Pages

Chủ Nhật, 19 tháng 7, 2015

Chuyển hướng quan hệ Mỹ - Việt và dân chủ

Hoa Kỳ và Việt Nam đang điều chỉnh quan hệ, 'gạt bỏ khác biệt' để mở đường cho phối hợp 'lợi ích chung' chiến lược giữa hai bên.
Việc Hoa Kỳ đang điều chỉnh quan hệ song phương Mỹ - Việt không hề thay đổi tới việc cường quốc này tiếp tục duy trì những giá trị lâu nay đã đại diện cho họ là 'dân chủ' và 'nhân quyền', theo một luật sư nhân quyền từ Hà Nội.
Trong khi đó, theo một nhà báo, blogger độc lập từ Đà nẵng, dù đang diễn ra chuyển hướng quan hệ Mỹ - Việt, những đòi hỏi về dân chủ hóa và đảm bào các quyền con người ở Việt Nam sẽ không bao giờ là 'lạc hậu'.

Trao đổi với BBC Việt ngữ hôm 19/7/2015, Luật sư Lê Quốc Quân nói:
"Nước Mỹ theo đuổi và nước Mỹ chia sẻ những giá trị đó với toàn thế giới, theo quan điểm của tôi.
"Nhưng tùy từng giai đoạn và tùy từng mục đích, thì có thể người ta thực hiện những phương pháp và những biện pháp khác nhau.
"Chứ nói chuyện rằng cắt bỏ những giá trị đó là không có và ngược lại phía Việt Nam cũng vậy.
"Việt Nam cũng có rất nhiều người trong chính phủ Việt Nam đã và đang mong muốn có tốt đẹp hơn về dân chủ và nhân quyền. Bởi đó là những giá trị tốt đẹp.
"Cho nên dù những người dù là cộng sản, hay những người dữ dội hay có nói là hà khắc bao nhiêu, thì họ cũng phải hướng đến những giá trị tốt đẹp, kể cả những người xấu.
"Hay là những người mà đang đấu tranh thì cũng hướng đến những giá trị đó và nước Mỹ chia sẻ giá trị đó ở toàn cầu.
"Cho nên tôi không nghĩ rằng (các giá trị dân chủ, nhân quyền) sẽ bị cắt bỏ hay bị không đưa vào bất cứ chương trình gì nữa cả," từ Hà Nội, Luật sư Quân nói.
Trước câu hỏi liệu bên cạnh việc đề nghị chính quyền Việt Nam thả hết những người được cho là các 'tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm' ra, Hoa Kỳ có nên tiếp tục nhắc nhở Việt Nam thúc đẩy tiến trình 'dân chủ hóa và đảm bảo nhân quyền' hay không, ông Quân nói:
"Tôi nghĩ là đã có, đang có và sẽ có. Tôi cực kỳ lạc quan vào tất cả mọi chuyện ở Việt Nam."

'Mãi mãi là khát khao'

Còn từ Đà Nẵng, khi được hỏi liệu trong tình hình bang giao Mỹ - Việt có những diễn biến mới, liệu việc nhắc tới 'dân chủ và nhân quyền' hiện nay ở Việt Nam có bị 'lạc hậu' hay là không, nhà báo tự do Trương Duy Nhất nêu quan điểm:
"Không, không lỗi thời. Bởi vì ở một thể chế này thì tự do ngôn luận, tự do báo chí, Việt Nam vẫn chưa cho phép thành lập báo chí tư nhân, thì cái khát vọng đó, tự do ngôn luận, tự do báo chí, vẫn còn là một hạn chế.
"Thì khát khao cởi mở đó mãi mãi là khát khao," blogger này nói.
Gần đây, sau chuyến thăm Mỹ của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng, có ý kiến cho rằng tiến trình dân chủ hóa và các phong trào vận động dân chủ nhân quyền ở Việt Nam sẽ bị tác động do áp lực quốc tế, trong đó có Hoa Kỳ sẽ bị giảm đi vì các 'nhân nhượng chính trị'.
Về điểm này, nhà báo Trương Duy Nhất nêu quan điểm: "Thực tế cái áp lực phía các nước ngoài, thậm chí là các nước lớn đối trọng, ví dụ như Mỹ và các quốc gia khác, theo tôi chỉ là một khía cạnh thôi.
"Chứ không phải tất cả, nó còn cái nội lực, còn những phong trào, những sự từ nội tại trong nước. Ví dụ như tôi và những lực lượng tự nội tại trong nước, cái đó mới quan trọng.
"Tất nhiên chúng tôi không xem nhẹ những sự tác động từ bên ngoài, nhưng tác động từ chính bên trong, từ nội tại của đất nước mới quan trọng hơn," ông Trương Duy Nhất nói.
Nhà báo tự do, blogger Trương Duy Nhất, chủ trang blog 'Một góc nhìn khác', vừa ra tù ngày 26/5/2015, sau khi thi hành xong bản án 2 năm tù giam theo Điều 258 Bộ Luật Hình của Việt Nam.
Còn luật sư bất đồng chính kiến và nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền Lê Quốc Quân được trả tự do ngày 27/6/2015, sau khi mãn hạn tù 30 tháng, do bị cáo buộc mắc "tội trốn thuế".
Cả hai ông đều bác bỏ các bản án và cho rằng các ông vô tội.

Không có nhận xét nào: