∇ Nghe Bài Này
|
Nội các Nhật Bản hôm nay vừa thông qua nghị quyết rỡ bỏ hạn chế hoạt động tham chiến của quân đội Nhật tại nước ngoài. Đây là một động thái đã được dự đoán từ lâu do những thách thức về an ninh trong khu vực thời kỳ mới mà Nhật Bản đang phải đương đầu. Thay đổi này từ phía Nhật có ý nghĩa thế nào với các nước trong khu vực Đông Nam Á như Việt Nam và Philippines là những nước đang có những tranh chấp về chủ quyền gay gắt với Trung Quốc trên biển Đông?
Phản ứng của các nước
Lệnh cấm quân đội Nhật tham chiến ở nước ngoài vốn có hiệu lực kể từ sau thế chiến thứ hai, cuối cùng cũng đã được rỡ bỏ với nghị quyết mới vừa được nội các Nhật Bản thông qua vào ngày 1 tháng 7. Trong khi Nhật Bản coi sự thay đổi này là một bước đi quan trọng giúp Nhật gia tăng khả năng phòng vệ tập thể, đối phó với những mối đe dọa từ sự lớn mạnh của Trung Quốc, những nước trong khu vực nhìn nhận vấn đề này khác nhau.
Ngay từ trước khi nội các Nhật Bản ra nghị quyết mới, Tổng thống Philippines, Benigno Aquino, trong chuyến thăm Nhật hôm 24 tháng 6 đã lên tiếng ủng hộ những thay đổi này. Trong thông báo sau cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tại Tokyo vào cùng ngày, ông Aquino nói Philippines tin là các nước có thiện chí sẽ có lợi chỉ khi nào chính phủ Nhật được tăng cường khả năng để giúp các nước khác và được phép trợ giúp những nước cần sự giúp đỡ, đặc biệt là trong lĩnh vực phòng vệ tập thể.
Vấn đề Nhật Bản chuẩn bị hiến pháp mở rộng vai trò của quân đội trong phòng thủ tập thể thì tôi nghĩ chỉ có giá trị răn đe đối với Trung Quốc.
-Đinh Kim Phúc
Thay đổi này từ phía Nhật cũng được coi là sẽ được Hoa Kỳ ủng hộ giữa lúc nước Mỹ đang phải thực hiện những cắt giảm đáng kể trong ngân sách và dư luận trong nước không mấy mặn mà với sự can thiệp sâu về quân sự của Mỹ ở nước ngoài. Phát biểu trước chuyến thăm Nhật của Tổng thống Barack Obama vào cuối tháng 4 vừa qua, phát ngôn viên Bộ quốc phòng Mỹ, trung tá thủy quân lục chiến Jeff Pool nói rằng Bộ Quốc phòng Mỹ hoan nghênh việc tái xem xét diễn dịch hiến pháp của Nhật liên quan đến phòng vệ tập thể. Ông nói Mỹ tin là điều này sẽ giúp Nhật Bản và Mỹ có thể hợp tác với nhau làm được nhiều điều hơn nữa vì sự thịnh vượng và an ninh trong khu vực.
Trong khi đó, chuyên gia về biển Đông của Việt Nam, học giả Đinh Kim Phúc nhận định, sự thay đổi này chỉ có tác dụng răn đe Trung Quốc mà thôi:
“Vấn đề Nhật Bản chuẩn bị hiến pháp mở rộng vai trò của quân đội trong phòng thủ tập thể thì tôi nghĩ chỉ có giá trị răn đe đối với Trung Quốc trong sự hung hãn của Trung Quốc ngày hôm nay mà thôi. Còn đối với Việt Nam thì theo tôi nhìn nhận của một người nghiên cứu về quan hệ quốc tế ở Đông Nam Á và Châu Á Thái Bình Dương hơn 60 năm qua thì tôi rằng đứng về khía cạnh Việt Nam nếu tin vào một cường quốc nào đó thì chắc chắn Việt Nam sẽ trả giá, vì 60 năm qua nhiều cường quốc đã mặc cả trên lưng Việt Nam kể cả Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Việt Nam Cộng hòa. Và sự mặc cả giữa các cường quốc với nhau là bán rẻ quyền lợi của Việt Nam… Đối với Việt Nam ngày nay cái quan trọng là phải xây dựng nội lực.”
Sau khi nội các Nhật thông qua nghị quyết mới, Trung Quốc cũng đã lên tiếng phản đối ngay lập tức. Phát biểu với báo giới tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm 1 tháng 7, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói Trung Quốc phản đối sự bịa đặt của Nhật Bản về những đe dọa từ Trung Quốc vì mục đích chính trị nội bộ của Nhật. Trung quốc yêu cầu Nhật Bản phải tôn trọng những quan ngại về an ninh hợp lý của các nước láng giềng Châu Á và nên xử lý các vấn đề có liên quan một cách cẩn trọng.
Nhật Bản có thể làm gì?
Nghị quyết mới của nội các Nhật Bản nói rõ Nhật Bản có thể sử dụng quan đội ở mức tối thiểu cẩn thiết trong các trường hợp khi một nước có mối quan hệ chặt chẽ với Nhật bị tấn công và phải đáp ứng 3 điều kiện cần và đủ bao gồm: có một đe dọa thực sự với sự tồn tại của nhà nước Nhật Bản, có mối nguy hiểm rõ ràng tới quyền sống, tự do, theo đuổi hạnh phúc của người dân Nhật, và khi không còn một giải pháp thay thế nào khác.
Chuyên gia cao cấp về Nhật Bản thuộc trung tâm Stimson, Hoa kỳ, bà Yuki Tatsumi, tỏ ra nghi ngờ về khả năng can thiệp sâu hơn của Nhật vào khu vực Đông Nam Á bởi chính những điều kiện ràng buộc này.
“Tôi hiểu là có 3 điều kiện kèm theo khi việc diễn dịch lại hiến pháp được thực hiện. Nó sẽ không cho phép Nhật Bản thực hiện một vài trò lớn hơn lắm trong thời bình. Việc diễn dịch lại chủ yếu nhắm vào việc Nhật Bản có thể làm gì trong điều kiện khẩn cấp trong các vùng gần Nhật. Cho nên tôi không chắc lắm về việc Nhật Bản sẽ tham gia tích cực vào gìn giữ hòa bình trong thời kỳ hòa bình. Tôi thực sự không rõ là chính phủ Nhật sẽ làm gì với vấn đề này.”
Cũng cần phải nói thêm là trong khi việc nới lỏng hạn chế, cho phép quân đội Nhật tham gia tích cực hơn vào các hoạt động về gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, thì chính phủ Nhật lại không muốn quân đội Nhật thực sự tham chiến trong những cuộc chiến nhiều bên ở nước ngoài. Phát biểu trong cuộc họp báo sau khi nội các thông qua nghị quyết mới, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cho biết Nhật Bản sẽ không tham gia và các cuộc chiến có nhiều bên như cuộc chiến vùng vịnh 1990 – 1991 hoặc cuộc chiến Iraq 2003 do Mỹ dẫn đầu.
Tôi không chắc lắm về việc Nhật Bản sẽ tham gia tích cực vào gìn giữ hòa bình trong thời kỳ hòa bình. Tôi thực sự không rõ là chính phủ Nhật sẽ làm gì với vấn đề này.
-Yuki Tatsumi
Trong khi khả năng tham chiến của quân đội Nhật ở nước ngoài vẫn đòi hỏi nhiều điều kiện, việc Nhật Bản hợp tác với các nước thuộc khu vực châu Á Thái Bình Dương đã và sẽ được thực hiện dưới nhiều hình thức từ việc cung cấp vũ khí đến đào tạo nhân sự và diễn tập quân sự chung. Nói về khả năng Nhật Bản sẽ gia tăng các hỗ trợ cho những nước như Việt Nam và Philippines trong thời gian tới, bà Yuki Tatsumi cho biết:
“Nhật Bản chắc chắn có thể sẽ mở rộng hợp tác an ninh với Philippines hoặc Việt Nam không nhất thiết là phải thông qua hợp tác quân sự mà có thể qua vốn ODA để cho Philippines và Việt Nam mượn hoặc mua một số các vũ khí đã qua sử dụng. Các lực lượng hải quân và tuần duyên của các nước này có thể sử dụng những trang thiết bị này. Trong thời bình, Bộ quốc phòng có thể đào tạo nhân sự cho hai nước để sử dụng và bảo hành các trang thiết bị này. Những hoạt động này không bao gồm việc phải bắn bất cứ phát súng nào. Những hợp tác này có thể được thực hiện và mở rộng và hy vọng là với hợp tác an ninh ở mức thấp, và hậu cần, Nhật Bản có thể giúp các nước khu vực Đông Nam Á, những nước đang phải chật vật đối phó với một Trung Quốc hung hăng, xây dựng khả năng của mình để có thể đối phó với Trung Quốc.”
Theo bà YukiTatsumi, có thể chính phủ Nhật sẽ nới lỏng những hạn chế trong nguyên tắc về cung cấp vốn ODA cho nước ngoài để có thể cung cấp vũ khí cho các nước. Hiện tại ODA của Nhật không bao gồm các trợ giúp về lĩnh vực quân sự. Hiện Nhật Bản là nhà cung cấp ODA lớn nhất của Việt Nam. Riêng năm tài khóa 2012 – 2013, cam kết ODA của Nhật cho Việt Nam đã là hơn 2 tỷ đô la, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và biến đổi khí hậu.
Nhật Bản và Philippines cũng đang trong quá trình đàm phán để Nhật Bản có thể cung cấp các tàu tuần tra cho Philippines. Theo bà Yuki Tatsmumi, có hai khuôn khổ mà hai nước có thể áp dụng trong hợp tác này, hoặc theo dạng ODA hoặc theo hợp tác giữa lực lượng tuần duyên hai nước. Dù theo bất cứ dạng nào thì cũng không liên quan đến việc diễn giải lại hiến pháp của Nhật.
Hồi tháng trước, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, trong một cuộc phỏng vấn với tờ Wall Street Journal cũng cho biết Phó Thủ tướng Việt Nam, Vũ Đức Đam đã trực tiếp đề nghị Nhật Bản cung cấp cho Việt Nam những tàu tuần duyên càng sớm càng tốt.
Theo bà Yuki Tatsumi, bất kể việc diễn giải lại hiến pháp của Nhật ra sao, thì điều này cũng không ngăn cản khả năng mở rộng hợp tác quốc phòng an ninh của Nhật với các nước trong khu vực vì nó chỉ có lợi cho Nhật trong việc đối phó với những thách thức từ Trung Quốc
.
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét