Pages

Thứ Sáu, 4 tháng 7, 2014

Trung Quốc khởi động “chiến tranh bản đồ”

Harry Kazianis - một học giả, biên tập viên kỳ cựu của tạp chí Internet National có trụ sở ở thủ đô Washington cho rằng “cách tiếp cận của Trung Quốc là khởi động chiến tranh bản đồ”.
Tạp chí Diplomat (Nhật Bản) có bài phân tích, đánh giá của Ankit Panda, từng là chuyên gia nghiên cứu về các vấn đề khủng hoảng ngoại giao, an ninh, công nghệ quốc tế và địa chính trị tại Đại học Princeton, cho rằng việc Trung Quốc xuất bản bản đồ mới về bề ngoài có vẻ như không tệ hại bằng những hành động thù địch, khiêu khích gần đây của Bắc Kinh như thiết lập khu nhận diện phòng không trên Biển Hoa Đông liên quan đến tham vọng đoạt quần đảo Senkaku từ tay Nhật Bản và việc đưa giàn khoan Hải Dương 981, tàu, máy bay hộ tống vào thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, bản đồ 10 đoạn mới ngay lập tức đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nước trong khu vực Biển Đông, thậm chí cả Ấn Độ.



Ankit Panda trích dẫn phát biểu của Harry Kazianis – một học giả, biên tập viên kỳ cựu của tạp chí Internet National có trụ sở ở thủ đô Washington, cho rằng “cách tiếp cận của Trung Quốc là khởi động chiến tranh bản đồ”. Ankit Panda nhận định rằng bình luận của Harry Kazianis rất đúng đối với trường hợp này. Chuyên gia gốc Ấn Độ này cho rằng bằng việc phát hành bản đồ mới sẽ là bước đà để Bắc Kinh tiếp tục đẩy mạnh các hành động trên thực địa, rất có thể kế tiếp đó sẽ là các tuyên bố tương tự như việc thiết lập vùng nhận diện phòng không trên Biển Đông, trơ tráo, ngang ngược khai thác tài nguyên và tiến hành tuần tra thường xuyên trên vùng biển không phải của Trung Quốc.

Hiện dư luận quốc tế vẫn đang có một câu hỏi lớn về việc vì sao Trung Quốc tiếp tục phát hành bản đồ 10 đường đứt đoạn thay vì 9 đoạn như trước? Tại sao Trung Quốc không sử dụng đường vẽ 1 nét để thể hiện cái gọi là “đường biên giới biển” như Trung Quốc mong muốn vào thời điểm này? Chuyên gia Ankit Panda nhận định rằng điều này xuất phát từ một số lý do. Trước tiên, phải hiểu rõ được những "lợi ích" mà Trung Quốc đang có và muốn có từ các bản đồ đứt đoạn (lúc 9, lúc 10) này.

Tất nhiên, những gì Trung Quốc vẽ ra đều thể hiện cái mà Trung Quốc mong muốn, có lợi cho Trung Quốc cũng giống như các bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông đều đến ngồi bên bàn đàm phán với những bản đồ thể hiện khu vực của chính mình. Với Trung Quốc, việc công bố và lưu hành bản đồ đường đứt đoạn phi pháp trên Biển Đông là sự nối tiếp của ý tưởng từ bản đồ do chính quyền Quốc Dân Đảng trước đây tưởng tượng và vẽ ra vào năm 1947.

Theo Ankit Panda, các đường đứt đoạn được Trung Quốc chế vào các bản đồ yêu sách của mình là để tạo ra "sự mơ hồ có tính toán rất kỹ lưỡng" của Bắc Kinh. Các giới chức Trung Quốc cũng từng tuyên bố những vạch đứt đoạn không tượng trưng cho 1 "tuyên bố chủ quyền bất khả xâm phạm" đối với khu vực mà các đường đứt đoạn vạch ra. Trên thực tế, Trung Quốc ngầm cho đó là khu vực (nằm trong các đường đứt đoạn) mà Bắc Kinh có thể mở rộng khả năng kiểm soát tối đa đối với khu vực.

Ankit Panda nhận định bằng việc sử dụng các đường đứt đoạn trong các tấm bản đồ, Bắc Kinh dường như vẫn muốn giữ nguyên lập trường của mình về các tuyên bố trước đây nhưng để mở ra khả năng nhượng bộ và đàm phán với các quốc gia liên quan ở khu vực Biển Đông.

Ankit Panda cho rằng nếu tiến hành những hành động và tuyên bố như vậy chắc chắn Bắc Kinh sẽ gặp bất lợi và cản trở lớn hơn bởi tính mơ hồ để Trung Quốc lợi dụng, mở rộng yêu sách không còn nữa, thậm chí còn chưa tính đến phản ứng và hành động của Mỹ, Nhật Bản và ngay cả Nga.

Với yêu sách bản đồ đứt đoạn hiện nay, người ta có thể hình dung ngay ra rằng Trung Quốc đã và vẫn đang thành công trong việc phối hợp giữa chiến thuật "Cắt lát xúc xích" và "ngoại giao song phương" tại khu vực (trong vòng 10 vạch đứt đoạn) mà Trung Quốc chưa kiểm soát được hết nhưng đã kiểm soát được phần lớn diện tích của khu vực "lòng chảo, vạc dầu của châu Á" này. Đây cũng có thể là chiến lược mà Bắc Kinh đã và đang giăng ra để đối mặt với pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) vì Bắc Kinh đang đứng trước khả năng bị kiện bởi nhiều nước trong khu vực là rất cao.

Theo Nguyễn ChiếnChinhphu.vn

Không có nhận xét nào: