Pages

Chủ Nhật, 20 tháng 7, 2014

Lộ trình lấy lại Hoàng Sa – Phan Chánh

1Hiện nay, Việt Nam và Ukraina là hai quốc gia có chung tình cảnh mất đảo và bán đảo vào tay nước lớn láng giềng Trung Quốc và Nga.
Năm 1974, Trung Cộng sử dụng hải quân để đánh chiếm phi pháp Hoàng Sa, năm 2014, Nga đưa lý do bảo vệ người nói tiếng Nga, bất chấp các hiệp ước quốc tế, sáp nhập Crimea vào lãnh thổ Liên Bang Nga. Ukraine và Việt Nam đều là nước nhỏ, thế yếu liệu có thể đòi lại phần lãnh thổ thiêng liêng đã mất không?
Nếu thắng kiện trước Trung Cộng có lấy lại được Hoàng Sa?
Trường hợp Philippines kiện Trung Cộng ra tòa Trọng Tài Thường Trực (PCA). Nếu người Philippines thua kiện thì kể như trao biển đảo chủ quyền cho kẻ cướp. Nếu người Philippines thắng kiện thì liệu cơ quan quốc tế nào, hoặc quốc gia nào đứng ra thực thi vai trò thừa phát lại, bảo đảm chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải hợp pháp cho người Philippines. Sẽ rất ngớ ngẩn nếu tin rằng chính quyền Bắc Kinh tự nguyện chấp hành phán quyết án tòa.

Ngay việc khởi kiện Trung Cộng chế độ Cộng Sản Hà Nội còn không dám, nhưng nếu Việt Cộng kiện, và thắng kiện thì chuyện đó cũng không phải là yếu tố triệt để buộc Trung Cộng chấp hành trả Hoàng Sa.
Trường hợp Campuchia và Thái Lan tranh chấp đền Preah Vihear và Thái Lan chấp hành phán quyết án tòa về chủ quyền của Campuchia là điểm sáng văn minh.
Khi Trung Cộng dùng vũ lực cướp Hoàng Sa từ chính thể Việt Nam Cộng Hòa, lập đơn vị hành chánh phi pháp Tam Á, tiếp tục trưng ra yêu sách đường lưỡi bò phi lý và phi pháp nhằm độc chiếm biển Ðông, chuyện trông chờ Bắc Kinh hành xử như một nhà nước văn minh là không tưởng.
Ngay chính hàng trăm ngàn người dân Hồng Kông, Ma Cao, biểu tình, trưng cầu dân ý đòi quyền dân chủ trực tiếp bầu cử lãnh đạo đặc khu như Bắc Kinh đã hứa, họ cũng phải đối diện tính trí trá của thể chế Bắc Kinh.
Thật là mơ hồ nếu tin tuyên bố của ông chủ tịch Tập Cận Bình rằng: “Bá quyền và quân phiệt không có trong huyết quản của người Trung Quốc. Trước sau như một Trung Quốc sẽ theo đuổi con đường phát triển hòa bình vì đây cũng lợi ích của Trung Quốc, lợi ích của Châu Á và của cả thế giới.”
Thế nên dư luận Việt Nam hoài nghi về khả năng của giải pháp hòa bình và pháp lý chung chung sẽ lấy lại được Hoàng Sa. Nhưng tiến hành các biện pháp vũ lực với Bắc Kinh trong việc lấy lại Hoàng Sa là điều không người Việt văn minh và hiếu hòa nào muốn.
Bài học Crimea của Ukraina
Trở lại với trường hợp Crimea của Ukraina, tin thế giới cho biết. Khối EU đã phát đi thông báo rằng. Cả khối EU sẽ không mở cửa cho bất kỳ loại hàng hóa nào từ Crimea thuộc về Liên Bang Nga.
Tín hiệu trên từ quyền lực mềm của khối EU là rõ ràng. Thế giới văn minh đã mạnh mẽ xác định nguyên tắc: Crimea là của Ukraina. Tất nhiên, không có chuyện ngay tức thì Nga sẽ nhượng bộ, trao trả Crimea, nhưng chính ý chí của các nước văn minh và hùng mạnh sẽ là một bảo đảm bằng luật pháp quốc tế cả bằng sức mạnh kinh tế.
Liệu tương lai gần Nga có trao trả Crimea cho Ukraina chỉ vì chịu áp lực nặng nề từ các giải pháp không chiến tranh? Không ai chắc điều đó, nhưng nếu các giải pháp không tiếng súng khác vẫn được khối EU kiên trì tiến hành, điều đó sẽ bảo đảm cho Ukraina một lộ trình hướng tới ngày thu hồi Crimea, toàn vẹn lãnh thổ.
Chính sách trên của khối EU với trường hợp Crimea có khi là giải pháp cụ thể khả thi cho Việt Nam đấu tranh hòa bình lấy lại Hoàng Sa!
Nga là cường quốc hành xử ngang ngược với Ukraina, Trung Cộng là đế chế đang ngang ngược không kém ở biển Ðông. Ukraina với quyết tâm đấu tranh cho toàn vẹn lãnh thổ, đã chủ động liên kết để trở thành một phần của khối EU cùng lương tri các quốc gia văn minh.
Trong khi Bắc Kinh lại rất hả hê, vì hiện nay chính thể Hà Nội chấp hành lệnh cấm của Bắc Kinh, họ sợ hãi không dám liên kết đồng minh với sức mạnh và lương tri của một siêu cường hay khối quốc gia văn minh, hùng mạnh nào cả.
Chính sách làm bạn bề nổi với tất cả các nước để rộng đường kinh tế, thương mại không phải là một chính sách tạo một điểm tựa lúc nguy nan trước giặc ngoại xâm của một nước nhỏ. Bị kịch của dân tộc Tây Tạng sống khép kín thiếu liên kết đã bị Trung Quốc xâm lăng là một bài học cảnh tỉnh.
Mối liên kết “ân nghĩa” trước đây giữa Hà Nội và Bắc Kinh được ca tụng bằng 16 chữ vàng đã khiến Hoàng Sa và những phần chủ quyền khác bị Trung Cộng thâu tóm. Bắc Kinh đâu dừng lại, họ sẽ còn đưa ra những lợi ích cốt lõi phi pháp khác để cướp đoạt.
Thế thì tại sao Hà Nội lại né tránh, sợ sệt trong việc liên kết sâu sắc với khối các quốc gia văn minh sẵn sàng có những giải pháp thiết thực bảo vệ, tôn trọng lẽ sinh tồn và phát triển trong hòa bình của dân tộc Việt Nam.
Ðồng minh sâu sắc với khối các quốc gia dân chủ văn minh và cùng với các quốc gia đó kiên quyết quyền thực thi luật biển, luật pháp quốc tế là rộng lộ trình hướng tới ngày lấy lại Hoàng Sa.
Lộ trình lấy lại Hoàng Sa
Diễn biến mới về việc Trung Cộng rút giàn khoan HD-981, đó chỉ là một động thái chiến thuật của Trung Cộng. Dư luận Việt Nam cho rằng sự kiện Thượng Viện Hoa Kỳ thông qua nghị quyết về biển Ðông đã khiến Trung Cộng lo sợ những bước đi tiếp theo của Hoa Kỳ.
“Không đứng về bên nào trong tranh chấp về biển Ðông.” Ðâu phải là chính sách bất di bất dịch của Hoa Kỳ. Việc Thượng Viện Hoa Kỳ ra nghị quyết về biển Ðông là dấu hiệu cho thấy Hoa Kỳ có thể thay đổi chính sách trung lập trước đây.
Chắc chắn Trung Cộng sẽ đưa giàn khoan trở lại, không chỉ một mà là hàng chục giàn khoan Trung Cộng tới đây sẽ tràn xuống biển Ðông. Trước mưu mô sâu hiểm nhằm thâu tóm trắng trợn vùng biển chiến lược này của thế giới của Bắc Kinh chắc chắn Hoa Kỳ, khối EU,và các quốc gia Ðông Nam Á sẽ liên kết lại bằng sức mạnh luật pháp quốc tế và quyền lực văn minh.
Trung Quốc dùng bạo quyền phi pháp cấm khai thác khoáng sản, hải sản ở biển Ðông, khối liên kết các quốc gia dân chủ và văn minh ở khu vực này cũng có quyền ra tuyên bố cấm hàng hóa và mọi sản phẩm mà Bắc Kinh hợp tác với các công ty đa quốc gia có xuất xứ từ biển Ðông.
Ðối phó với các yêu sách, cấm đoán đơn phương và phi pháp của Trung Quốc bằng sự liên kết cấm vận Trung Quốc từ khối nước văn minh sẽ là giải pháp hữu hiệu.
Cấm vận dù với hình thức nội dung nào đều gây thiệt hại cho các bên liên quan, nhưng ít ra giải pháp đó cũng tránh được chiến tranh nóng, bảo vệ luật pháp pháp quốc tế và quyền các nước nhỏ, cũng như giúp chính Bắc Kinh quay lại với giá trị chung sống và vươn lên trong hòa bình vì lợi ích của nhân dân Trung Hoa.
Việt Nam là một nước nhỏ, quyền lực cứng không thể sánh với siêu cường Trung Cộng. Nhưng thế giới hiện nay và tương lai thuộc về quyền lực mềm. Dư luận Việt Nam hiện nay đã thấm thía câu nói của cố Tổng Thống Nga Boris Yeltsin, “Cộng sản không thể cải tạo mà chỉ có thể dẹp bỏ mà thôi.”
Các phong trào dân chủ, các tổ chức xã hội dân sự mới hình thành trong nước đã chứng minh sự đấu tranh cho Việt Nam trở thành quốc gia dân chủ, để liên kết sâu sắc với quyền lực mềm từ khối các cường quốc và quốc gia dân chủ văn minh; hướng tới lộ trình thu hồi quần đảo Hoàng Sa về đất mẹ.

Không có nhận xét nào: