toàn cầu hóa bằng việc chuyển sự chú ý của các cường quốc khác trong khu vực từ thương mại và kinh doanh sang các vấn đề an ninh và vũ khí. Cũng không ai có thể nghĩ rằng hiện nay TQ sẽ muốn thách thức Hoa Kỳ vì chính sức mạnh và sự lãnh đạo của Mỹ chủ yếu đã giữ hệ thống giao thương thế giới hoạt động mạnh qua việc giữ cho mọi nước đều được sử dụng chung các tài sản chung lớn của thế giới và ngăn không để các cuộc chiến tranh thảm khốc giữa các cường quốc lớn xảy ra.
Vì vậy, một lần nữa, sao lại hành động hung hăng bây giờ?
Một câu trả lời mà các nhà TQ học đưa ra có tính quan liêu: Quân đội buộc tôi làm điều đó. Lập luận ở đây là các nhà lãnh đạo dân sự của TQ, những người luôn luôn tìm cách tăng thêm hậu thuẫn cho chính họ trong các phe phái tranh giành nhau của Đảng Cộng sản, theo đó sẽ cho phe quân sự nhiều nguồn lực hơn và sự linh động hơn để thu hút sự hậu thuẫn đó.
Nhưng không có bằng chứng vững chắc làm chỗ dựa cho giả thuyết này, và nó đi ngược lại với những gì chúng ta biết về cách mà các quốc gia độc đảng vận hành. Đặt những kẻ có súng và xe tăng nằm dưới tầm kiểm soát của lãnh đạo đảng là một tiền đề cai tri mà không có quan chức cấp cao nào của Đảng Cộng sản TQ cố ý bỏ qua. Và từ khi nắm lấy quyền lèo lái đảng vào tháng 10/2012, Chủ tịch Tập Cận Bình đã cho thấy rất ít nghi ngờ về việc ai sẽ phụ trách các vấn đề quân sự và an ninh.
Lập luận khác được đưa ra để giải thích hành vi gần đây của TQ liên quan đến sự yếu kém của Mỹ. Trong năm 2009, với sự suy thoái kinh tế lớn đang diễn tiến, cách tiếp cận có tính chiến lược lớn của chính quyền Obama đối với Bắc Kinh đã được người TQ nhìn như là một dấu hiệu của sự lùi bước của Hoa Kỳ. Thảo luận vào thời điểm đó của các quan chức cấp cao Mỹ về một G-2 có thể có và việc Tổng thống Obama tuyên bố rằng “mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và TQ sẽ định hình thế kỷ 21,” làm cho “nó cũng quan trọng như bất kỳ mối quan hệ song phương trên thế giới” có vẻ để thuyết phục người TQ rằng, sự trỗi dậy của họ lên vị trí đứng đầu có thể xảy ra nhanh hơn so với dự kiến do sự suy giảm nhanh hơn của Mỹ.
Cách lập luận đó chỉ tăng lên khi kế hoạch “xoay trục” sang châu Á của chính phủ đã bị cắt xén do ngân sách quốc phòng sụt giảm và thỏa thuận đối tác thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TTP) sẽ được ký kết sớm bất cứ lúc nào còn thiếu chắc chắn.
Tuy nhiên, sự yếu kém thấy được đó của Mỹ không phải là toàn bộ câu chuyện, ngay cả khi nó là một phần quan trọng. Cái cũng nằm trong sự tham vọng của TQ. Các nhà lãnh đạo TQ muốn đất nước của họ là một cường quốc, họ muốn TQ có tiếng nói chiếm ưu thế trong khu vực giống như thời họ là đế quốc trong quá khứ. Những phát biểu và xuất hiện đầu tiên nhất của Tập Cận Bình là để khơi động “giấc mơ Trung Hoa”, và chính dưới sự giám sát của ông mà hộ chiếu TQ với bản đồ chìm bao gồm vùng lãnh thổ do Nhật Bản, Việt Nam, Philippines và Ấn Độ đòi hỏi chủ quyền đã được phát hành.
Theo quan điểm của Bắc Kinh, Hoa Kỳ là kẻ đi xía vào chuyện người khác trong khu vực và là trở ngại chính để họ đạt tới mục tiêu chiếm ưu thế. Và, cũng giống như các cá nhân, các quốc gia có thể ghen tị và căm hận đối với những nước nào mà họ cho là đứng cản đường, ngay cả khi các quan hệ kinh tế và thương mại là trọng yếu. Chúng ta chỉ phải nhớ lại động lực giữa Đức thời Wilhelm và Anh trong những năm dẫn đến chiến tranh thế giới để đánh giá đúng sự cần thiết phải đề ra các chính sách đối mặt với thực tế này để tránh một thảm họa tương tự.
Khi Đặng Tiểu Bình nói, TQ nên làm ra vẻ yếu kém nhưng nói cho rốt ráo là chỉ cho đến khi họ thấy an toàn để thể hiện sức mạnh của mình một cách công khai. Chúng ta có thể đặt câu hỏi liệu TQ đã đạt đến điểm đó chưa. Nhưng đó là vấn đề với những tham vọng lớn, chúng rất khó để dập tắt hoặc rút lại.
Nếu chúng ta phải dự đoán thì việc đối phó với Bắc Kinh trong năm tới là không có vẻ dễ dàng hơn chút nào, nếu không thế thì thậm chí còn có thể khó khăn hơn.
Gary Schmitt là giám đốc Trung tâm Ware Marilyn về Nghiên cứu An ninh tại Viện Doanh nghiệp Mỹ
Nguồn: LA Times
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét