Pages

Thứ Bảy, 24 tháng 1, 2015

Chiến tranh trên mạng chống thánh chiến

mediaAbu Abd Al Rahman (phải) : các nhóm thánh chiến tuyên ttruyền qua internet để tuyển binh từ khắp nơi - Reuters
    Trên các tuần báo, mối lo âu về nạn khủng bố nhân danh thánh chiến lan tràn vẫn chiếm khá nhiều trang, trong đó có bài viết khá hấp dẫn trên tờ L’Express đề tựa : « Chiến tranh trên mạng chống lại thánh chiến ». Theo tạp chí này, các phe thánh chiến thường dùng mạng internet để tuyên truyền và tuyển mộ các chiến binh từ khắp nơi trên thế giới.






    Nhằm phòng ngừa các hành vi khủng bố và ngăn chặn các lời tuyên truyền của các nhóm thánh chiến, chính phủ Pháp đã thắt chặt các biện pháp an ninh trên mạng để đối phó với làn sóng này. L’Express tường thuật, sau khi xảy ra loạt khủng bố tại Paris, trên các trang mạng xã hội xuất hiện nhiều câu như : « Tôi là Kouachi » hay « Tôi là Coulibaly » để ủng hộ các tác giả của vụ khủng bố đẫm máu.
    Một số thành viên của các trang này còn để hình đại diện là hình của những tên khủng bố và kết bạn với những chiến binh Tây phương sang Syria hay những người ghi là « làm việc cho Tổ chức Nhà nước Hồi giáo ». Nhóm djihad còn dùng mạng lưới internet để đe dọa các nước phương Tây.
    Internet : Không thể nào kiểm soát được hết
    L’Express đặt câu hỏi : vậy làm thế nào để trả đũa ? Làm thế nào để hạn chế các lời tuyên truyền đầy thù hận ? Để một nội dung bị xóa khỏi mạng xã hội hoặc khỏi các công cụ tìm kiếm thì cư dân mạng hoặc chính quyền các quốc gia có liên quan phải báo đó là những thông điệp không muốn nhận. Tuy nhiên, để giám sát kỹ các trang mạng trên đòi hỏi nhiều phương tiện quan trọng. Hơn nữa, ông Vincent Lemoine, chuyên gia về tội phạm mạng lấy làm tiếc là « ngành cảnh sát và vệ binh lại không đào tạo đủ nhân sự có tay nghề cao để có thể kiểm soát khâu này ».
    Tạp chí nhận định, hiệu quả của khâu cảnh giác cũng chỉ mang tính tương đối. Bởi vì, chẳng ai ngăn cản được các cư dân mạng thánh chiến trao đổi hình, vidéo, bài viết với nhau thông qua công cụ mang tên Pastepin. Một số không ngần ngại đăng ký sử dụng với một tên gọi khác, đó là chưa kể đến những mạng xã hội thay thế khác như trang Diaspora hay trang chia sẻ video của Nga RuTube.
    Để tránh mối nguy và để phản ứng nhanh chóng trước các trao đổi giữa các thành viên thánh chiến trên mạng, Hoa Kỳ đã thiết lập một loạt các biện pháp kiểm duyệt. Đó là chương trình Prism, mà cựu nhân viên an ninh Mỹ Edward Snowden đã cài trên mạng. Các nhà quản trị mạng sẽ làm cho một số nội dung ẩn, nếu như người sử dụng không có chìa khóa để đọc. Tuy nhiên, động thái này cũng bị các quốc gia chỉ trích. Thủ tướng Anh David Cameron vừa yêu cầu Tổng thống Mỹ Barack Obama gây áp lực lên các trang mạng, buộc họ phải đăng tải hết các nội dung trao đổi. Pháp cũng có cùng mối lo như Anh.
    Hiện nay, một vị thẩm phán Pháp có thể yêu cầu các công ty có liên quan cho biết danh tính của người dùng tài khoản Outlook, Gmail, Facebook, Twitter…Một nhân viên công vụ cho biết, trong tương lai, có lẽ chính phủ Pháp sẽ phải mở rộng phạm vi nghe lén sang những người thân cận của nghi can như gia đình, bạn bè…Bộ trưởng Nội vụ có thể sẽ ký một hiến chương với các nhà quản trị mạng để họ điều tiết các nội dung đăng tải trên mạng. Một đạo luật đã được thong qua vào năm 2014 cho phép phạt hành vi tuyên truyền khủng bố bằng cách chặn các trang web này, mà thẩm phán cũng không được can thiệp.
    Liên minh chống tổ chức nhà nước Hồi giáo ủng hộ Irak
    Trên phương diện quân sự, đại diện 21 quốc gia đã họp tại Luân Đôn khẳng định đã chặn bước tiến của quân thánh chiến. Đồng thời, liên minh quốc tế chống thánh chiến cho biết ủng hộ Irak tiêu diệt IS. Đó là nội dung bài viết trên tờ Le Monde.
    Theo Le Monde, cuộc họp quy tụ các nước phương Tây và Ả Rập : Hoa Kỳ Canada, các nước Châu Âu, Úc, Thổ Nhĩ Kỳ và vùng Vịnh kèm với một thông điệp duy nhất và rõ ràng : đó là phải cắt nguồn tài chính của tổ chức IS và không cho tổ chức này chiêu mộ thêm các chiến binh nước ngoài.
    Các vụ khủng bố tại Paris nhắc nhở cần phải chiến đấu tiêu diệt quân thánh chiến, theo lời phát biểu mở đầu của Ngoại trưởng Anh Philip Hamond. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói thêm : « Đây không chỉ là vấn đề thắng được Tổ chức IS mà còn phải thắng được cả lý tưởng của họ ». Về phía Irak, Thủ tướng Haïder Al-Abadi kêu gọi quốc tế hỗ trợ nhiều hơn về quân sự để chiến đấu với tổ chức Nhà nước Hồi giáo.
    Lãnh đạo ngành ngoại giao Mỹ hứa sẽ sớm giao một lượng lớn súng M16 cho Irak để thay thế cho AK47. Cuối cùng, Ngoại trưởng Anh cho biết sẽ triển khai các phương tiện mới nhằm chặn dân Châu Âu gia nhập đội ngũ thánh chiến bằng cách thu thập dữ liệu về danh tính của hành khách đường hàng không.

    Không có nhận xét nào: