Pages

Thứ Tư, 29 tháng 7, 2015

Nạn đưa trẻ VN vào Anh trồng cần sa

Bà Chloe Setter nói tình trạng đưa lậu người lớn và trẻ em từ Việt Nam vào Anh là một vấn đề lớn
Sang thăm Việt Nam, ngoài bàn thảo về hợp tác an ninh, quốc phòng, thúc đẩy thương mại, Thủ tướng Anh, David Cameron còn muốn đề cập đến chủ đề hợp tác trong nỗ lực chống nạn buôn người vào Anh.
Trang web của Phủ Thủ tướng Anh ở Downing Street ngày 29/07 nói trong chuyến thăm tới Việt Nam, Thủ tướng David Cameron sẽ nói về nỗ lực chống nạn buôn người:
"Thủ tướng sẽ tìm cách tăng cường hợp tác đã có với phía Việt Nam để chống nạn buôn người..."

"Một phần nỗ lực của chính phủ Anh nhằm dẫn đầu cuộc chiến ngăn chặn nạn nô lệ thời hiện đại, Anh Quốc muốn làm nhiều hơn cùng Việt Nam - nước hàng đầu về nguồn ra đi - để ngăn chặn các cá nhân khỏi bị khai thác, và cùng hỗ trợ nạn nhân."
"Điều này sẽ được xây dựng trên nền tảng đã có là hợp tác giữa Cơ quan chống tội phạm quốc gia Anh và cơ quan hành pháp Việt Nam để phá các đường dây buôn bán tệ nạn khủng khiếp này."
Trang này cũng cho hay Cao ủy chống nạn nô lệ ở Anh Kevin Hyland, sẽ dẫn đầu một phái đoàn tìm hiểu tình hình sang Việt Nam vào mùa thu này để xác định Anh Quốc có thể làm gì hơn nữa trong việc tăng cường hợp tác.
Trả lời BBC Tiếng Việt ở London, Chloe Setter, từ tổ chức từ thiện giúp đỡ nạn nhân buôn người ECPAT UK, nói đây là vấn đề lớn.
Chloe Setter: Tình trạng đưa lậu người lớn và trẻ em từ Việt Nam vào Anh là một vấn đề lớn. Việt Nam là một trong những nước hàng đầu mà trẻ em và thanh niên được đưa lậu vào Anh. Đây là nước đứng thứ hai về con số trẻ em đưa lậu vào Anh. Chúng ta nói tới con số hàng ngàn trẻ em.
BBC: Vậy đã có những gì được làm trước trình trạng này?
Gần đây chúng tôi đã có Luật về Nô lệ hiện đại sẽ bắt đầu có hiệu lực từ cuối tháng này mà theo đó có một số điều khoản về bảo vệ trẻ em một khi được xác định là nạn nhân. Ngoài ra cũng có một số điều khoản nhằm chấm dứt việc khởi tố và buộc tội những trẻ em bị phát hiện trong bối cảnh tội phạm.
Tuy nhiên vẫn còn chưa làm được nhiều trong việc phòng tránh, ngăn chặn và giải quyết vấn đề tận gốc rễ nguyên nhân tại sao xảy ra tình trạng này và giải quyết đối với các băng đảng tội phạm có tổ chức đứng đằng sau các hoạt động trồng cần sa. Chúng ta thấy rằng rất nhiều trẻ em được đưa lậu vào để trồng cần sa tại Anh.
BBC: Chính phủ Anh và Việt Nam đã làm gì để giải quyết vấn đề này?
Anh Quốc muốn ngăn chặn nạn buôn người
Tôi có biết là có một số chương trình nhưng tôi cho rằng chưa có những hành động nhắm đúng mục tiêu mà tôi cho rằng đó chính là vấn đề.
Tuyên bố hôm nay của ông David Cameron rằng ông muốn chấm dứt hoàn toàn tình trạng buôn lậu trẻ em vào Anh và ông xác định Việt Nam là một trong những nước mà rất nhiều nạn nhân xuất phát từ đó.
Tuy nhiên điều mà ông Cameron nói hôm nay liên quan tới dây chuyền cung ứng cho các công ty lớn, rằng mà các công ty này phải báo cáo liệu họ có nhân công thuộc diện lao động cưỡng bức trong dây chuyên cung ứng của họ hay không, thì tôi cho rằng nó hoàn toàn chẳng có liên quan gì tình trạng buôn lậu trẻ em vào Anh để làm trong các nông trại trồng cần sa.
Những chủ nhân của các trại cần sa, các tổ chức tội phạm có tổ chức sẽ chẳng bao giờ đi báo cáo về sự minh bạch trong dây chuyên cung ứng nhân công của họ. Chính những hành động bất hợp pháp mới là điều chúng ta cần phải làm, phải giải quyết.
Tờ rơi của chính phủ Anh kêu gọi người nhập cư lậu ra khai báo - bản dịch bị sai vì gọi The Salvation Army - một tổ chức từ thiện, là 'Doanh trại Quân đội'.
Tuy nhiên, một thành viên cộng đồng người Việt ở Anh Quốc nói rằng thực sự tỷ lệ trẻ vị thành niên người Việt được đưa vào Anh chỉ chiếm một lượng rất nhỏ.
Nói với BBC Tiếng Việt ngày 29/07 với điều kiện ẩn danh, người này nhận xét: "[Đa phần] người Việt sang đây thậm chí 25, 30 tuổi vẫn khai dưới [18] tuổi bởi mặt người Việt nhìn non hơn mặt người bản xứ."
"Theo quan sát và kinh nghiệm của tôi, ở độ tuổi đó thì ở Việt Nam họ cũng đã làm đủ thứ nghề. Họ sang đây thực ra có sự đồng lõa của hai bên, giữa người đưa người và người đi. Họ đã có những khế ước với nhau từ ban đầu. Khó có thể nói ai là nạn nhân, ai là thủ phạm."
Những người nhập cư lậu đa phần 'đồng lõa' với các đường dây buôn người, một người Việt ở Anh lâu năm nhận xét.

Không có nhận xét nào: