Pages

Thứ Ba, 28 tháng 7, 2015

Chênh lệch thống kê thương mại Việt - Trung do đâu?

Chênh lệch trong thống kê nhập khẩu từ Trung Quốc một phần là do tình trạng buôn lậu và gian lận thương mại, Tổng cục Thống kê Việt Nam cho biết
Tổng cục Thống kê Việt Nam vừa giải trình nguyên nhân dẫn đến sự chêch lệch trong thống kê về xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với Trung Quốc.
Trong khi đó, ý kiến từ một chuyên gia cho rằng chênh lệch trong thống kê là điều thường thấy, nhưng chưa phải là "bài toán mang tính chiến lược" trong giao thương Việt-Trung.

Bản giải trình của Tổng cục Thống kê, được đưa ra tại hội thảo lấy ý kiến cho dự thảo Luật thống kê sửa đổi hôm 27/7, cho biết giá trị xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc trong năm 2014 thấp hơn 5 tỷ đôla so với ghi nhận của phía Trung Quốc là do "chênh lệch ở nhóm hàng điện tử, điện thoại mà Việt Nam gia công lắp ráp", theo báo Tuổi Trẻ.
"Hàng Việt Nam sau khi gia công được xuất sang nước thứ ba. Trung Quốc nhập hàng hóa (ghi xuất xứ từ Việt Nam) của nước thứ ba này, dẫn đến chênh lệch con số giữa hai quốc gia", báo cáo viết.
Về chênh lệch 20 tỷ đôla trong thống kê nhập khẩu hàng Trung Quốc của Việt Nam năm 2014 so với số liệu xuất khẩu sang Việt Nam do Trung Quốc công bố, bản giải trình nói số liệu này tập trung vào nhóm hàng "liên quan đến tiêu dùng, gia công, dệt may, buôn lậu và gian lận thương mại".
Bản giải trình đã gặp nhiều chỉ trích từ các đại biểu Quốc hội tham gia hội thảo, Tuổi Trẻ cho biết.
Báo này dẫn lời ông Trần Du Lịch, đại biểu TP.HCM, nói bản giải trình "không có giải pháp nào để khắc phục" chênh lệch thống kê, trong khi ông Trương Văn Vở, đại biểu tỉnh Đồng Nai, được dẫn lời "đề nghị làm rõ trách nhiệm giải trình của cơ quan thống kê".
Một số ý kiến khác cũng đặt nghi vấn trước tính khách quan và độc lập của Tổng cục Thống kê khi cơ quan này được cấp ngân sách từ chính phủ.

'Sờ voi'

Trả lời BBC ngày 28/7, Tiến sỹ Vũ Minh Khương, từ Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Singapore, cho rằng "cơ quan thống kê là một cơ quan mang tính chuyên nghiệp, dù ngân sách được cấp từ đâu thì tính chuyên nghiệp vẫn phải đặt lên hàng đầu."
"Việc trực thuộc hay tách khỏi chính phủ không quan trọng bằng phẩm chất hay phương thức đánh giá của Tổng cục Thống kê", ông nói.
"Theo kinh nghiệm quan sát thì tôi thấy cấp trung ương họ tương đối có trách nhiệm, dù phương thức tính toán thì có thể chưa thật là khoa học."
"Tuy nhiên thống kê mang tính chất chế biến thì tôi nghĩ là ở địa phương thì cao hơn, nhất là khi vào các kỳ đại hội, các lãnh đạo lại lo lắng về vấn đề tăng trưởng kinh tế hơn."
"Về mặt số liệu thì ngay cả thống kê của Liên Hiệp Quốc hay các nước khác cũng có những cách tính khác nhau, ví dụ như tính theo giá FOB (tức miễn trách nhiệm trên boong tàu), hay giá CIF (bao gồm tiền hàng, bảo hiểm, vận chuyển đến cảng)."
Ông Khương cũng cho biết chênh lệch trong thống kê là điều thường thấy.
"Vấn đề thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc cần có hội đồng nghiên cứu rất khoa học. Ngay cả số liệu thống kê của Liên Hiệp Quốc hay trên thế giới cũng có những cách tính khác nhau, ví dụ như cách dùng giá FOB hay giá CIF, nên chênh lệch 10, 20% vẫn có thể có", ông nói.
"Nhưng làm sao để giảm thâm hụt thương mại mới là bài toán mang tính chiến lược."
"Nếu phải đương đầu với các bài toán khó như thế thì chính phủ hoặc quốc hội nên lập các ủy ban độc lập, mời các chuyên gia trong nước, quốc tế, làm việc một cách hệ thống và có một báo cáo khoa học để những người làm chính sách cũng như tất cả các cơ quan hiểu bản chất vấn đề."
"Cách làm hiện nay [tại Việt Nam] vẫn là 'sờ voi', thấy vấn đề nào là la lên thôi, chứ chưa có những cách làm khoa học."

Không có nhận xét nào: