Ông Trương Tấn Sang là chủ tịch nước Việt Nam thứ hai trong 5 năm qua đã thăm và làm việc tại đảo Bạch Long Vĩ ở Vịnh Bắc Bộ, nơi tiếp giáp với Trung Quốc trên biển.
Người tiền nhiệm của ông Sang, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết, cũng có chuyến thăm tương tự tới huyện đảo Bạch Long Vĩ hồi năm 2010.
Dư luận Trung Quốc sau đó, đặc biệt là các trang mạng, nói nhiều tới cái mà họ gọi là "hòn đảo tranh chấp Bạch Long Vĩ", cho rằng Trung Quốc không chấp nhận chủ quyền của Việt Nam tại đây.Chuyến thăm của Chủ tịch Triết hồi đó đã gây tiếng vang lớn, nhất là vì khi ở Bạch Long Vĩ ông đã đưa ra một số tuyên bố cứng rắn khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông.
Tái khẳng định chủ quyền
Trong chuyến thăm Hải Phòng hôm thứ Hai 21/7, Chủ tịch Trương Tấn Sang đã trực tiếp tới thăm và khảo sát tại Bạch Long Vĩ, theo Thông tấn xã Việt Nam.
Ông đã nghe giới chức địa phương báo cáo về "cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên biển thường xuyên căng thẳng" ở nơi đây.
Bạch Long Vĩ là đảo xa bờ nhất trong vịnh Bắc Bộ, cách đất liền tới 130km. Hiện trên đảo có khoảng 500 dân.
Chủ tịch Trương Tấn Sang được nói đã tìm hiểu khả năng sẵn sàng bảo vệ chủ quyền của các đơn vị đóng trên đảo. Ông cũng cảnh báo rằng "tình hình trên biển và khu vực vẫn có những diễn biến phức tạp", đồng thời kêu gọi cán bộ chiến sỹ các lực lượng "hiệp đồng, phối hợp chặt chẽ, chủ động trong mọi tình huống không để xảy ra bị động bất ngờ".
Ông Sang cũng có buổi làm việc với Bộ Tư lệnh Quân khu 3 cùng một số đơn vị khác tại thành phố Hải Phòng.
Bên cạnh việc nhắc nhở các lực lượng sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền đất nước, ông chủ tịch cũng khuyến cáo "rút ra bài học từ vụ gây rối lợi dụng phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, để giữ vững ổn định an ninh, quốc phòng".
Khu vực Vịnh Bắc Bộ mới đây đã trở thành điểm nóng trong đấu tranh chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc. Hồi tháng Sáu, sau giàn khoan 981, Trung Quốc cũng chuyển giàn khoan Nam Hải số 9 vào vùng cửa Vịnh Bắc Bộ và còn dự tính chuyển thêm một số giàn khoan khác nữa vào khu vực này.
Giàn khoan 981 sau khi rút khỏi vị trí ban đầu trong vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa cũng di chuyển về hướng Tây-Tây Bắc, tức lên phía Vịnh Bắc Bộ.
'Đảo tranh chấp'?
Phát biểu của ông Trương Tấn Sang về ngôn từ dường như không mạnh mẽ bằng người tiền nhiệm. Hồi đầu năm 2010, ông Nguyễn Minh Triết khẳng định "Việt Nam sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền và không nhượng bộ dù chỉ một tấc đất biển đảo".
Lúc đó, các nguồn tin Trung Quốc khi đề cập tới chuyến thăm của ông Triết có gọi đảo Bạch Long Vĩ là hòn đảo "đang tranh chấp", đại ý "Việt Nam bắt đầu kiểm soát đảo Bạch Long Vĩ từ năm 1957, nhưng Trung Quốc không thừa nhận chủ quyền Việt Nam trên hòn đảo này".
Một trang mạng của Trung Quốc viết "trong Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ năm 2000, hai nước chỉ phân chia vùng biển, chứ không nói đến chủ quyền của hòn đảo Bạch Long Vĩ và Việt Nam chỉ tạm thời giữ đảo Bạch Long Vĩ chứ không có chủ quyền".
Giới chức Việt Nam đã cực lực phản đối quan điểm này.
Tháng 10/1954, sau khi ký Hiệp định Geneve, quân đội Pháp rút khỏi miền Bắc Việt Nam. Đảo Bạch Long Vĩ lúc đó vẫn là của Việt Nam, nhưng do có một số khó khăn, Bắc Việt Nam đã nhờ Trung Quốc ra tiếp quản hộ.
Trung Quốc "giữ hộ Việt Nam", tới đầu năm 1957 thì Hà Nội tiếp quản lại đảo.
Quá trình đàm phán Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc không đề cập tới vấn đề chủ quyền đảo Bạch Long Vĩ.
Bạch Long Vĩ là đảo nhỏ nhưng có ý nghĩa về chiến lược rất lớn.
Đảo này được coi là tiền đồn của Việt Nam trên Vịnh Bắc Bộ, có thể từ đây quan sát toàn bộ đảo Hải Nam, bán đảo Lôi Châu và vịnh Tam Á.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét